Có nên chọn trường học cho con đang ở bậc tiểu học?

14/06/2015 06:00
PHAN TUYẾT
(GDVN) - Sự dạy dỗ ân cần của thầy cô giáo cùng với sự chăm chỉ siêng năng của trò thì các em học trường nào cũng tiến bộ.

LTS: Cô giáo Phan Tuyết với hơn 20 năm kinh nghiệm dạy tiểu học đã nói thẳng luôn rằng, không cần chọn trường ở bậc học này. Quan điểm này của cô, xuất phát từ chính viêc dạy và học ở các trường nơi cô sinh sống, làm việc tại Bình Thuận.

Tòa soạn giới thiệu bài viết này tới quý độc giả và mong muốn nhận được thêm ý kiến đóng góp của quý vị với vấn đề đang rất nóng bỏng này.

Ngay từ khi con bắt đầu vào lớp 1, nhiều phụ huynh đã tìm mọi cách để xin cho con vào học ở ngôi “trường điểm”. Có người không biết thực hư thế nào chỉ nghe người này nói trường này “ngon” trường kia “dở”. Vì thế họ cũng tỏ ra hoang mang và dao động.

Nhà chị Hoa ở Tân An, thị xã La Gi, Bình Thuận nhưng suốt hai năm học, ngày nào chị cũng chở con xuống tận trường tiểu học ở Phước Hội 2 để cho bé học. Đoạn đường từ nhà chị tới trường xa gần 5 km, hàng ngày vừa chở con đi, đón con về hai buổi, phải có hẳn một người chuyên phục vụ.

Khi được hỏi: “Không vào được trường Tân An 2, sao chị không cho bé học trường Tân An khác cho gần nhà?”. Chị trả lời: “Không vào được trường điểm trên Tân An, thà chịu khó chở con đi xa một chút tới ngôi trường mình ưng ý sẽ yên tâm hơn”.

Có lẽ nhiều phụ huynh cũng có suy nghĩ giống chị Hoa. Vì vậy, từ mấy tháng trước, các gia đình có con vào lớp 1 năm học 2015-2016 này đã bắt đầu rục rịch tìm các mối quan hệ để lo cho con được vào học ở ngôi trường họ cho là “trường ngon”. Vậy có nên chọn trường học cho con khi các bé còn đang ở bậc tiểu học?

Có nên chọn trường học cho con đang ở bậc tiểu học? ảnh 1

Đa số độc giả không ủng hộ sự tồn tại trường chuyên, lớp chọn

(GDVN) - Theo khảo sát của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, phần lớn độc giả ủng hộ việc bỏ loại hình trường chuyên, lớp chọn trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục.

Nếu như trước đây, những trường học ở trung tâm các đô thị thường được “ưu tiên” đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…thì nay, cơ hội đã được chia đều cho các trường.

Trường tiểu học Tân Hải 1, tiểu học Tân Phước 1 nơi tôi đang sinh sống sẽ là minh chứng cho những điều vừa nói.

Khuôn viên trường rộng rãi, thoáng mát, có đầy đủ các phòng học chức năng như phòng Tin học, Anh văn, Âm nhạc…thư viện có đầy đủ sách báo và sách tham khảo cho giáo viên, học sinh.

Đội ngũ thầy cô giáo có tay nghề chuyên môn vững, một số thầy cô giáo đạt các danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thị, cấp tỉnh nhiều năm liền…

Cơ sở vật chất của các trường đầy đủ, giáo viên có trình độ chuyên môn cao, vững tay nghề và luôn nhiệt tình trong công tác giảng dạy.

Các em học sinh tiểu học đang ở độ tuổi rất nhỏ, cần hơn hết là sự tận tình, sự chăm sóc ân cần chu đáo, sự yêu thương hết lòng của giáo viên…Có được điều này, chắc chắn học sinh dù học ở ngôi trường nào cũng sẽ ngày một tiến bộ.

Nếu uy danh của trường lớn nhưng con cái chúng ta gặp phải thầy cô chưa nhiệt tình, tay nghề chuyên môn còn hạn chế, ít có sự đầu tư trong giảng dạy (hầu như trường nào cũng có-NV) thì các em vẫn phải thua thiệt.

Một Phó hiệu trưởng trường tiểu học Phước Hội, La Gi, Bình Thuận (đề nghị giấu tên) đã nói: “Trường nào cũng có giáo viên giỏi và nhiệt tình. Học sinh sẽ học được nhiều hơn ở những thầy cô ấy chứ không phải cái danh của trường mà đôi khi là do truyền miệng thành quen”.

Chị Phương phường Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận từng có con học ở một trường điểm chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi cũng nghe người ta nói: Muốn con học giỏi phải xin vào trường điểm và tôi đã nhờ người quen xin cho con vào học bằng được ngôi trường ấy.

Trường xa, nên vô cùng bất tiện. Năm học vừa rồi, tôi đã xin cho cháu về lại trường gần nhà, cháu học rất tốt, liên tục được thầy cô khen nên tôi cũng rất mừng.

Tôi nghiệm ra một điều, sự dạy dỗ ân cần của thầy cô giáo cùng với sự chăm chỉ siêng năng của trò thì các em học trường nào cũng tiến bộ”.

Nếu tất cả phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đều có suy nghĩ như thế, thì tình trạng “chạy trường” sẽ không còn đất sống.

PHAN TUYẾT