Còn nhiều lo ngại về quản lý tài chính, đấu thầu ở mô hình DN trong trường ĐH

22/06/2022 06:52
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, có nhiều băn khoăn xung quanh việc đảm bảo thống nhất hoạt động giữa doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp - các trường đại học, cao đẳng.

Mô hình doanh nghiệp trong trường - chìa khóa cho tự chủ đại học

Vừa qua, nhiều trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp trên cả nước có dịp tham quan trực tiếp mô hình doanh nghiệp trong nhà trường của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Nhà trường tổ chức.

Trung tâm Sản xuất dịch vụ là mô hình doanh nghiệp trong trường của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội với quy mô khoảng 5000m2. Ảnh: Doãn Nhàn

Trung tâm Sản xuất dịch vụ là mô hình doanh nghiệp trong trường của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội với quy mô khoảng 5000m2. Ảnh: Doãn Nhàn

Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 460 trường đại học, cao đẳng, tuy nhiên chỉ có 11 cơ sở giáo dục đại học có mô hình doanh nghiệp trong trường. Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội là một trong số ít trường hiện nay có mô hình doanh nghiệp trong nhà trường hoạt động hiệu quả.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra.

Mỗi năm Trung tâm tiếp nhận khoảng 1.500-3.000 lượt sinh viên tới thực tập nghiệp vụ. Ảnh: Doãn Nhàn

Mỗi năm Trung tâm tiếp nhận khoảng 1.500-3.000 lượt sinh viên tới thực tập nghiệp vụ. Ảnh: Doãn Nhàn

Trong đó đặt ra 3 vấn đề chính gồm yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may; môi trường thực chiến cho sinh viên nhằm đảm bảo đầu ra đáp ứng với yêu cầu của các doanh nghiệp; Và bài toán về tài chính để duy trì tự chủ.

Thành lập Trung tâm Sản xuất dịch vụ (năm 1992) - mô hình doanh nghiệp trong trường là quyết định mang tính đột phá và chiến lược lâu dài của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, giúp giải quyết những khó khăn trong quá trình tự chủ đại học.

Trung tâm đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ sản xuất và đào tạo. Phó hiệu trưởng nhà trường, Giám đốc Trung tâm Sản xuất dịch vụ, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, Trung tâm còn là nơi tiếp nhận, hướng dẫn, đào tạo sinh viên thực hành, thực tập.

Mỗi năm Trung tâm tiếp nhận khoảng 1.500-3.000 lượt sinh viên. Đồng thời đây cũng là nơi cán bộ nhân viên nhà trường học tập nghiên cứu kiến thức thực tế.

Hoạt động của mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, cao đẳng giúp thúc đẩy tạo ra nhiều giá trị hữu ích, không chỉ riêng với nhà trường mà còn tác động tích cực tới cộng đồng, tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp thông tin, mỗi năm hiệu quả kinh doanh từ Trung tâm Sản xuất dịch vụ chiếm khoảng 50% nguồn thu của nhà trường. Cụ thể, mức doanh thu dao động từ 60-70 tỷ đồng/năm.

Trung tâm tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 400-500 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng/người (chưa tính chi phí bảo hiểm). Đây là những con số ấn tượng, minh chứng cho khả năng vận hành hiệu quả của mô hình doanh nghiệp trong nhà trường.

Tiến sĩ Trần Bá Kiên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương chia sẻ những vướng mắc trong cách quản lý, vận hành mô hình doanh nghiệp trong nhà trường. Ảnh: Doãn Nhàn

Tiến sĩ Trần Bá Kiên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương chia sẻ những vướng mắc trong cách quản lý, vận hành mô hình doanh nghiệp trong nhà trường. Ảnh: Doãn Nhàn

Băn khoăn về cơ chế vận hành mô hình doanh nghiệp trong nhà trường

Mô hình doanh nghiệp trong nhà trường là xu hướng hướng tất yếu, giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động. Tuy nhiên, hiện có nhiều băn khoăn xung quanh việc đảm bảo thống nhất hoạt động giữa doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp - các trường đại học, cao đẳng.

Tiến sĩ Trần Bá Kiên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương cho biết: Hiện nay nhà trường có một Trung tâm chuyên sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng với khoảng 35 cán bộ.

Tiến sĩ Kiên đặt câu hỏi với lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội về cách nhà trường quản lý hoạt động của Trung tâm như thế nào để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp? Ngoài ra còn có các vấn đề quản lý tài chính, đấu thầu vật tư nguyên liệu như thế nào cho hiệu quả?

Tiến sĩ Kiên bày tỏ thắc mắc: “Đơn vị hành chính trực thuộc trường mà lại hoạt động như một doanh nghiệp, do đó nguyên vật liệu có giá trị lớn khi mua buộc phải đấu thầu theo quy định. Vậy sản xuất doanh nghiệp lại chờ đấu thầu thì bao giờ mới sản xuất được một đơn hàng?”

Tiến sĩ Kiên cũng đặt câu hỏi về vấn đề chi trả lương cho thầy cô giáo khi xuống Trung tâm sản xuất, chi trả cho sinh viên khi đến Trung tâm thực tập ra sao?

Giải đáp những băn khoăn của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp cho biết:

Đối với hoạt động của Trung tâm, nhà trường giao quyền tự chủ cho Giám đốc Trung tâm, chỉ quản lý dựa trên chỉ tiêu đặt ra hàng năm. Do đó, Giám đốc Trung tâm có quyền tự quyết các vấn đề như tuyển dụng nhân sự, mua bán nguyên vật liệu,... miễn sao đảm bảo được chỉ tiêu đề ra.

Ở Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội hiện nay, tất cả các vị trí từ Hiệu trưởng cho đến người làm bảo vệ đều có một bảng mô tả công việc rất chi tiết, cụ thể và có đánh giá hàng tháng. Bảng mô tả này dựa trên đóng góp, thống nhất của các phòng ban, đơn vị trong trường.

Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội quản lý Trung tâm Sản xuất dịch vụ bằng chỉ tiêu cụ thể đề ra hàng năm. Ảnh: Doãn Nhàn

Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội quản lý Trung tâm Sản xuất dịch vụ bằng chỉ tiêu cụ thể đề ra hàng năm. Ảnh: Doãn Nhàn

Theo đó, việc chi trả lương cho cán bộ thầy cô giáo, sinh viên của trường khi vào Trung tâm sản xuất cũng căn cứ theo bảng mô tả chi tiết công việc trên.

Vấn đề quản lý tài sản, con người, hướng giải quyết của chúng tôi là xây dựng quy chế hoạt động của Trung tâm thật cụ thể, rõ ràng, đặc biệt trong đó, quy chế này phải đảm bảo nằm trong quy định chung của nhà trường.

Ví dụ về việc quản lý lợi nhuận từ kinh doanh sẽ đề ra mức phần trăm lợi nhuận Trung tâm được dùng để chi trả lương cho cán bộ nhân viên Trung tâm, bao nhiêu phần trăm thuộc về nhà trường,...

Liên quan đến những băn khoăn của Tiến sĩ Kiên về đấu thầu nguyên vật liệu cho Trung tâm, ông Vinh hiểu và chia sẻ với những vướng mắc này:

“Với những nguyên vật liệu giá trị lớn, phải tiến hành báo giá, đấu thầu,... là quy định bắt buộc phải thực hiện. Trung tâm trực thuộc nhà trường, là đơn vị hành chính sự nghiệp, do đó phải tuân theo những yêu cầu của pháp luật hiện hành.

Khi cần xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, Trung tâm không được phép xuất nhập khẩu trực tiếp, vậy chúng tôi sẽ thực hiện thông qua một bên thứ 3 là công ty có chức năng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên cách làm này sẽ đòi hỏi vừa mất thời gian, vừa tốn thêm chi phí.

Ngoài ra, không nhập khẩu trực tiếp, chúng ta có thể linh hoạt việc thuê mượn nguyên vật liệu, cái này không trái với quy định hiện hành, mà vẫn tiết kiệm chi phí; Tuy nhiên sẽ có một số hạn chế nhất định vì không phải thiết bị nào cần cũng có để thuê mượn”.

Đây cũng là những khó khăn chung nhiều mô hình doanh nghiệp trong Nhà trường đang gặp phải. Do đó, đại diện Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội kiến nghị với Nhà nước có thêm những chính sách hỗ trợ các mô hình doanh nghiệp trong trường phát triển:

Thứ nhất, miễn thuế giá trị gia tăng hoặc có chính sách thuế giá trị gia tăng bằng không khi sinh viên tham gia sản xuất kết hợp phục vụ học tập và thực tập.

Thứ hai, cho phép các cơ sở giáo dục đại học được phép xuất nhập khẩu trực tiếp với khách hàng nước ngoài.

Thứ ba, giao hoàn toàn các thủ tục đầu tư tài sản cho Hội đồng trường để rút ngắn thời gian đầu tư, tận dụng cơ hội kinh doanh.

Doãn Nhàn