Có những giáo viên hết tiền vì liên tục tập huấn xa

03/01/2021 07:03
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thế là, kiến thức tiếp thu từ vài ngày tập huấn được bao nhiêu không biết chứ được dịp xúng xính áo quần, giày dép, chụp hình đăng facebook đến mệt nghỉ.

Cô giáo H. giáo viên cốt cán một trường tiểu học (xin được giấu tên) vừa đi tập huấn modun ở tỉnh xa về (cách nơi ở vài trăm ki lô mét) được một tuần lại tiếp tục nhận thông báo tiếp tục đi tập huấn vào tuần kế tiếp.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Thế là, cô phải tranh thủ dạy cho đồng nghiệp để mấy hôm đi tập huấn đồng nghiệp sẽ dạy lại cho cô. Cô H. cho biết, mỗi lần đi tập huấn xa thì đủ chuyện mệt bủa vây.

Mệt vì đi đường xa bị say xe, mệt vì đi về rồi phải dạy trả tiết cho đồng nghiệp đã dạy giúp mình, mệt vì phải vay mượn bạn bè tiền dằn túi để có tiền chi phí riêng. Đi xa nên trong túi lúc nào cũng phải có vài triệu đồng. Thế mà khi nào về đến nhà tiền cũng hết veo.

Dù tiền xe, tiền ở khách sạn mai mốt sẽ được hỗ trợ lại nhưng nhiều khoản tiền túi phải tự bỏ ra. Ví như nơi ở cũng là nơi tập huấn được bố trí ở khách sạn sang nhất, to nhất của tỉnh nhưng suốt cả dãy phố, hai bên đường không có lấy một hàng ăn.

Thế là, muốn ăn uống các thầy cô phải đón tắc xi đi và về. Mỗi ngày 2 đến 3 lần đi ăn như thế tiền xe cũng đã nhiều.

Mang tiếng đi tập huấn xa về nên cô thầy nào cũng muốn mua quà đặc sản nơi ấy về chiêu đãi đồng nghiệp. Cô H. nói rằng, cũng không ai đòi hỏi nhưng thầy cô đã dạy cho mình thì mua chút quà về cũng là chuyện nên làm.

Được dịp cho biết đó biết đây

Thầy giáo M. có tên đi tập huấn tại miền Tây cũng cho biết, ngoài sự tài trợ tiền xe, tiền ăn, ở thầy cũng phải tốn cho lần đi tập huấn 3 ngày hơn 4 triệu đồng.

Chi phí ngoài tốn gấp nhiều lần tiền được thanh toán theo chế độ. Nói rồi thầy M. cười bảo rằng thường xuyên đi tập huấn xa thế này thì con cái chết đói.

Có thầy cô chưa bao giờ đến vùng đất ấy nên khi có tên đi tập huấn xa cũng rất mừng. Thầy M. khoe được ở khách sạn to đẹp nhất vùng mà miễn phí là thấy sướng quá rồi nên mất thêm chút tiền phí bên ngoài cũng không sao.

Chắc cũng hiểu tâm lý của bao người một công đôi việc vừa đi học lại vẫn được đi chơi nên thầy cô giảng viên hoặc các chuyên gia giáo dục cũng linh động rút ngắn thời gian học theo dự kiến để giáo viên thăm thú vài nơi.

Thế là, kiến thức tiếp thu từ vài ngày tập huấn được bao nhiêu không biết chứ được dịp xúng xính áo quần, giày dép, chụp hình đăng facebook đến mệt nghỉ.

Mỗi lần tập huấn vừa đi vừa về tới dăm ngày nên người đi tập huấn thì bỏ bê lớp, bỏ bê học sinh ở nhà.

Người ở nhà phải vất vả chạy xô lớp này, lớp kia vì sợ học trò mất bài. Để học trò vẫn được học, nhà trường phải tìm người dạy thay, dạy thế.

Thế là, người đi tập huấn cũng khổ mà người ở lại dạy cũng chẳng sung sướng gì.

Sao không tập huấn theo huyện thị hoặc tỉnh thành?

Tại sao lại tổ chức tập huấn ngay trong năm học trong khi các thầy cô giáo có cả tháng 8 để học tập? Vào tháng 8, giáo viên chưa bận rộn với việc dạy học, lo hồ sơ và đồ dùng dạy học thì mới thật sự chuyên tâm vào việc tiếp thu kiến thức tập huấn một cách nghiêm túc nhất.

Việc tổ chức tập huấn liên tỉnh như hiện nay thật sự rất tốn kém không chỉ cho ngân sách nhà nước mà cho mỗi gia đình giáo viên có tên đi tập huấn. Có thầy cô giáo cho biết, đi đường quá xa, người bị say xe đến nơi đã bơ phờ nên việc tiếp thu kiến thức cũng chẳng thể hiệu quả.

Trước những bất cập trên, nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao không tập huấn tại chỗ sẽ thuận lợi hơn nhiều cho giáo viên?

Các trường đại học được liên kết chỉ cần cử vài ba giảng viên hay các chuyên gia về tận nơi tập huấn sẽ thuận tiện hơn nhiều việc bắt hàng trăm người phải di chuyển một quãng đường xa vừa mất cả thời gian và tiền bạc?

Đó là chưa nói đến thời điểm này dịch Covid-19 vẫn còn đang đe dọa thì việc hàng trăm người ở nhiều tỉnh thành về tập trung bên nhau để học tập, sinh hoạt. Nếu có xảy ra rủi ro về việc tiếp xúc với người nhiễm dịch thì hậu quả thật đáng ngại lắm thay.

Đỗ Quyên