Có những trò học trực tuyến thầy hỏi không nói, gọi không thưa

08/01/2022 06:31
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều em không tương tác với thầy cô trong giờ học, giáo viên hỏi không nói, gọi không thưa, không làm bài kiểm tra… nhưng hằng ngày vẫn đăng nhập vào học.

Kể từ đầu năm học cho đến nay, nhiều địa phương ở phía Nam phải dạy và học trực tuyến nên cả thầy và trò ở các nhà trường đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ của năm học trong một điều kiện rất đặc biệt.

Các thầy cô giáo, học sinh đã cố gắng để làm quen, thực hiện việc dạy và học mới bằng các phần mềm trực tuyến và thời điểm này cũng đã và đang bước vào những tuần cuối học kỳ I. Có những khối lớp đã bắt đầu kiểm tra học kỳ, có những khối lớp đang bước vào giai đoạn ôn tập.

Điều đáng ghi nhận là sự chịu khó, cố gắng của nhiều em học sinh đã luôn phát huy được khả năng của mìn, luôn tương tác trong từng giờ học, hoàn thành các bài tập, các bài kiểm tra khi thầy cô giáo giao cho để đảm bảo các điểm số thường xuyên, định kỳ.

Một bộ phận học sinh không thực hiện các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Tiền phong)

Một bộ phận học sinh không thực hiện các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Tiền phong)

Song, cũng có một thực tế đáng buồn là còn một bộ phận không nhỏ học sinh ở các nhà trường đang thờ ơ với việc học hành. Nhiều em này không tương tác với thầy cô trong giờ học, giáo viên hỏi không nói, gọi không thưa, không làm bài kiểm tra… nhưng hằng ngày vẫn đăng nhập vào học bình thường.

Những cột điểm trống trơn của học trò

Trước khi kiểm tra cuối học kỳ, giáo viên phải hoàn thành các cột điểm thường xuyên, định kỳ (kiểm tra giữa kỳ) vào phần mềm, sổ điểm là điều bắt buộc để khi kiểm tra học kỳ xong thì thầy cô nhập điểm và sẽ ra kết quả trung bình môn cho học trò.

Nhưng… nhiều học trò không chịu làm bài kiểm tra. Thậm chí, đến thời điểm này nhiều học sinh chỉ có 1-2 cột điểm/ môn, có em còn chưa có cột điểm nào. Không chỉ thiếu điểm kiểm tra thường xuyên mà ngay cả điểm kiểm tra giữa kỳ các em cũng không có.

Nhiều học sinh được thầy cô nhắc nhở, động viên và gọi điện, nhắn tin nhưng các em vẫn không chịu thực hiện bài kiểm tra. Có những em hứa xong thì thôi, có em không bắt máy nghe thầy cô điện thoại, không trả lời khi thầy cô nhắn tin.

Thầy cô gửi link kiểm tra bổ sung và nhắc nhở đến tên cụ thể nhưng học sinh vẫn không chịu thực hiện.

Thế nhưng, có một điều tréo ngoe là trong giờ học thì các em vẫn đăng nhập vào học bình thường, trên màn hình thầy cô vẫn thấy luôn hiện hữu tên học trò. Nhưng, thầy cô gọi không lên tiếng, hỏi thì không trả lời, không phản hồi khi thầy cô gọi đến tên, hay nhắc nhở làm bài kiểm tra.

Theo quy định, những học sinh không làm bài kiểm tra sẽ cho điểm 0 nhưng trong điều kiện học tập trực tuyến, nhiều thầy cô giáo không đành lòng. Bởi, chỉ cần cho học sinh một điểm 0 là ảnh hưởng đến kết quả học tập của học trò ngay tức thì.

Trong khi, nhiều em có tới 3-4 cột điểm không có. Cho 3-4 điểm 0 thì học sinh chỉ còn nước… ở lại lớp mà thôi.

Chính vì thế, giáo viên lưỡng lự không nỡ cho điểm 0.

Khi đề cập vấn đề này lên ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, họ cũng nói giáo viên nên để trống các cột mà học sinh chưa làm bài. Khi nào học trực tiếp thì yêu cầu học sinh làm bài bổ sung, còn báo cáo thì những em như vậy cứ để ở mức… trung bình.

Nhiều địa phương vẫn chưa xác định được khi nào học sinh trở lại học trực tiếp và chắc gì đến lúc học trực tiếp thì những học sinh này sẽ hoàn thành các bài kiểm tra cho thầy cô. Nhưng, đến thời điểm hết học kỳ, bắt buộc giáo viên phải vào điểm học bạ cho học trò.

Những trường hợp học sinh không làm bài kiểm tra quả là rất nan giải

Giáo viên không đành lòng cho điểm 0 và nếu cho điểm 0 ở 1-2 cột điểm thì sau này phòng, sở về kiểm tra còn phải giải trình với cấp trên rất mệt mỏi. Cho điểm khống (cấy điểm) thì càng sai quy định bởi nó tiếp tay cho sự gian dối và tạo cho học trò coi thường việc học, coi thường thầy cô.

Những cột điểm tra vẫn còn để trống ở nhiều chỗ vì học sinh không làm bài, thầy cô giáo thì vẫn loay hoay chưa dám đưa ra quyết định cuối cùng - đó là một thực trạng chung của nhiều trường đang phải dạy và học trực tuyến hiện nay.

Vậy nhưng, khi trao đổi về sự việc kiểm tra trực tuyến với Báo VOV.VN mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho rằng: “Nếu kiểm tra định kỳ có những trường hợp học sinh có điểm cao bất thường so với điểm kiểm tra thường xuyên, các trường có thể kiểm tra đánh giá lại”.

Có lẽ, lãnh đạo Bộ ở xa quá, nhìn vào sự việc thì luôn thấy dễ dàng và có lẽ lãnh đạo ngành cũng nghĩ là tất cả học sinh ở các nhà trường, địa phương đang học hành siêng năng lắm nên mới nghĩ đến chuyện “có điểm cao bất thường so với điểm kiểm tra thường xuyên, các trường có thể kiểm tra đánh giá lại”.

Nhưng, đối với những thầy cô giáo đang đứng lớp thì họ chỉ mong muốn trong các giờ kiểm tra thường xuyên, định kỳ mà có học sinh vào làm bài là mừng lắm. Chuyện trung thực hay gian dối trong học tập, kiểm tra có lẽ là một phần tất yếu trong dạy và học trực tuyến hiện nay.

Bởi, gần một học kỳ trôi qua, nhiều học trò thầy cô còn chưa biết mặt dù chỉ là qua màn hình học trực tuyến vì có những em lấy lí do học máy bàn không có webcam. Chính vì thế, nhiều học trò đăng nhập vào học rồi đi đâu, làm gì thầy cô không thể nào biết được.

Bao giờ thầy và trò trở lại trường học để dạy và học trực tiếp vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác đối với nhiều trường học vào thời điểm này.

Nếu cứ kéo dài tình trạng dạy và học trực tuyến đối với học sinh phổ thông có lẽ sẽ có nhiều học trò sẽ đuối và mất dần kiến thức cơ bản bởi động lực, sự cố gắng trong học tập của những học sinh này gần như không có. Đây là một thực trạng đáng buồn trong việc dạy và học trực tuyến nhưng các thầy cô đứng lớp và nhà trường đang phải chứng kiến hằng ngày.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/kiem-tra-truc-tuyen-nen-ra-de-de-hoc-sinh-mo-sach-cung-khong-duoc-diem-cao-post913984.vov

HƯƠNG MAI