Con số % tỉ lệ khen thưởng cuối năm khiến giáo viên đứng lớp ngậm ngùi

27/07/2020 06:10
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên dạy lớp khó có cơ hội cạnh tranh bởi thông thường những người có “chức tước” trong trường vẫn có ảnh hưởng nhiều hơn những thầy cô trực tiếp giảng dạy.

Ngày 21/7/2020, trên Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết Nhiều giáo viên hững hờ với thi đua, bởi khen thưởng đâu đến lượt của tác giả Kim Oanh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên trên cả nước.

Chỉ tính riêng trên giaoduc.net.vn thì tính đến chiều ngày 24/7 đã có hơn 212.000 người đọc, hàng ngàn lượt thích và 54 tin phản hồi từ bạn đọc.

Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn giáo viên cũng nhận được một lượng lớn người đọc với hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận…

Nhìn chung, chỉ có một vài ý kiến trái chiều, còn lại thì đa phần các bình luận đều đồng tình với nội dung bài viết.

Điều này cũng đồng nghĩa việc xét thi đua hiện nay vẫn còn nhiều trường học rơi vào tình trạng nhìn mặt bỏ phiếu cho nhau và vẫn có nhiều thầy cô đứng lớp còn thua thiệt trong việc xét thi đua cuối năm.

Giáo viên đứng lớp vẫn hay thiệt thòi trong xét thi đua cuối năm (Ảnh minh họa: An Nguyên).

Giáo viên đứng lớp vẫn hay thiệt thòi trong xét thi đua cuối năm

(Ảnh minh họa: An Nguyên).

Xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ được đề nghị 15% số người đã đề nghị danh hiệu Lao động tiên tiến

Những giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuẩn giáo viên từ mức khá trở lên, các chỉ tiêu đề ra đạt là được là nhà trường xét và đề danh hiệu Lao động tiên tiến.

Việc xét danh hiệu Lao động tiên tiến ở các nhà trường hiện nay không khó khăn vì mức thưởng ít mà khi xét tăng lương trước hạn thì cũng không được chú trọng.

Đối với những danh hiệu cao như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố), chiến sĩ thi đua cấp tỉnh…thì giáo viên đứng lớp ít màng tới vì nó khó về tiêu chí, khó về số phiếu và còn bị khống chế về sự phân bổ số lượng.

Vì vậy, giáo viên đứng lớp nếu đạt một số thành tích như có sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi các cấp, bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh…chỉ mong mình được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở mà thôi.

Nếu giáo viên được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thì có cơ hội xét nâng lương trước thời hạn- dù nó không nhiều như những loại Bằng khen từ cấp tỉnh trở lên nhưng dù sao tăng thêm tháng nào cũng tốt tháng đó.

Nhưng, cái khó nhất của việc xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở hiện nay là mỗi đơn vị chỉ lấy 15% số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.

Nếu như trong đơn vị mà số cán bộ, giáo viên, nhân viên có ít người đạt giải sáng kiến kinh nghiệm thì việc xét không quá khó. Tuy nhiên, nếu số người đạt giải sáng kiến kinh nghiệm nhiều hơn số lượng 15% thì việc bỏ phiếu thường rơi vào yếu tố hên- xui.

Trong khi, việc công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở của một số địa phương hiện nay cũng rất khác nhau. Có địa phương chấm lấy tỉ lệ nhiều, có địa phương chấm lấy tỉ lệ ít.

Vì thế, những địa phương mà công nhận sáng kiến kinh nghiệm đạt giải nhiều thì cuối năm xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở rất khó.

Những người đủ tiêu chuẩn phải cạnh tranh với nhau bằng hình thức bỏ phiếu kín, ai phiếu cao hơn sẽ được đề nghị khen thưởng- điều này đã được quy định rõ trong các văn bản hiện hành.

Những người được tín nhiệm của Hội đồng thi đua khen thưởng nhà trường phải đạt được 75% số phiếu trở lên mới được gửi danh sách lên cấp trên đề nghị công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Các danh hiệu cao hơn phải đạt từ 80% số phiếu trở lên.

Trong khi đó, những người trong Hội đồng thi đua khen thưởng là Ban giám hiệu, Chi ủy, Thanh tra nhân dân, Ban chấp hành Công đoàn, Tổ trưởng chuyên môn, Bí thư Đoàn trường, Tổng phụ trách Đội (cấp tiểu học, trung học cơ sở)…

Khi đã bỏ phiếu tín nhiệm thì cho dù có được quán triệt nhưng hình thức bỏ phiếu kín thì tôi thích ai tôi bầu cho người đó.

Vì thế, nếu những thành viên ngồi xét thi đua mà đủ tiêu chí (cho dù thành tích ít) thì giáo viên dạy lớp khó có cơ hội cạnh tranh bởi thông thường những người có “chức tước” trong trường vẫn có ảnh hưởng nhiều hơn những thầy cô trực tiếp giảng dạy.

Vậy nên, sau mỗi lần xét thi đua ở các nhà trường thường có những ý kiến, những lời thị phi trái chiều nhưng cũng không thể nào thay đổi được kết quả vì đó là kết quả của những lá phiếu đã được Hội đồng thi đua khen thưởng của nhà trường đã bỏ.

Thay đổi cách xét thi đua được không?

Chúng tôi cho rằng việc bỏ phiếu kín hiện nay vẫn rất bất cập bởi có những giáo viên dạy lớp dù có có nhiều thành tích nhưng vẫn rất khó đủ phiếu theo quy định bởi mức độ ảnh hưởng của giáo viên trong trường thường không nhiều.

Thực tế cho thấy những giáo viên dạy lớp được xét thi đua khen thưởng đối với các danh hiệu thi đua cao chỉ khi nào mà các thành viên “cốt cán” trong trường không đủ tiêu chí xét (có sáng kiến kinh nghiệm).

Một khi mà các thành viên cốt cán- những người trong Hội đồng thi đua mà có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải thì giáo viên dạy lớp dù có nhiều thành tích hơn cũng rất khó cạnh tranh vì những lá phiếu oan nghiệt- đó là một thực tế.

Vì thế, để công bằng, khách quan thì khi xét các danh hiệu thi đua từ Chiến sĩ thi đua trở lên ngành Giáo dục nên hướng dẫn cấp cơ sở sắp xếp thành tích. Ai nhiều thành tích, ai dạy tốt thì xếp trên và lấy từ trên xuống dưới cho đến khi đủ số lượng quy định.

Còn nếu lấy lá phiếu làm tiêu chí cốt lõi trong xét thi đua thì những danh hiệu thi đua cao, những Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Bộ hay của Chính phủ, rồi Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua toàn quốc hay Huân, Huy chương các loại không mấy khi đến lượt giáo viên trực tiếp dạy lớp.

Không tin, mọi người cứ nhìn vào thực tế địa phương mình, nhìn vào danh sách, quyết định khen thưởng hàng năm gửi về trường sẽ rõ ai là người được khen!

KIM OANH