Con lấy tay gạt nước mắt, bước vào lớp vai vẫn run bần bật

02/01/2019 06:50
Thảo Ly
(GDVN) - Có không ít học sinh vì áp lực với chỉ tiêu ba mẹ đưa ra phải đạt điểm 10, thế nên khi được cô đọc điểm em chỉ đạt điểm 8, 9 đã bật khóc nức nở ngay trong lớp.

LTS: Nếu bệnh thành tích của nhà trưởng ảnh hưởng gián tiếp đến học trò thì bệnh thành tích của cha mẹ lại gây ra những áp lực trực tiếp lên đầu con cái của họ...

Từ đó, chia sẻ về vấn đề này nhà giáo Thảo Ly đã có bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này. 

Vào học đã lâu vẫn thấy hai phụ huynh lớp bên cạnh ngồi mãi ngoài hành lang như đang trao đổi điều gì với giáo viên. Lúc sau, nghe tiếng người mẹ nói lớn làm chúng tôi chú ý. 

Cô bé học trò lớp 3 nước mắt chan hòa đang cúi gằm mặt xuống nức nở bên cạnh là bà và mẹ với nét mặt khá căng thẳng và những lời chì chiết nặng nề. 

Bước lại gần xem chuyện gì xảy ra, tiếng người mẹ xỉa xói con vẫn vang lên “tao lo cho mày có thiếu thứ gì không mà mày học hành tệ như thế? Học vậy thì nghỉ học ở nhà đi làm cá cho mẹ khỏi tốn tiền con ạ”. 

Con lấy tay gạt nước mắt, bước vào lớp vai vẫn run bần bật ảnh 1Thói sĩ diện hão của nhiều ông bố, bà mẹ đang làm hại các con

Thấy tôi đến gần, bà của cô bé vội thanh minh “nó thi toán mà có 6 điểm thôi cô. Ngày thường cô giáo bảo con bé học cũng tốt lắm”.

Người mẹ lớn tiếng hơn “nó ham chơi, làm bài không chú ý cô ạ. Tôi biết rõ con này lắm”. 

Nghe thế, tôi nói rằng “trẻ nhỏ làm bài nhiều khi sơ suất. Vừa cho làm đạt điểm 10 nhưng kêu làm lại có khi chỉ còn 6, 7 điểm. Quan trọng cháu hiểu bài, biết cách làm nhưng tính toán chưa cẩn thận thì khắc phục dần.

Em đừng áp lực lên con nhiều quá, điểm số cũng chưa phản ánh đầy đủ. Cô giáo chủ nhiệm vẫn nhận xét cô bé có lực học khá là gì”. 

Tiếng người mẹ dịu xuống “em chửi vì tội không tập trung, làm bài thiếu cẩn thận.

Thôi để cho con vào học, mắng con xối xả trước mặt các bạn tội con bé tổn thương”. 

Nói rồi tôi bảo cô bé vào lớp. Lấy tay quẹt nước mắt đang chan hòa trên khuôn mặt, đôi vai rung lên, tiếng nấc vẫn bật lên thành tiếng dù em đã cố ghìm. 

Khi phụ huynh về rồi, cô chủ nhiệm mới nói rằng, hôm qua em đọc điểm thi, hôm nay gia đình lên yêu cầu được xem bài thi vì sao con lại bị điểm thấp như thế. 

Khi biết trong lúc tính toán bài toán giải, bé Như ghi nhầm số (232 thành 223) nên ảnh hưởng đến kết quả toàn bộ bài toán và mất điểm. 

Thế là trận lôi đình của mẹ giáng xuống đầu em mặc dù cô chủ nhiệm đã ra sức can ngăn.

Đây không phải là chuyện hiếm mà giáo viên chúng tôi thường gặp. Trong cuộc họp phụ huynh cuối học kì và cuối năm, tất cả bài thi của các em sẽ được phát ra. 

Kỳ vọng quá lớn của bố mẹ đã vô tình tạo áp lực cho các con. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Kỳ vọng quá lớn của bố mẹ đã vô tình tạo áp lực cho các con. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Không ít phụ huynh so bì nhau từng điểm số của con và buông lời thất vọng. Những lúc ấy, chúng tôi cứ nghĩ họ đang vì danh dự (họ cho là thế) và niềm kiêu hãnh của riêng mình hơn vì sự học của các con mình.

Có những phụ huynh con đạt tới 9 điểm nhưng vẫn không bằng lòng. Chị lớn tiếng chì chiết con làm ẩu và lên tiếng hăm dọa “tí về sẽ cho một trận” gây khó chịu cho không ít phụ huynh có con đạt điểm thấp hơn.

Có không ít học sinh vì áp lực với chỉ tiêu ba mẹ đưa ra phải đạt điểm 10, thế nên khi được cô đọc điểm em chỉ đạt điểm 8, 9 đã bật khóc nức nở ngay trong lớp.

Có em nói rằng “ba mẹ nói nếu thi được điểm 10 sẽ cho đi du lịch, giờ thì tiêu rồi”. 

Cũng vì để đạt được niềm mong mỏi của ba mẹ mà nhiều em phải gồng mình học tập và lo sợ, hồi hộp khi mình không đạt được mục tiêu.

Tuổi thơ của các em mất đi sự vui tươi, hồn nhiên trong sáng vì phải gánh gồng thêm ước mơ của người lớn như thế có nên không?

Thảo Ly