Cơ sở pháp lý tự chủ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng rất rõ ràng

03/12/2019 10:56
Hồng Thủy
(GDVN) - Vì sao Thường trực Tổng liên đoàn lại ban hành các văn bản quy định trái với những gì ông Đặng Ngọc Tùng đã làm để có Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngày nay?

Tự chủ đại học là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được pháp điển hóa qua Luật số 08/2012/QH13 năm 2012 và tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện trong Luật số 34/2018/QH14.

Tuy nhiên, tự chủ đại học có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào quá trình triển khai, nếu các bộ, ban, ngành chủ quản thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước. Nếu không, tự chủ sẽ vẫn chỉ nằm trên giấy.

Những ồn ào giữa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Trường Đại học Tôn Đức Thắng thời gian vừa qua cho thấy đã đến lúc cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế dưới luật, xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, an toàn và đủ mạnh cho giáo dục đại học Việt Nam tự chủ, bứt phá, phát triển và hội nhập.

Qua quá trình tìm hiểu vụ việc này như một ca chính sách điển hình về tự chủ đại học, chúng tôi nhận thấy không phải đến khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019, quyền tự chủ đại học của Nhà trường mới bị cản trở.

Sửa quy chế tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường

Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Ngày 18/10/2016, Lãnh đạo Tổng Liên đoàn ban hành Quyết định số 1700/QĐ-TLĐ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của hội đồng trường Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Mục 1, Điều 1 của Quyết định 1700/QĐ-TLĐ quy định: “Tổng Liên đoàn cử đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn tham gia hội đồng trường và giới thiệu để Hội đồng trường bầu giữ chức Chủ tịch hội đồng trường”.

Theo quy định tại Mục 4, Điều 16, Luật Giáo dục đại học (Luật số 08/2012/QH13), tiêu chuẩn của Chủ tịch hội đồng trường như tiêu chuẩn của hiệu trưởng quy định tại Mục 2, Điều 20 của Luật này.

Mục 2, Điều 20, Luật số 08/2012/QH13 quy định tiêu chuẩn của hiệu trưởng: “a)....có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm; b) có trình độ tiến sĩ đối với hiệu trưởng trường đại học”.

Tuy nhiên, ngày 6/5/2018 ông Bùi Văn Cường mới bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường [1] [2].

Như vậy, thời điểm Tổng liên đoàn ra Quyết định số 1700/QĐ-TLĐ ngày 18/10/2016 ông Bùi Văn Cường chưa có bằng tiến sĩ, chưa đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch hội đồng trường đại học theo quy định tại Luật số 08/2012/QH13.

Phải chăng Lãnh đạo Tổng Liên đoàn chủ ý sửa quy chế để chỉ định hội đồng trường phải bầu Chủ tịch Tổng Liên đoàn làm Chủ tịch hội đồng trường; bất chấp quy định của Luật số 08/2012/QH13?.

“Phép vua thua lệ làng”

Tiếp theo Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 25/10/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2010, ngày 24/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017, Điều 1 quy định:

“Cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ chi kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện”;

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trong những trường đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ [3].

Nhờ chủ trương, chính sách và cơ chế tự chủ đại học mà Đảng, Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam dưới thời Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có những phát triển vượt bậc, ảnh minh họa, nguồn: tdtu.edu.vn.
Nhờ chủ trương, chính sách và cơ chế tự chủ đại học mà Đảng, Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam dưới thời Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có những phát triển vượt bậc, ảnh minh họa, nguồn: tdtu.edu.vn.

Ngày 10/10/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 89/NQ-CP, Mục 6. Về dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập, quy định:

“Chính phủ thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Theo đó, các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình, quy định rõ về kiểm định chất lượng và cơ chế học bổng nhằm bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho con em hộ nghèo, đối tượng chính sách; giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản;”

Tuy nhiên chỉ khoảng 2 tháng rưỡi sau đó, Tổng liên đoàn có Văn bản số 185/TB-TLĐ ngày 30/12/2016 thông báo kết luận của Thường trực Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn tại buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng, kết luận:

“Trường đại học Tôn Đức Thắng là trường Đại học công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Do đó, mọi hoạt động của trường không thể tách rời hoạt động của Tổng Liên đoàn và phải tuân theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.

“Quan điểm của Tổng Liên đoàn là tạo điều kiện tối đa để Trường phát triển nhưng đồng thời phải tăng cường quản lý, giám sát để bảo đảm các hoạt động của Nhà trường đúng định hướng của Tổng Liên đoàn và đúng theo quy định pháp luật”.

Tổng liên đoàn có chấp hành Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật số 34/2018/QH14?
Tổng liên đoàn có chấp hành Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật số 34/2018/QH14?

Bản thân việc đòi “phải tăng cường quản lý, giám sát để bảo đảm các hoạt động của Nhà trường đúng định hướng của Tổng Liên đoàn” còn đâu quyền tự chủ?

Trong trường hợp “định hướng của Tổng liên đoàn” trái với “quy định của pháp luật” như Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005; Luật số 08/2012/QH13, Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014, Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29/1/2015, Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 10/10/2016, Luật số 34/2018/QH14…, thì Nhà trường sẽ làm theo quy định của pháp luật hay quy định trái luật?

Cơ sở pháp lý tự chủ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng rất rõ ràng

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đổi tên Trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Tôn Đức Thắng và chuyển từ Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

Kèm theo quyết định chuyển đổi cơ quan chủ quản Trường, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2008 về việc xây dựng Qui chế hoạt động của Trường đại học Tôn Đức Thắng; trong đó truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như sau:

“Trường được tự quyết định mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo qui định của pháp luật như một trường ngoài công lập.

Học phí được sử dụng chi cho việc đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nhà trường; không chuyển các thu nhập của trường (học phí, các tài trợ khác, khoản thu từ hợp đồng nghiên cứu khoa học, dịch vụ, biếu tặng) cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc bất cứ tổ chức, cá nhân nào ngoài trường”.

Ngày 25/10/2010, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có Quyết định số 1445/QĐ-TLĐ ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật cán bộ, công chức trong tổ chức Công đoàn đã trao cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng quyền tự chủ toàn diện như những gì đã có từ khi thành lập trường.

Ngày 29/1/2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 158/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng;

Nếu không có tự chủ thì Đại học Tôn Đức Thắng không thể vượt trội như vậy
Nếu không có tự chủ thì Đại học Tôn Đức Thắng không thể vượt trội như vậy

Điều 1, Mục I. 2. a) qui định: “Thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, trên cơ sở thực trạng hoạt động của trường trong thời gian qua nhằm tăng cường sự chủ động, nâng cao hiệu quả trên tất cả các mặt đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, tài chính và nhân sự cho Trường”.

Chúng tôi cho rằng đây là một quyết định sáng suốt, kịp thời và cần thiết.

Quyết định 158/QĐ-TTg chính là hành lang pháp lý để Trường Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục cơ chế tự chủ đã có từ khi thành lập, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết của Chính phủ về tự chủ đại học đã nêu.

Bởi lẽ một đại học chuyển từ dân lập sang bán công; rồi từ bán công sang trường công; không nhận đầu tư từ nhà nước như quy định của Luật Giáo dục cũng như Luật Giáo dục đại học 08/2012/QH13; không nhận chi thường xuyên từ nhà nước mà phát triển thành công như vậy, thì cơ chế hoạt động, quản trị, đầu tư, mua sắm của Trường trong suốt thời gian qua đã được chứng minh là quá hiệu quả.

Sau khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm tự chủ toàn diện, ngày 15/6/2015, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ký Quyết định 816/QĐ-TLĐ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Điều 2, Mục 3 của Qui chế này quy định rõ: “Hội đồng trường thực hiện việc quản lý Trường với tư cách là cơ quan chủ quản của Trường theo sự ủy quyền của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.

Điều này có nghĩa là Tổng Liên đoàn đã ủy nhiệm, giao cho Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng làm cơ quan chủ quản để quyết định mọi việc của Trường. Một quy định quá sáng suốt, đúng Luật, đúng nội dung Quyết định 158/QĐ-TTg; đúng xu thế xã hội và sự đòi hỏi phát triển của đất nước, của nền giáo dục đại học.

Thành công của Trường Đại học Tôn Đức Thắng hôm nay ngoài sự nỗ lực hết mình của tập thể lãnh đạo, giảng viên, nhân viên Nhà trường còn có đóng góp to lớn của Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh và cá nhân nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn, ông Đặng Ngọc Tùng (ngoài cùng bên phải), ảnh minh họa, nguồn: tdtu.edu.vn.
Thành công của Trường Đại học Tôn Đức Thắng hôm nay ngoài sự nỗ lực hết mình của tập thể lãnh đạo, giảng viên, nhân viên Nhà trường còn có đóng góp to lớn của Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh và cá nhân nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn, ông Đặng Ngọc Tùng (ngoài cùng bên phải), ảnh minh họa, nguồn: tdtu.edu.vn.

Có thể nói, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trước 2016 đặc biệt quan tâm, ủng hộ và bảo vệ tự chủ đại học, giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát triển ổn định.

Chính thông báo số 185/TB-TLĐ ngày 30/12/2016 về kết luận của Thường trực Đoàn Chủ tịch kế nhiệm tại buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng khẳng định ngay từ đầu:

“Sự phát triển và trưởng thành của Nhà trường ngày hôm nay, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ, giáo viên Nhà trường các thời kỳ có sự đóng góp rất lớn của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là vai trò của LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh và cá nhân đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam".

Công bằng mà nói, đây là một đánh giá khách quan và công tâm.

Vậy vì sao Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn kế nhiệm lại ban hành các văn bản quy định trái với những gì ông Đặng Ngọc Tùng đã làm khi còn là Chủ tịch Tổng liên đoàn, Chủ tịch Hội đồng trường để có được Trường Đại học Tôn Đức Thắng như ngày nay?

Cụ thể, đến nay, Quyết định 816/QĐ-TLĐ ông Đặng Ngọc Tùng ký ngày 15/6/2015 vẫn còn nguyên hiệu lực thi hành. Nhưng chỉ 1 năm rưỡi sau, cuối tháng 12/2016, lãnh đạo kế nhiệm của Tổng liên đoàn đã ra Văn bản số 185/TB-TLĐ ngược với chính Quyết định 816/QĐ-TLĐ?

Vì sao lãnh đạo Tổng liên đoàn ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019 với nhiều nội dung không đúng tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng và Luật số 34/2018/QH14, để thay thế Quyết định 1445/QĐ-TLĐ mà ông Đặng Ngọc Tùng đã ký?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://sdh.vimaru.edu.vn/thong-bao/thong-bao-bao-ve-luan-tien-si-cap-truong-cho-ncs-bui-van-cuong-nganh-khoa-hoc-hang-hai

[2]http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.41&view=31001

[3]https://vanbanphapluat.co/thong-bao-352-tb-vpcp-ket-luan-pho-thu-tuong-de-an-phat-trien-truong-dai-hoc-ton-duc-thang-2016#van-ban-goc

Hồng Thủy