Cô Vũ Uyên và 24 năm nỗ lực để học sinh không sợ môn Toán

12/10/2021 06:48
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo cô giáo Vũ Uyên, học sinh cần được xây dựng chủ đề học Toán phù hợp với học lực để có thể phát huy tốt nhất trong kỳ thi vào lớp 10.

Gắn bó 24 năm cùng trường Trung học cơ sở An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng), cô giáo Nguyễn Thị Vũ Uyên (sinh năm 1976) luôn trăn trở, tìm kiếm phương pháp giúp học sinh ngày càng yêu thích và học tập tốt bộ môn Toán.

Trong đó, cô tâm huyết nhất với việc nâng cao chất lượng ôn thi vào lớp 10 đối với học sinh có học lực chưa tốt.

Việc ôn thi đối với học sinh có học lực kém luôn là bài toán khó và đòi hỏi ở giáo viên sự thấu hiểu, nỗ lực gấp đôi trạng thái bình thường.

Theo cô giáo Vũ Uyên, để học sinh chủ động nỗ lực học Toán, điều kiện đầu tiên là các em phải yêu, thực sự có hứng thú với môn học.

Bởi vậy, từ những buổi dạy đầu tiên cho đến hiện tại, cô luôn chú trọng tạo động cơ và hứng thú say mê để học sinh yêu thích bộ môn Toán.

Cô giáo Vũ Uyên tâm huyết với việc nâng cao chất lượng ôn thi vào 10 (Ảnh: CTV)

Cô giáo Vũ Uyên tâm huyết với việc nâng cao chất lượng ôn thi vào 10 (Ảnh: CTV)

Cô giáo Vũ Uyên chia sẻ: “Công tác giảng dạy từ năm 1997 đến bây giờ, tôi tâm huyết nhất là nâng cao chất lượng ôn vào lớp 10 đối với học sinh có học lực chưa thực sự tốt.

Ngay từ đầu năm học, thông qua khảo sát đầu năm, học sinh được phân lực học như giỏi, khá, trung bình hoặc yếu kém.

Dựa trên cơ sở trên, tôi chọn ra đối tượng mà khả năng thi vào lớp 10 của các em chưa thật sự chắc chắn để trao đổi với phụ huynh tìm ra giải pháp khắc phục.

Mở đầu môn học tôi thường đưa ra những câu chuyện, ví dụ thực tế cho thấy môn Toán có những ứng dụng trong thực tế như thế nào, có ích với các em trong cuộc sống thực tiễn ra sao!

Tôi thường nhấn mạnh với học sinh, điều quan trọng nhất là các em phải yêu thích và muốn học môn Toán còn phần “khó” cô sẽ đồng hành và giúp đỡ các em.

Từ đó, tôi xây dựng chủ đề dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, để những học sinh dù chậm tiếp thu, có học lực yếu nhưng cố gắng vẫn có thể hoàn thành những bài tập mà tôi đưa ra.

Khi đã có nền tảng, tôi sẽ nâng cao dần dần theo nội dung ôn thi vào 10 trên cơ sở bài tập vừa sức.

Ngoài ra, tôi hướng dẫn học sinh tự học thông qua tài liệu và có thể trao đổi với bạn bè trong nhóm để xây dựng đôi bạn cùng tiến, giúp đỡ nhau học tập.

Phương pháp này đã mang lại hiệu quả rõ rệt qua nhiều thế hệ học sinh.

Tôi cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của học sinh nhưng mang tính chất động viên, khích lệ chứ không gây áp lực”.

Cô giáo Vũ Uyên cho biết thêm, xuyên suốt quá trình giảng dạy, cô rất coi trọng sự liên kết, tương tác giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Có được sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, giáo viên mới hiểu được học sinh của mình đang vướng mắc ở đâu và đưa ra cách dạy, cách học phù hợp và kịp thời.

“Tôi thường quan tâm phù hợp với đối tượng học sinh và kết hợp chặt chẽ với phụ huynh xuyên suốt quá trình học, đặc biệt là giai đoạn cuối cấp.

Nhiều khi đến tối, tôi vẫn gọi trao đổi với phụ huynh xem các con có chịu học không, vướng mắc ở đâu hay không” cô giáo Vũ Uyên cho biết.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình “trồng người” của mình, cô giáo Vũ Uyên chia sẻ: “Còn nhớ vào năm 2017, tôi có một học sinh nữ tên Đặng Minh Huệ. Do hoàn cảnh gia đình, em phải chuyển về lớp tôi khi chỉ còn 4 tháng là đến kỳ thi vào lớp 10.

Khả năng học các môn khác của Minh Huệ rất tốt nhưng riêng môn Toán em còn nhiều lỗ hổng kiến thức.

Thêm vào đó, việc đổi môi trường học tập vào giai đoạn cuối cấp khiến Minh Huệ bỡ ngỡ và áp lực nhiều hơn.

Rất nhiều lần trong giờ học toán, gặp phải bài nào không hiểu, không làm được Minh Huệ lại khóc.

Lúc này, tôi hiểu được cô bé khát khao học tập tốt môn Toán nhưng vì quá áp lực nên loay hoay không biết mình cần học gì và học như thế nào.

Từ đó, cứ đến cuối giờ, Minh Huệ chủ động ở lại cuối giờ để tôi hướng dẫn thêm bài học hôm đó và muốn giảng cho đến khi hiểu và làm được bài mới thôi.

Minh Huệ nói với tôi: “Bao giờ con hiểu con mới về!”.

Đền đáp công sức ròng rã 4 tháng của cô và trò, kỳ thi vào lớp 10 năm đó, Minh Huệ xuất sắc đạt thủ khoa của trường Trung học cơ sở An Dương.

Dù Minh Huệ đã tốt nghiệp nhưng em và gia đình vẫn thường xuyên chia sẻ cuộc sống và việc học tập của em ở cấp học mới.

Năm ngoái, Minh Huệ vui mừng khoe với tôi em đã thi đỗ ngành Sư phạm Toán của trường Đại học Hải Phòng.

Câu nói “Tương lai em sẽ trở thành một cô giáo giống cô” là món quà trân quý, đáng nhớ nhất đối với tôi”.

Cô giáo Uyên đã đóng góp nhiều thành tích trong công tác giáo dục đại trà và học sinh giỏi của nhà trường (Ảnh: CTV)

Cô giáo Uyên đã đóng góp nhiều thành tích trong công tác giáo dục đại trà và học sinh giỏi của nhà trường (Ảnh: CTV)

Xuyên suốt hành trình gắn bó với trường Trung học cơ sở An Dương, cô giáo Vũ Uyên đã đóng góp nhiều thành tích cho công tác mũi nhọn và kết quả thi vào lớp 10 của nhà trường.

Lớp do cô giảng dạy đạt tỉ lệ 94 % học sinh đỗ vào trường Trung học phổ thông công lập.

Thời gian vừa qua, do các kỳ thi học sinh giỏi của thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cô khuyến khích học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế và đạt được thành tích cao.

Năm học 2019 – 2020, cô có 1 học sinh đạt huy chương bạc cuộc thi Toán ASMO; 2 học sinh đạt huy chương bạc và 1 học sinh đạt huy chương đồng cuộc thi Toán AMO.

Đến năm học 2020 – 2021, 2 học sinh của cô đạt huy chương đồng và 9 giải khuyến khích cuộc thi Toán AMC (Úc); 1 học sinh đạt giải vàng và 1 học sinh đạt giải đồng cuộc thi Toán AMC- Hoa Kỳ; 2 học sinh đạt huy chương đồng cuộc thi Toán SASMO – Châu Á.

PHẠM LINH