Cơ quan báo chí mạnh sẽ góp phần quan trọng để có đội ngũ quản lý và PV giỏi

21/06/2022 06:52
TS.Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo Hiệp hội xác nhận và tuyên dương những đóng góp rất quan trọng của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian qua.

LTS: Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là dịp tri ân các thế hệ nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành, và nhiều khi là cả máu và nước mắt để độc giả có được những bài báo hay phản ánh chân thực các sự kiện nóng hổi, các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh.

Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận được lời chúc mừng kèm những gửi gắm của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả gửi gắm của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng tới những người làm báo nói chung và cán bộ, biên tập viên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nói riêng.

11 năm thành lập Tạp chí (17/5/2011-17/5/2022) chưa phải là dài nhưng đó là thời gian hết sức quan trọng để cho một tờ báo, một tạp chí được thử thách, rèn luyện, đứng vững và trưởng thành. Tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, cộng tác viên đã làm nên thành công của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Lãnh đạo Hiệp hội xác nhận và tuyên dương những đóng góp rất quan trọng của Tạp chí trong thời gian qua. Thành tích rất đáng kể nhưng cần phải phấn đấu rất nhiều nữa vì yêu cầu của xã hội và cuộc sống ngày càng cao hơn.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (áo trắng), Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Trần Hồng Quân (ở giữa), nguyên Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Hiệp hội cũng là người sáng lập ra tờ Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) tại buổi lễ kỷ niệm 11 năm thành lập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (17/05/2011 - 17/05/2022.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (áo trắng), Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Trần Hồng Quân (ở giữa), nguyên Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Hiệp hội cũng là người sáng lập ra tờ Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) tại buổi lễ kỷ niệm 11 năm thành lập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (17/05/2011 - 17/05/2022.

Về công việc sắp tới, tôi xin nêu mấy ý kiến sau đây để các anh, chị cùng trao đổi. Con đường phía trước còn dài, ngày càng đòi hỏi những người làm báo phải thường xuyên tự đào tạo mình, để nâng cao hơn nữa tri thức và năng lực, liên tục cập nhật thông tin khoa học, nhất là tri thức và tư duy về giáo dục và văn hóa. Cán bộ và phóng viên tốt sẽ làm nên một tạp chí có uy tín và chất lượng cao. Và một tạp chí mạnh sẽ góp phần quan trọng để có một đội ngũ quản lý và phóng viên giỏi.

Xã hội cần tạp chí trước hết là ở thông tin. Thông tin có quy luật riêng của nó, tự lan tỏa, tạo ra uy tín và tự vô hiệu hóa chính mình. Nhưng đồng thời, thông tin không có mục đích tự thân. Nó nhất định phải có mục đích tích cực cho văn hóa và giáo dục. Trong đó có các chủ trương đúng đắn từ các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội ở các cấp; thông tin khoa học công nghệ, sáng kiến từ thực tế. Thông tin đương nhiên cần kịp thời và chính xác, chất lượng.

Tạp chí nên có cơ chế tự kiểm soát tính đúng đắn của thông tin do mình đưa ra, truyền đi, kể cả nguồn của người khác, để phát hiện sớm nhất những sai lệch. Khi đã nhỡ đăng thông tin không chính xác thì xin lỗi và đính chính sớm nhất. Mà đính chính một cách nghiêm túc chứ không phải nói lại đôi lời ở một góc khuất của trang báo như đã có nơi làm thế. Xin lỗi là cách ứng xử có văn hóa. Biết xin lỗi tức là có tự trọng và biết xấu hổ. Biết xin lỗi thật lòng là người biết tự vượt qua chính mình để trưởng thành hơn lên mỗi khi có khuyết điểm. Sự im lặng ngoan cố không chịu xin lỗi là thiếu trách nhiệm với người đọc và với chính mình.

Công việc của chúng ta là giáo dục và văn hóa. Giáo dục thuộc nhóm cốt lõi của hoạt động văn hóa. Truyền thông ở đây là truyền thông cho giáo dục và văn hóa, phải giàu tính nhân văn để góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp như thiên chức của lĩnh vực này. Những giá trị đó phần nhiều sẽ thông qua giáo dục và một phần nữa sẽ thông qua ngôn ngữ của truyền thông. Làm báo ở đây cũng làm giáo dục, phải có sư phạm.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng trao tặng Bằng khen cho 5 cá nhân của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vì đã có nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tích cực góp phần xây dựng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng trao tặng Bằng khen cho 5 cá nhân của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vì đã có nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tích cực góp phần xây dựng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh.

Tạp chí cần tham gia tích cực cho việc phát triển khoa học giáo dục. Đó là mục tiêu quan trọng và khách quan. Vừa là truyền thông vừa là khoa học và giáo dục. Khoa học thì phải làm rõ cơ sở khách quan để thuyết phục bằng lẽ đúng. Giáo dục thì phải làm rõ giá trị nhân văn, nắm vững khoa học tâm lý và quy luật của nhận thức để hành động ngày càng hiệu quả cao hơn. Công việc của Tạp chí rất cần thiết phải gắn với các chuyên gia về giáo dục và văn hóa. Có được nhiều người giỏi cộng tác thì sẽ càng thành công.

Một Tạp chí có uy tín cao phải luôn giữ tính chân chính của mình. Chân chính và tử tế. Tuyệt đối không tham gia vào các nhóm lợi ích tiêu cực, không xuyên tạc và bao che hay tống tiền. Cần chân phương và chân thực, khiêm tốn, không đao to búa lớn hoặc hùa theo kiểu “bầy đàn”, chỉ cần nêu rõ cơ sở khách quan và thể hiện rõ chính kiến. Tính khoa học yêu cầu phải khách quan rõ ràng, còn động cơ phương pháp và thái độ thì xây dựng, giúp đỡ, vừa phải, dễ tiếp thu. Nói vậy không có nghĩa là không cần tính chiến đấu. Nhưng tính chiến đấu ở đây là làm rõ đúng sai, chứ không phải thắng thua trận mạc.

Phản biện khoa học là công việc rất cần thiết. Đối với lĩnh vực khoa học xã hội, nếu không có phản biện khoa học tức là sẽ không có con đường để tiếp cận chân lý khách quan, và do đó sẽ không hoặc chậm phát triển tư duy, trí tuệ của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Cũng có nghĩa là phản giáo dục. Tất nhiên phản biện khoa học khác xa về bản chất so với sự nói ẩu và đả kích nhau, cần luôn có tính xây dựng, biết tôn trọng người khác, kể cả người đang bị phê bình.

Đối với các vấn đề khoa học nhiều khi còn có ý kiến khác nhau cũng là chuyện bình thường. Tiếp tục trao đổi, tranh luận để cùng tiếp cận chân lý khách quan. Trên một tạp chí hoàn toàn có thể nêu các ý kiến khác nhau để trao đổi, không vội áp đặt chủ quan của bên này hay bên kia. Tất nhiên mọi cuộc trao đổi đều có hồi kết. Chưa kết được toàn bộ thì kết trước một phần đã rõ, còn lại tiếp tục suy nghĩ nghiên cứu để sau đó thảo luận thêm ở cuộc khác.

Không chỉ là một tạp chí mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam của chúng ta có thể cùng nhau phấn đấu xây dựng để trở thành một đơn vị tham gia đào tạo và nghiên cứu giỏi, như “một trường đại học” trên mạng về khoa học giáo dục, nghiêm túc và thân thiện.

Những người làm việc ở Tạp chí, hoặc tham gia cộng tác, hoặc liên tục theo dõi tìm đọc thì sau một thời gian đều có thể nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực tư duy hơn nhiều so với trước đây, có thể tự đào tạo mình thành chuyên gia. Tại sao không thể làm được như vậy? Chắc chắn không dễ, nhưng cũng nhất định sẽ làm được nếu đủ tâm huyết và quyết chí học hỏi vươn lên. Tôi chúc cho Tạp chí trở thành như thế. Và Hiệp hội sẽ luôn đồng hành cùng Tạp chí.

TS.Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam