Có những giáo viên "làm hộ" bài cho học trò!

18/05/2021 08:18
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc một số phụ huynh “nhờ” giáo viên này “vẽ hộ” cho con để đối phó với giáo viên kia cũng không bị phát giác bởi nó thường được thực hiện rất kín kẽ.

Chúng ta đều biết, khi đất nước bước vào hội nhập với các nước trên thế giới, không có nguồn lực nào khả quan hơn nguồn lực con người. Có con người giỏi, có nhân tài thật thì mới có thể hội nhập và sánh vai với các nước trên thế giới.

Muốn có nhân tài thật thì phải dạy thật, học thật, nhưng bên cạnh những thầy cô dạy thật, những học trò học thật thì chúng ta cũng bắt gặp một số hình ảnh người thầy chưa làm đúng chức trách, bổn phận của mình, có người bị đồng tiền chi phối và làm hoen ố hình ảnh.

Một số ít phụ huynh xem trọng thành tích, danh hiệu của con em mình mà đẩy con mình đến với gian dối khi còn ngồi trên trường tiểu học. Những hình ảnh không đẹp này tất nhiên là rất hiếm nhưng nó đã góp phần làm méo mó mục đích đào tạo của các nhà trường.

Có những phụ huynh và giáo viên "bắt tay nhau" làm điều nhau gian dối (Ảnh minh họa: vov.vn)

Có những phụ huynh và giáo viên "bắt tay nhau" làm điều nhau gian dối

(Ảnh minh họa: vov.vn)

Mấy hôm trước, một đồng nghiệp cũ dạy môn Mĩ thuật đã chuyển công tác từ nhiều năm trước về một trường tiểu học của thành phố ghé lại thăm trường.

Đồng nghiệp gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách nên mọi người xúm lại trò chuyện cùng nhau, hỏi han về công việc của người đồng nghiệp cũ giờ công tác ở môi trường mới có thuận lợi hơn không.

Người đồng nghiệp cũ hồ hởi kể về những thuận lợi khi về công tác gần nhà, lại dạy ở một trường chuẩn quốc gia ngay phường trung tâm của thành phố. Ngôi trường có tới hơn 60 lớp học và cô được phân công dạy Mĩ thuật ở khối 1 và khối 2 của trường.

Cô còn kể dạy ở đó, cô mở thêm lớp dạy năng khiếu tại nhà, có nhiều học sinh tham gia học nên ngoài lương thì mỗi tháng còn có thêm một khoản thu nhập từ việc dạy năng khiếu ở nhà.

Mọi người ai cũng khen cô đồng nghiệp của mình thuận lợi trong công tác mà có điều kiện để làm thêm chính đáng vì dạy năng khiếu ở tiểu học hiện nay không bị cấm như các môn văn hóa ở tiểu học.

Hào hứng, cô đồng nghiệp còn buột miệng tiết lộ thêm rằng ở trường cô đang công tác có nhiều phụ huynh có điều kiện họ không tiếc tiền bạc đầu tư cho con em mình. Vì thế, cô không chỉ dạy thêm cho học trò mà có một số phụ huynh còn “nhờ” cô vẽ các sản phẩm cho học trò lớp 4, lớp 5 sau mỗi chủ đề học tập trên lớp.

Mỗi sản phẩm “làm hộ” cho học trò mỗi khi giáo viên Mĩ thuật trong trường yêu cầu học sinh thực hiện sản phẩm học tập của mình thì phụ huynh thường cảm ơn từ 200 - 300 ngàn đồng và đây là khoản thu nhập khá ổn định trong những năm qua.

Theo hướng dẫn đánh giá, xếp loại, khen thưởng học trò tiểu học hiện nay đối với danh hiệu học sinh “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì điểm kiểm tra cuối kỳ những môn đánh giá bằng điểm số phải đạt 9 điểm trở lên.

Đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét thì phải được đánh giá là “Hoàn thành tốt” (T) thì mới đủ điều kiện khen thưởng.

Nhưng, đối với những môn năng khiếu như Mĩ thuật không phải em nào cũng có thể đạt được mức T mà nếu không đạt mức T, chỉ đạt mức H (hoàn thành) thì đương nhiên không đạt danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Trong khi, nhiều sản phẩm môn Mĩ thuật được giáo viên yêu cầu thực hiện ở nhà vì thời gian trên lớp (mỗi tiết 35 phút) khó hoàn thành. Vì thế, một số phụ huynh sính thành tích, thích danh hiệu sẵn sàng bỏ ra một ít tiền để “nhờ” giáo viên “vẽ hộ”.

Là trường chuẩn, có trên 60 lớp học nên trường có tới 3 giáo viên Mĩ thuật, việc một số phụ huynh “nhờ” giáo viên này “vẽ hộ” để đối phó với giáo viên kia cũng không bị phát giác bởi nó được thực hiện rất kín kẽ.

Cô có tiền, học trò có thành tích, phụ huynh cũng hãnh hiện vì danh hiệu của con mình được khen thưởng vào cuối học kỳ, cuối năm học nên mọi người đều vui vẻ bởi ai cũng đều…có lợi.

Kết thúc buổi gặp lại người đồng nghiệp cũ, được nghe những câu chuyện “làm ăn” khá thuận lợi của người đồng nghiệp cũ khiên nhiều giáo viên chúng tôi hôm đó đều lắc đầu ái ngại. Dù không ai nói thẳng ra nhưng có lẽ trong đầu mỗi người ngồi nghe câu chuyện hôm đó của đồng nghiệp cũ đều không đồng tình.

Bởi, với cách kiếm tiền như vậy thì người đồng nghiệp cũ của chúng tôi không chỉ góp phần làm thêm sự gian dối về thành tích mà chính những việc làm này đang làm xấu đi hình ảnh của một nhà giáo.

Và, tất nhiên việc “học thật” sẽ khó được thực hiện khi có những giáo viên và phụ huynh như câu chuyện mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên.

Chúng tôi chỉ mong trong ngành giáo dục chỉ duy nhất có trường hợp cá biệt bởi nếu có thêm những trường hợp như vậy nữa sẽ làm xấu đi hình ảnh người thầy- ảnh hưởng đến những người đang hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

LÊ VĂN MINH