Có việc sửa học bạ, gian dối sơ tuyển vào ngành Công an và Quân sự

25/03/2015 07:56
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Chất lượng sơ tuyển và đăng kí dự tuyển đối với ngành công an, quân đội có được đảm bảo hay không phụ thuộc rất lớn vào công tác kiểm tra, giám sát.

LTS: Theo thông lệ, tháng 3 cũng là thời điểm các trường công an, quân đội chuẩn bị sơ tuyển để tuyển sinh. Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, từ Quảng Ngãi, bằng kinh nghiệm của mình đã nói lên hiện tượng gian lận ở một vài thí sinh với mục đích góp ý.

Việc này, đáng tiếc lại xuất phát từ chính thầy cô giáo; từ cán bộ làm sơ tuyển khi khám sức khỏe.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Hiện nay, nhiều học sinh lớp 12 có nguyện vọng được học tập và cống hiến lâu dài trong ngành công an và quân sự, vì các ngành nghề này có tính ổn định, chế độ  đãi ngộ lương bổng cao, được phân công công tác ngay sau khi ra trường. 

Do đó, số lượng thí sinh tham gia sơ tuyển và đăng ký dự tuyển (ĐKDT) đối với các trường đào tạo công an, quân sự ngày càng nhiều. Đây cũng là tín hiệu vui đối với các trường công an, quân sự, vì qua đó sẽ chọn lựa được những thí sinh có chất lượng tốt để đào tạo, bổ sung nguồn lực cho lực lượng trọng yếu của đất nước. 

Lâu nay, hai loại trường này có quy chuẩn, yêu cầu riêng đối với thí sinh khi vào trường học. Trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh giống như những thí sinh của các trường, ngành nghề khác, thì học sinh, quân nhân phải trải qua đợt sơ tuyển và ĐKDT tại các đơn vị và địa phương. 

Có việc sửa học bạ, gian dối sơ tuyển vào ngành Công an và Quân sự ảnh 1Tuyển sinh quân sự: Thí sinh bằng điểm nhau xét thế nào?

(GDVN) - Trong tuyển sinh quân sự sẽ có rất nhiều thí sinh bằng điểm nhau nhưng vẫn không trúng tuyển, nguyên tắc xét tuyển này sẽ làm rõ thắc mắc trên.

Ngoài tiêu chuẩn về lý lịch, về sức khỏe, chiều cao, cân nặng... các ngành đặc thù này còn có tiêu chuẩn về hạnh kiểm và văn hóa, học lực các môn dự khối thi phải đạt từ 5,0 đến 6,0 trở lên dựa vào kết quả được ghi trong học bạ ở các năm lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12. Thời gian sơ tuyển và đăng ký dự tuyển ở địa phương, đơn vị  thường được thông báo tổ chức vào đầu tháng 3 hằng năm.

Điều đáng nói ở đây, có không ít phụ huynh đã lạm dụng  mối quan hệ, quen biết của mình với thầy cô giáo, ban giám hiệu nhà trường đến "chạy"" xin "sửa lại  học bạ, điểm , xếp loại hạnh kiểm cho cháu, để cho con em mình có đủ điều kiện, tiêu chuẩn  lọt qua vòng sơ tuyển, có cơ hội đi tiếp. 

Gặp những ban giám hiệu, thầy cô giáo dễ dãi, có " nặng tình nặng nghĩa" với các phụ huynh ấy thì việc làm lại mới, hoặc sửa chữa, điều chỉnh lại xếp loại đạo đức, kết quả điểm trung bình các môn cho học sinh cũng khá đơn giản và nhanh chóng. 

Theo qui định của Bộ giáo dục, về việc sửa điểm và xếp loại hạnh kiểm trong học bạ thì chỉ cần giáo viên bộ môn hoặc giáo viên chủ nhiệm, dùng bút mực đỏ gạch điểm cũ và xếp loại hạnh kiểm cũ đi, viết điểm, xếp loại mới vào, thêm chỗ chốt sửa ở góc bên dưới, thế là xong. 

Nếu muốn làm mới học bạ cho "đẹp" như ý muốn  thì chỉ cần nhận được sự đồng ý của Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn là chẳng khó. Trong thời gian qua, một số vụ việc sai trái, chạy, sửa  học bạ, hồ sơ đã bị phát giác và xử lý.

Hành vi tiêu cực không chỉ dừng lại đó, còn nảy sinh trong cả khâu sơ tuyển và lập hồ sơ ĐKDT, khi hồ sơ lý lịch, sức khỏe …của thí sinh không đảm bảo. Thông tin từ Cục nhà trường- Bộ quốc phòng cho biết, trong các năm 2012, 2013 vẫn còn những trường hợp đáng tiếc đó là sau khi trúng tuyển nhưng không được nhập học bởi khi trường kiểm tra lại sức khỏe thì sinh viên không đảm bảo yêu cầu.

Chất lượng sơ tuyển và ĐKDT đối với ngành công an, quân đội có được đảm bảo hay không phụ thuộc rất lớn vào công tác kiểm tra, giám sát, thái độ, trách nhiệm ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra. Đối với học bạ, kết quả học tập và hạnh kiểm của học sinh, Ban tuyển sinh nên sử dụng thêm sổ điểm lớn của trường để đối chiếu thì đảm bảo độ tin cậy, chính xác hơn, biết được đâu là học bạ không sửa, đâu là học bạ có dấu hiệu sửa, cố tình làm sai lệch.

Về phía Ban tuyển sinh các cấp cần phải kiên quyết ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra trong khâu sơ tuyển và lập hồ sơ ĐKDT, đồng thời có quy định làm rõ trách nhiệm với người đứng đầu Ban TSQS,CA huyện (quận, thị xã), đơn vị và cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh. 

Mặt khác, các trường tổ chức xét duyệt hồ sơ nghiêm túc, đúng quy định, thành phần tổ xét duyệt phải có cán bộ chuyên trách ngành bảo vệ, thanh tra…có nghiệp vụ để kịp thời phát hiện những hồ sơ có nghi vấn gian lận để tổ chức kiểm tra, xác minh ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.

ĐỖ TẤN NGỌC