Có quá nhiều các loại hồ sơ sổ sách vô bổ

12/10/2017 08:38
Nguyễn Cao
(GDVN) - Chúng ta cứ mãi hô hào đổi mới giáo dục nhưng cách quản lí vẫn là cách cũ, vẫn nặng hồ sơ sổ sách vô bổ thì nói gì đến việc đổi mới?

LTS: Vấn đề giáo viên phải đối phó với quá nhiều hồ sơ, sổ sách trong các năm học đã được rất nhiều thầy cô giáo phản ánh.

Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao tiếp tục lên tiếng trước những bức xúc của giáo viên khi gánh nặng sổ sách, hồ sơ không những không được giảm bớt mà còn nặng tính kiểm tra hành chính.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện những loại hồ sơ sổ sách vô bổ của giáo viên đã được nói nhiều và Bộ Giáo dục cũng đã có hướng dẫn bằng Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.

Theo công văn này thì giáo viên chỉ phải làm 4 loại sổ sách là:

Giáo án (có thể kết hợp soạn nhiều môn trong một cuốn); Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp;

Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên Tiểu học); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Thế nhưng, thực tế ở các trường thì không phải vậy, Ban giám hiệu luôn yêu cầu giáo viên phải làm thêm rất nhiều loại sổ sách nữa.

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.

Cứ đầu năm học là các Ban giám hiệu lại triển khai các loại hồ sơ sổ sách xuống các tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn lại triển khai đến các giáo viên trong tổ để thực hiện.

Sau khi thực hiện xong, tổ trưởng gom lại và trình Ban giám hiệu kí. Kí xong thì hồ sơ tổ trưởng, tổ trưởng giữ, hồ sơ giáo viên thì giáo viên giữ.

Khi nào có thanh, kiểm tra thì lấy ra để làm minh chứng.

Nhìn những loại hồ sơ chất chồng mỗi năm học mà chán ngán. Thời đại công nghệ số rồi mà sao nhiều địa phương, nhiều trường vẫn cứ mãi hành giáo viên như vậy để làm gì?

Có rất nhiều loại sổ mà đáng ra chỉ cần một loại đã bao hàm hết, nhưng không hiểu sao nhiều lãnh đạo lại muốn chia nhỏ ra.

Ví dụ như Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định giáo viên đi dạy là phải có giáo án.

Điều này giáo viên không ai thắc mắc làm gì. Nhưng, nhà trường lại “đẻ” thêm Kế hoạch tích hợp, Kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học.

Trong khi đó, giáo án của giáo viên đã lồng ghép các chủ đề tích hợp hay sử dụng những đồ dùng dạy học vào các những địa chỉ cụ thể của bài dạy rồi.

Vậy, vô tình sinh ra 2 loại kế hoạch vô bổ. Giáo viên thì mất công làm, tổ trưởng chuyên môn và Ban giám hiệu lại mất công đọc và duyệt kế hoạch.

Mỗi ngày lên lớp, giáo viên luôn thực hiện theo Phân phối chương trình đã được qui định cụ thể và được minh chứng qua Sổ đầu bài của lớp học.

Có quá nhiều các loại hồ sơ sổ sách vô bổ ảnh 2

Sổ sách, hội thi và phong trào ngập đầu, giáo viên nâng chuyên môn lúc nào?

Thế nhưng, giáo viên vẫn phải làm lịch báo giảng, kế hoạch giảng dạy theo từng tuần, từng tháng.

Rõ ràng những kế hoạch “con” là thừa và không cần thiết.

Ngoài các loại sổ sách còn nhiều bất cập thì việc soạn giáo án hiện nay cũng còn quá nhiều những nhiêu khê mà nhiều Ban giám hiệu nhà trường áp đặt.

Một giáo viên đi dạy thì chỉ một vài năm là giáo án đã thuộc lòng rồi. Vậy nhưng, Ban giám hiệu năm nào cũng bắt soạn mới, có ngày soạn, ngày dạy, có các bước, số cột giống nhau (2 hoặc 3 cột), các hoạt động phải thống nhất.

Trong khi, chẳng có văn bản nào qui định như vậy, nhất là số cột giáo án, có người họ muốn soạn theo 3 cột, người 2 cột, thậm chí là 1 cột thì có sao đâu?

Điều cốt lõi là nội dung bài học đó được người thầy vận dụng tốt các phương pháp giảng dạy để truyền đạt đến cho học sinh một cách dễ hiểu nhất hay không mà thôi.

Giáo viên thì vậy, còn đối với các tổ trưởng chuyên môn thì còn thêm rất nhiều loại sổ và kế hoạch nữa.

Ngoài các loại sổ sách theo qui định thì đội ngũ tổ trưởng chuyên môn còn phải làm vô vàn các loại sổ, kế hoạch mà cũng chẳng biết làm… để làm gì.

Ví dụ như kế hoạch kiểm tra (trong khi các bài kiểm tra đã thể hiện rất rõ qua phân phối chương trình);

Kế hoạch kiểm tra điểm số (trong khi các trường đa số đã vào điểm phần mềm điện tử, chỉ cần Ban giám hiệu mở phần mềm là biết ai đã vào, ai chưa vào);

Kế hoạch theo dõi sử dụng đồ dùng dạy học (nhân viên thiết bị đã theo dõi và quản lí)…

Ngoài ra còn vô vàn các kế hoạch cho các cuộc thi, các kì thi và các hoạt động ngoại khóa. Mỗi năm, các tổ trưởng chuyên môn làm không biết bao nhiêu kế hoạch vô tích sự như thế.

Có quá nhiều các loại hồ sơ sổ sách vô bổ ảnh 3

Ban giám hiệu có hồ sơ cá nhân hay không, ai dám kiểm tra?

Có một điều rất lạ là hiện nay công tác kiểm tra chuyên môn của các cấp vẫn còn nặng thủ tục hành chính.

Đi xuống cơ sở, nhiều lãnh đạo sở, phòng và các thành viên hội đồng bộ môn luôn hạch sách và đòi hỏi các nhà trường nhiều loại hồ sơ, kế hoạch không theo qui định của ngành.

Họ không chỉ đòi xem kế hoạch của nhà trường mà còn xem cả kế hoạch của tổ trưởng chuyên môn và giáo viên.

Nhưng, chủ yếu chỉ xem kế hoạch còn cách tổ chức, thực hiện kế hoạch như thế nào thì vẫn là một khâu đang còn để ngỏ.

Đáng lẽ, các lãnh đạo khi về kiểm tra chuyên môn thì xem các trường tổ chức giảng dạy như thế nào, công tác bồi dưỡng cho giáo viên có tốt không, công tác phụ đạo cho học sinh yếu kém có khả quan không, hay là chỉ làm kế hoạch nhưng không tổ chức phụ đạo.

Sâu sát về chuyên môn để có những định hướng kịp thời nếu đơn vị còn hình thức, yếu kém hoặc biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt.

Đằng này cứ chăm chăm vào mấy loại hồ sơ sổ sách vô bổ. Chính điều này đã khiến cho các nhà trường phải tìm cách đối phó việc kiểm tra các loại hồ sơ số sách.

Chính vì cách quản lí nặng hành chính như vậy nên các kế hoạch của các trường hiện nay đều được “nhân bản” cho nhau. Trường này làm xong thì gửi email cho trường khác.

Họ chỉ sửa lại tên trường và một vài cái khác nhau còn nội dung thì cứ na ná như nhau hết. Cho dù mỗi trường đều có những đặc điểm, thuận lợi, khó khăn khác nhau.

Rõ ràng công tác chuyên môn của nhiều địa phương, nhiều trường còn quá nặng về hành chính, về sổ sách vô bổ mà chưa chú trọng vào phương pháp và chất lượng giảng dạy.

Nhưng, những loại sổ sách này đang chiếm một phần rất lớn thời gian của giáo viên đứng lớp.

Chúng ta cứ mãi hô hào đổi mới giáo dục nhưng cách quản lí vẫn là cách cũ, vẫn nặng hồ sơ sổ sách vô bổ thì nói gì đến việc đổi mới?

Nguyễn Cao