Còn nuôi dưỡng quan điểm giáo dục hà khắc, thầy cô còn bạo hành học sinh

12/02/2019 06:37
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo thầy Hòa: “Bộ có vận động đến 10, Sở làm đến 100 lần mà các thầy cô giáo không thay đổi thì chắc chắn sẽ không thoát khỏi bạo lực học đường”.

Năm qua, vụ việc cô giáo ra lệnh học sinh tát bạn 231 cái hay vụ cô giáo tát học sinh chấn động não phải đi viện… là một trong những vụ bạo hành gây bức xúc dư luận.

Nguồn gốc của tình trạng bạo hành học sinh được các chuyên gia mổ xẻ ra có một phần là do quan điểm giáo dục hà khắc, gia trưởng.

Thực trạng giáo dục hà khắc, gia trưởng này đã tồn tại trong giáo dục lâu dài. Hệ lụy của việc giáo dục theo quan điểm này không chỉ khiến tình trạng bạo hành học sinh mà còn tạo ra nhiều thế hệ học sinh chỉ biết tuân theo mệnh lệnh, vâng lời.

Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).
Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội  (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).

Một số chuyên gia cho rằng, cái chết của giáo dục đó là đào tạo học sinh ngoan, vâng lời chứ không phải đào tạo học sinh thành những con người sáng tạo, có chính kiến.

Do vậy, cần thiết phải thay đổi quan điểm dạy học này. Nhưng để làm sao cô thầy giáo ý thức được điều này là điều không phải dễ dàng vì từ lâu quan điểm giáo dục hà khắc đã ngấm vào máu nhiều thế hệ giáo viên.

Xung quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng: “Thầy cô chúng ta cần phải nhìn thẳng vào vấn đề, giáo dục hà khắc là những gì rơi rớt của giáo dục phong kiến đã tồn tại hàng nghìn năm nay, đối với loài người đã lỗi thời nên cần thay đổi”.

Theo thầy Hòa: “Xã hội đang thay đổi, đất nước xã hội chủ nghĩa tôn trọng quyền con người, xây dựng con người bình đẳng, bác ái, trẻ con được phát triển toàn diện.

Vậy tại sao phải duy trì lối dạy theo quan điểm phong kiến rơi rớt lại”.

Triết lý giáo dục phải vì sự phát triển con người

Cũng theo thầy Hòa hiện một số gia đình lên tiếng rất to ủng hộ giáo dục hà khắc và cho rằng, kinh nghiệm của họ là giáo dục hà khắc mới nên người.

Nhưng với thầy Hòa giáo dục giờ đã khác. Ngày xưa đất nước chưa cởi mở, chưa bắt tay được với thế giới, chưa mở cửa ra ngoài thế giới, chỉ vẻn vẹn trong hình chữ S thì nghĩ như thế còn có thể chấp nhận được.

Còn bây giờ, thế giới đang là thời đại của sự hợp tác, phát triển, thời đại của sự sáng tạo nếu không thay đổi quan điểm cũ thì giáo dục không thể nào phát triển lên được.

Vì thế, thầy Nguyễn Văn Hòa bày tỏ: “Thay đổi là phải nhìn thẳng vào vấn đề, giáo dục hà khắc là sự rơi rớt của giáo dục thời xưa. Nếu mình nhìn nhận giáo dục hà khắc là cái cũ rồi thì kiên quyết bỏ.

Giáo dục bây giờ là giáo dục trên tinh thần kỷ luật tự giác. Khuyến khích con người tự giác, tự khẳng định mình, tự rèn luyện mình kịp thời.

Cái đó, các thầy cô giáo phải chủ động thay đổi và kiên quyết thay đổi chứ đừng chờ Bộ, sở quyết định yêu cầu các thầy cô giáo thay đổi”.

Vị chuyên gia này còn cho rằng: “Nếu còn ôm cái quan điểm giáo dục hà khắc, rồi kinh nghiệm của bản thân áp dụng máy móc thì vẫn còn tình trạng bạo hành với học sinh.

Bên cạnh thầy cô giáo thay đổi thì các cấp quản lý cũng phải nên có những chủ trương, phương pháp tuyên truyền, giáo dục tập huấn làm cho các thầy cô giáo thay đổi”.

Cứ áp lực, nhồi nhét kiến thức thì học trò ra đời sẽ ngớ ngẩn

Thầy Nguyễn Văn Hòa cho rằng, giáo dục dựa trên sự tương tác giữa thầy và trò và quan tâm đến sự tương tác giữa các học sinh, đến sự tự lực, tự rèn luyện, phấn đấu trong học tập của học sinh thì sẽ thay thế được quan điểm giáo dục hà khắc và như vậy, hiệu quả sẽ rất cao.

Cuối cùng vị này nhấn mạnh: “Điều này tự thân các thầy cô giáo là chính. Bộ có vận động đến 10, Sở làm đến 100 lần mà các thầy cô giáo không thay đổi thì chắc chắn sẽ không thoát khỏi bạo lực học đường.

Vẫn tồn tại quan điểm giáo dục hà khắc thì chắc chắn bạo lực học đường không xảy ra chỗ này thì chỗ khác, không thầy này thì thầy khác…”.

Trinh Phúc