Còn liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên trường nghề còn nhiều khó khăn

17/09/2021 06:47
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gọi là liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên nhưng thực ra là chúng tôi đang đi thuê giáo viên từ các trung tâm này về dạy, chi phí phát sinh rất nhiều.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã và đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa Trung học phổ thông trong các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mới đây.

Việc này được thực hiện trong bối cảnh, tại các trường nghề hiện nay có một thực trạng đó là, các học sinh “học nghề thì một nơi mà học văn hóa thì lại ở một chốn”, điều này ít nhiều gây ra tâm lý lo ngại cho phụ huynh học sinh.

Vì thế, trong hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo diễn ra ngày 8/9, đại diện nhiều trường nghề cho rằng, các Bộ cần tạo cơ chế thông thoáng hơn để họ có thể chủ động trong trong việc dạy chương trình văn hoá 7 môn và học sinh trong các trường nghề có thể dự thi tốt nghiệp.

Thầy Phạm Ngọc Vũ - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện xây dựng Việt Xô. Ảnh: NTCC

Thầy Phạm Ngọc Vũ - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện xây dựng Việt Xô. Ảnh: NTCC

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Thạc sỹ Phạm Ngọc Vũ - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện xây dựng Việt Xô (Ninh Bình) cho biết: “Không chỉ riêng Trường cao đẳng Cơ điện Việt Xô mà nhiều trường cao đẳng nghề khác trên khắp cả nước cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này.

Bởi lẽ, việc xem xét cho các trường cao đẳng nghề được dạy khối lượng kiến thức văn hoá Trung học phổ thông lên 7 môn thay vì chỉ có 4 môn như trong dự thảo đề cập là nguyện vọng chính đáng của các trường.

Thực tế hiện nay cho thấy, tâm lý về bằng cấp trong suy nghĩ của nhiều người dân nước ta vẫn rất nặng nề. Đặc biệt là các khối văn phòng của các doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước, khi làm công tác xét duyệt hồ sơ xin việc của người lao động cũng còn rất hình thức về việc lao động đó đã tốt nghiệp văn hoá 12/12 hay 9/12. Vì thế, dù là theo học trong các trường nghề sau khi các em chỉ mới học hết lớp 9 nhưng 100% các học sinh cũng luôn muốn có một tấm bằng văn hoá 12/12 khi các em ra trường.

Điều này là nguyện vọng chính đáng của các học sinh, các trường cao đẳng nghề cũng luôn mong muốn được cho phép dạy 7 môn và cấp bằng Trung học phổ thông cho các học sinh một cách một cách dễ dàng, thay vì phải kết hợp với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên như hiện nay.

Theo định hướng phân luồng học sinh của Chính phủ đưa ra, thì việc học sinh học hết lớp 9 đi học nghề đã có từ trước. Nhưng hiện nay, các Bộ lại không nới lỏng một số quy định cho các trường nghề trong việc dạy chương trình văn hoá Trung học phổ thông, điều này khiến quá trình thực hiện chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn.

Hơn nữa, hầu như tất cả các học sinh khi học hết lớp 9 mà đăng ký học nghề tại trường chúng tôi thì đều có nguyện vọng là học luôn chương trình văn hoá Trung học phổ thông luôn do trường đảm nhiệm, chứ không muốn cảnh “học văn hoá thì một nơi mà học nghề thì một chốn”. Thông qua đợt góp ý dự thảo Thông tư lần này chúng tôi cũng mong muốn được các Bộ, ngành có liên quan lưu tâm và tạo điều kiện cho các trường nghề được mở rộng cơ chế”.

Nêu lên một số bất cập, hạn chế khi các trường phải liên kết với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trong việc dạy văn hoá, thầy Vũ nhận định: “Việc giảng dạy kết hợp giữa dạy văn hoá và dạy nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở mà muốn đi học nghề đã được chúng tôi thực hiện từ năm 1991 và cũng đã tổ chức cho các học sinh nhiều khoá thi như thế.

Nhưng đến năm 2002, số lượng học sinh thi vào cao đẳng đông quá, trong khi hiệu quả lại không cao vì tỉ lệ sinh viên nghỉ học giữa chừng có khi lên tới 50% trong một khoá, nên Hiệu trưởng lúc đó mới quyết định dừng không đào tạo nữa. Nhưng đến nay, nhà trường dù đã quay trở lại với mô hình này thì các quy định, chính sách lại có nhiều vướng mắc nên chúng tôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc phối hợp với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Bởi lẽ, tuy gọi là liên kết với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, nhưng thực ra là chúng tôi đang phải đi thuê giáo viên từ các trung tâm này về dạy. Tất nhiên, theo quy định hiện tại thì các trường cao đẳng nghề buộc phải có sự hỗ trợ của các trung tâm này thì các em mới được thi và cấp bằng Trung học phổ thông được. Vì thế, các trường cũng phải thực hiện theo đúng quy định để tạo điều kiện cho các học sinh được hoàn thành chương trình.

Đối với những giáo viên chúng tôi thuê từ các trung tâm thì hầu như đã được chi trả các mức kinh phí tương đối cao, nên trong việc giảng dạy hay chuyên môn thì không có khó khăn gì cả, các giáo viên cũng tích cực giúp đỡ nhà trường.

Nhưng có một bất cập là, khi đi thuê giáo viên từ các Trung tâm Giáo dục thường xuyên về trường giảng dạy thì nó đang phát sinh rất nhiều chi phí. Nếu không cân đối hợp lý thì chi phí học tập của các học sinh cũng đang bị đội lên rất cao. Nói thực lòng, nếu vì chi phí khi đi thuê giáo viên từ trung tâm về dạy bị đội lên cao mà áp đặt lên các khoản đóng góp của các học sinh thì chúng tôi cũng không đành lòng.

Đó chưa kể đến việc, nhiều học sinh theo học tại các trường nghề sau khi vừa hết lớp 9 đa phần rơi vào các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nếu các chi phí học tập bị đội lên cao, rất có thể các em sẽ bỏ học.

Hiện tại, để duy trì các hoạt động của cả bộ máy nhà trường và ổn định tâm lý cho phụ huynh lẫn học sinh thì các chi phí này hầu như nhà trường đều đang phải gánh hết. Giữa lúc mục tiêu tự chủ các trường đang phải thực hiện thì việc cân đối chi phí giữa các nguồn với nhau đang là bài toán rất đau đầu với các trường cao đẳng nghề như chúng tôi.

Cái khó nữa là tâm lý của học sinh và phụ huynh các em khi học trong trường nghề nhưng nhận bằng tốt nghiệp thì vẫn ghi là của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Điều này khiến nhiều phụ huynh có suy nghĩ là trường nghề không được tổ chức thi văn hoá, nếu không làm tốt khâu tuyên truyền về vấn đề này thì lượng thí sinh đăng ký hàng năm của chúng tôi cũng sẽ bị giảm sút không kém. Không ít phụ huynh dù đã đăng ký hồ sơ vào rồi, nhưng vì nghe thông tin chưa rõ ràng, sau đó lại rút ra.

Chúng tôi cũng khẳng định rằng, dù không đào tạo văn hoá nhưng hiện tại việc liên kết của nhà trường với các trung tâm luôn ổn định nên đảm bảo các em sẽ được đào tạo và cấp bằng đầy đủ. Vì thế, nếu các cơ quản quản lý tạo điều kiện thuận lợi, cho phép chúng tôi chủ động trong việc thực hiện đào tạo chương trình này thì đúng là vẹn cả đôi đường”.

Thông tin thêm về các góp ý của nhà trường vào dự thảo lần này, thầy Vũ cho biết: “Thực ra, góp ý thì nhà trường cũng đã có ý kiến rồi, nhưng nếu cách thức trong dự thảo vẫn quy định cho trường nghề chỉ đào tạo 4 môn văn hoá chứ không phải 7 môn thì học sinh của trường vẫn không đủ điều kiện để thi tốt nghiệp.

Thầy Vũ cho rằng, nếu các chi phí học tập bị đội lên cao, rất có thể các học sinh theo học văn hoá ở trường nghề sẽ bỏ học. Ảnh: NTCC

Thầy Vũ cho rằng, nếu các chi phí học tập bị đội lên cao, rất có thể các học sinh theo học văn hoá ở trường nghề sẽ bỏ học. Ảnh: NTCC

Như vậy, khi chúng tôi vẫn chưa tự chủ hoàn toàn trong việc đào tạo văn hoá Trung học phổ thông cho học sinh trong chính trường mình thì quá trình thực hiện theo kế hoạch phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở của Chính phủ đề ra sẽ vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong trường hợp, nếu các Bộ đồng ý giao quyền cho các trường nghề được chủ động trong việc đào tạo với khối lượng 7 môn văn hoá thì chúng tôi khẳng định, hoàn toàn nhà trường có thể đảm bảo đội ngũ nhân lực để thực hiện.

Bởi vì, bản thân các trường cao đẳng nghề từ trước tới nay đều có các giáo viên được đào tạo bài bản. Hơn nữa, nếu chính các giáo viên trong trường dạy trực tiếp các học sinh của mình thì tất nhiên hiệu quả cũng sẽ cao hơn, tinh thần học của các học sinh cũng cao hơn. Còn việc vẫn phải liên kết với các trung tâm thì qua thời gian nữa nó cũng sẽ dễ nảy sinh nhiều bất cập.

Thế nên, việc các Bộ giao quyền chủ động cho các trường nghề trong việc đào tạo trình độ văn hoá Trung học phổ thông thì nó cũng sẽ có hiệu quả và có ảnh hưởng tốt hơn hoạt động của các trường, đặc biệt là trong công tác tuyển sinh.

Đây cũng là mong muốn của nhiều học sinh, phụ huynh và cũng là đề xuất của nhà trường, để các em được thuận lợi học tập, vừa học nghề, vừa học văn hoá ngay trong nhà trường và có thể tham gia thi Trung học phổ thông quốc gia”.

Trung Dũng