Còn nhiều băn khoăn khi tổ chức thi quốc gia trên máy tính sau năm 2020

30/09/2019 16:22
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc đầu tư số lượng máy tính khổng lồ để phục vụ cho kỳ thi xong rồi “đắp chiếu” đợi kỳ thi năm sau sẽ là một sự lãng phí lớn.

Theo phương án đổi mới kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ thì phương thức thi là tổ chức trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.

Thực tế, hình thức thi trên máy tính trong các kỳ thi ngoại ngữ, tin học đã được nhiều nước áp dụng. Hình thức này cũng từng được thí điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015-2016, cho thấy nó hoàn toàn khả thi và học sinh Việt Nam hoàn toàn tiếp cận được.

Tuy nhiên, việc nhân rộng ra toàn quốc với nhiều vùng miền khác nhau hoàn toàn không đơn giản, cần có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Kỳ thi đánh giá năng lực bằng hình thức thi trên máy tính đã được Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội.
Kỳ thi đánh giá năng lực bằng hình thức thi trên máy tính đã được Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trước đề xuất này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, với thời gian chuẩn bị từ nay thì chúng ta có thể tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính từ năm 2021, song việc triển khai cần hết sức thận trọng. 

Bởi lẽ với một số lượng thí sinh dự thi đông đảo diễn ra tại một thời điểm, nếu hạ tầng không đảm bảo có thể dẫn đến nhiều sự cố xảy ra như nghẽn mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. 

Bên cạnh đó, việc đầu tư một số lượng máy tính khổng lồ để phục vụ cho kỳ thi xong rồi “đắp chiếu” đợi kỳ thi năm sau cũng sẽ là một sự lãng phí lớn. 

Phương án thi trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020 sẽ như thế nào?

Ngoài ra, việc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia liệu có đạt được cả hai mục tiêu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở để tuyển sinh đại học hay không cũng cần phải có thêm những nghiên cứu, đánh giá khoa học và nghiêm túc.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, thi trên máy tính là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay nhưng tổ chức thi như thế nào, kỹ thuật ra sao là điều cần phải bàn rất cụ thể.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhất trí với đề xuất phương án thi của Bộ là chuyển từ thi trên giấy sang máy tính, tuy nhiên ông Phương cho rằng: 

“Quá trình chuyển tiếp đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về điều kiện kỹ thuật, công nghệ của từng địa phương mà hoàn cảnh cụ thể của từng nơi là khác nhau do đó đến năm 2025 chưa thể thi máy hóa tuyệt đối thì vẫn cần có phương án thi trên giấy”. 

Theo ông Phương, ngân hàng đề thi cần chuẩn bị thật kỹ vì hiện nay độ khó, độ tin cậy và tính giá trị của câu hỏi chưa làm tốt.

Thùy Linh