Có những tiết dự giờ đột xuất "dập cho chết" đồng nghiệp

29/11/2021 06:33
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự giờ đột xuất khi bị biến thành công cụ chèn ép đồng nghiệp, nhiều giáo viên đã phải chọn cách im lặng, phục tùng để đổi lấy sự bình yên.

Câu chuyện Cô giáo Bình Thuận trầm cảm nhập viện vì tin nhắn "dập cho chết" của đồng nghiệp mà người cha phải làm đơn cầu cứu Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa thấy kết quả xử lý vụ việc được công bố.

Trong ngành giáo dục mặc dù đây chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng không phải không có những góc khuất, nếu giáo viên nào đã lọt vào “tầm ngắm” của Ban giám hiệu, thậm chí chỉ là một tổ trưởng chuyên môn, cách mà người ta hay chọn để “dập cho chết” là việc dự giờ, đặc biệt là dự giờ đột xuất.

Sẽ có người cho rằng, dạy giỏi, có năng lực thì sợ gì dạy thao giảng dự giờ. Nhưng nếu là người trong nghề sẽ hiểu, dù tiết dạy mình thấy tâm đắc tới đâu, vẫn sẽ có không ít điều để người ghét mình soi vào.

Không thể tưởng tượng rằng đây là những ngôn từ thốt ra từ 2 giáo viên dạy Văn, tổ Văn - Giáo dục công dân, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, thị xã Lagi tỉnh Bình Thuận trao đổi trên nhóm Zalo sau thông báo của tổ trường về lịch thao giảng của cô N.T.P.Tr. Ảnh: GDVN.

Không thể tưởng tượng rằng đây là những ngôn từ thốt ra từ 2 giáo viên dạy Văn, tổ Văn - Giáo dục công dân, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, thị xã Lagi tỉnh Bình Thuận trao đổi trên nhóm Zalo sau thông báo của tổ trường về lịch thao giảng của cô N.T.P.Tr. Ảnh: GDVN.

Trong thực tế, không bao giờ có một tiết dạy hoàn hảo, tiết dạy mà không có gì để góp ý cả. Người muốn xây dựng sẽ nhìn vào những mặt ưu điểm để góp ý cho giáo viên phát huy, người muốn “dập cho chết” sẽ chỉ nhìn vào những tồn tại đôi khi tồn tại ấy chỉ mang suy nghĩ chủ quan của người dự.

Tiết dạy thao giảng cấp quận, huyện, cấp tỉnh thành phố được chuẩn bị cả tháng với sự góp sức của biết bao con người tài năng trong trường mà khi ra trình diễn trước giáo viên của nhiều trường ngồi dự, còn bị mổ xẻ tả tơi. Vì thế, những tiết dạy đột xuất (ưu ái hơn chút là báo trước 10 phút, 5 phút còn không thì cứ bất ngờ ập vào) thì có vô vàn điều để nói.

Đây chính là tình huống dự giờ đột xuất bị biến thành công cụ hiệu quả nhất để chèn ép giáo viên nào không chịu phục tùng, một khi xảy ra tình trạng phe nhóm trong một đơn vị, mà ví dụ điển hình là câu chuyện buồn của cô N.T.P.Tr ở Bình Thuận.

Áp lực khi một tuần tổ trưởng chuyên môn vào dự giờ trực tuyến đột xuất 2 đến 3 lần/tuần mà không báo trước

Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên), giáo viên một trường trung học cơ sở ở Đà Lạt cho biết, mình mới từ một trường ở vùng quê chuyển về dạy tại thành phố. Thời gian này, giáo viên đang gồng mình dạy trực tuyến nên việc soạn bài, chấm bài, liên hệ với phụ huynh học sinh bận tối tăm mặt mũi. Vậy mà, thầy giáo này liên tục bị tổ trưởng, tổ phó chuyên môn vào dự giờ đột xuất.

Khi về trường, thầy giáo H. đã được một số giáo viên trong tổ chuyên môn thương tình nên bật mí cho biết một điều:

“Trong tổ có phân chia 2 nhóm rõ rệt. Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn cùng một số giáo viên là một nhóm, nhóm còn lại là những giáo viên “cứng đầu” họ cũng sắp về hưu nên chẳng sợ gì.

Ai không vừa ý sẽ bị “thanh trừng”, em còn trẻ nên họ nói gì em cũng đừng cãi, im lặng phục tùng cho qua”.

Tuy thế, thầy H. nói mình cũng thẳng tính nên có một số lời phản biện trước những chỉ đạo vô lý trong tổ. Thế là, chỉ ít ngày sau là "nếm mùi" khi tổ trưởng yêu cầu gửi đường link trước và thích vào lúc nào dự giờ thì vào mà không cần báo trước.

Nhiều khi dạy hết tiết mới phát hiện ra có 2 người ngồi dự trong lớp từ lúc nào. Thế là, những tiết dạy của thầy và một số giáo viên trong tổ (không cùng phe nhóm) đều bị chê tơi tả.

Họ chẳng cần quan tâm học sinh tiếp thu bài thế nào, tiết học sôi nổi, hiệu quả ra sao mà tập trung xoáy vào hiệu ứng trình chiếu, không sử dụng nhiều các công cụ hỗ trợ giảng dạy của phần mềm, phương pháp dạy chưa phát huy hết năng lực phẩm chất của học sinh…

Đã không ít lần thầy H. có ý kiến đề xuất: “Vì tôi mới về trường nên chưa quen với cách dạy ở đây, nguyện vọng muốn được dự giờ thầy cô tổ trưởng và tổ phó học hỏi cách dạy để những tiết dạy sau được tốt hơn”.

Tuy thế, thầy H. nói lời đề nghị chưa bao giờ được chấp nhận. Hai thầy cô tổ trưởng, tổ phó đều tìm cách thoái thác và cho biết mình dạy như những tiết dạy mẫu, cứ nhìn những tiết dạy mẫu của giáo viên thành phố là biết được ngay tiết dạy của chúng tôi”.

Thầy H. nói về trường đã gần 2 năm nhưng chưa một lần được dự tiết dạy nào của 2 vị tổ trưởng, tổ phó chuyên môn của mình.

Những tiết dạy minh họa chuyên đề, tiết dạy thao giảng cấp thành phố 2 vị này cũng đều giao cho giáo viên đảm nhận còn mình chỉ ngồi dự và phán.

Thế nên, thấy họ góp ý thì chi ly mà không biết dạy dỗ thật sự thế nào.

Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn có phải dạy thao giảng?

Chẳng biết căn cứ vào quy định nào mà hiện nhiều trường học tổ trưởng, tổ phó chuyên môn đã không thực hiện việc thao giảng dự giờ hàng năm (trong khi giáo viên phải dạy đến gần hai chục tiết), ngay cả khi chính tổ trưởng chuyên môn lên chuyên đề thì người thực nghiệm chuyên đề vẫn giao cho giáo viên đảm nhận.

Trước hết, tổ trưởng chuyên môn ở cả 3 cấp học đều được miễn giảm 3 tiết/tuần, tổ phó chuyên môn không được miễn tiết dạy (chỉ được ăn 0.15% phụ cấp).

Thế nên, số tiết dạy 1 tuần của tổ phó chuyên môn bằng giáo viên, tổ trưởng tiểu học dạy 20 tiết/tuần, trung học cơ sở dạy 16 tiết/tuần, trung học phổ thông dạy 14 tiết/tuần.

Qua đó để thấy, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn nhiệm vụ chính vẫn là giảng dạy, chưa nói đến việc, họ là người trực tiếp chỉ đạo chuyên môn ở tổ và chịu trách nhiệm với nhà trường nên phải thực hiện nhiệm vụ của một giáo viên mới hợp lý.

Bên cạnh đó, tổ trưởng chuyên môn là người xây dựng chuyên đề lẽ ra chính tổ trưởng chuyên môn phải là người thực nghiệm chuyên đề mới truyền tải hết thông điệp tới giáo viên.

Lên chuyên đề và dạy thực nghiệm thao giảng chuyên đề mới nắm chắc phương pháp giảng dạy, mới giúp giáo viên tháo gỡ những vướng mắc mà họ gặp phải trong quá trình giảng dạy.

Từ trước đến nay, người viết chưa bao giờ thấy có một thông tư hay văn bản nào khẳng định tổ trưởng, tổ phó chuyên môn không phải dạy thao giảng. Bởi thế, việc một số trường học cho tổ trưởng chuyên môn nghỉ thao giảng là chưa đúng với quy định của ngành.

Điều này vô hình trung còn tạo cho một số tổ trưởng, tổ phó thêm quyền “sinh sát” trong tay khi muốn “dập cho chết” giáo viên nào bằng cách dự giờ đột xuất, thao giảng tiết dạy thì tùy, còn bản thân mình lại an nhiên vì chẳng ai được quyền vào dự giờ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên