Có nên bỏ chế độ “biên chế trọn đời”? ​

03/11/2019 08:16
Đỗ Thành Dương
(GDVN) - Việc bỏ hay giữ “biên chế trọn đời” theo kiểu đại trà tuy có ưu điểm song cũng còn tồn tại những nhược điểm cần lưu ý xem xét, khắc phục.

Tại kỳ họp cuối năm 2019 đang diễn ra, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó có đề xuất phương án xóa bỏ chế độ “biên chế trọn đời”.

Trong thời gian qua, cả trên nghị trường Quốc hội lẫn trong dư luận xã hội rộng rãi diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi chưa ngã ngũ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, cụ thể là việc nên xóa bỏ hay tiếp tục duy trì chế độ “biên chế trọn đời”.

Cụ thể, tinh thần của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo có đề xuất phương án quan trọng:

Từ ngày 01/7/2020, tất cả các trường hợp viên chức trong đó có giáo viên chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn.

Như vậy, nếu như đề xuất nêu trên được thông qua, chế độ “biên chế suốt đời” sẽ dần được xóa bỏ và nhiều viên chức hiện nay chưa ký hợp đồng không xác định thời hạn đều phải ký mới lại hợp đồng xác định thời hạn (có thời hạn từ 12 – 36 tháng).

Có nên bỏ chế độ “biên chế trọn đời” theo kiểu đại trà? (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Có nên bỏ chế độ “biên chế trọn đời” theo kiểu đại trà? (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Như đã nêu trên, một trong những điểm mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là sẽ thực hiện bỏ biên chế trọn đời/ viên chức suốt đời.

Điểm mới này được kỳ vọng sẽ xóa bỏ cảnh công chức, viên chức chây ì, trì trệ, ngại đổi mới; sẽ thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới nếu Luật được thông qua và có hiệu lực.

Cũng theo báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định như trên nhằm tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức, “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” và thực hiện yêu cầu của nghị quyết Trung ương.

Từ thực tiễn chế độ “biên chế trọn đời” hiện hành đang tồn tại một tình trạng là: mặc dù mức lương trong biên chế của người lao động thường rất thấp nhưng an toàn, dẫn đến một bộ phận viên chức vẫn an phận thủ thường, lười biếng trong việc công, chỉ năng nổ trong việc riêng với tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Bộ phận viên chức này luôn tìm mọi cách đi làm ngoài để tăng thêm thu nhập, đồng thời không ai chịu trách nhiệm cá nhân về những sai phạm trong công việc, mà luôn dựa dẫm vào tập thể cùng sẻ chia trách nhiệm.

Cho nên chế độ “biên chế trọn đời” được xóa bỏ sẽ kích thích viên chức không ngừng đổi mới, sáng tạo, khắc phục tâm lý trì trệ, ỷ lại trong công việc.

Đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng thể hiện năng lực, phấn đấu được ký hợp đồng xác định thời hạn liên tục, cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, hiệu quả, năng suất lao động.

Bỏ chế độ biên chế suốt đời sẽ loại được tệ “5c” và nạn chạy việc

Tuy nhiên, việc bỏ hay giữ “biên chế trọn đời” theo kiểu đại trà tuy có ưu điểm song cũng còn tồn tại những nhược điểm cần lưu ý xem xét, khắc phục.

Bên cạnh phương án các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật này có hiệu lực sẽ thôi ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, dự thảo luật cũng cần xem xét bổ sung quy định:

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở những địa bàn đặc biệt như hải đảo, biên giới, bãi ngang, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức nên quy định được đặc cách ký kết hợp đồng không xác định thời hạn, nghĩa là giữ nguyên chế độ “biên chế trọn đời” như hiện tại.

Bởi vì những khu vực khó khăn đó rất khó tuyển người nên phải có cơ chế ưu đãi để thu hút lao động, quy định chế độ ổn định, lâu dài để viên chức yên tâm công tác.

Ngoài ra, Luật cần có điều khoản quy định thêm, bên cạnh đối tượng người lao động hành chính trong các lĩnh vực giáo dục, y tế vẫn áp dụng chính sách chung, riêng đối với những trường hợp là lao động chuyên môn trực tiếp như giáo viên đứng lớp hay các nhân viên y tế đáp ứng yêu cầu đội ngũ có năng lực, tay nghề vững, chuyên môn cao, thì về lâu về dài cũng nên quy định cho họ ký hợp đồng không xác định thời hạn để được ổn định, tránh xáo trộn trong lĩnh vực an sinh.

Xóa bỏ chế độ “biên chế trọn đời”, nghĩa là hợp đồng lao động xác định thời hạn sẽ thay thế cho hợp đồng lao động không xác định thời hạn, như mô hình ở một số nước tiên tiến hiện đang áp dụng.

Bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên trong bối cảnh hiện nay là cần thiết

Đây sẽ là một thay đổi rất quan trọng, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ viên chức, nhằm buộc họ phải luôn nỗ lực, cố gắng trong công việc của mình, tránh tình trạng trì trệ, chây ì, ỷ lại, cho nên cần phải hết sức cân nhắc trước khi đi đến kết luận cuối cùng.

Trong lộ trình thực hiện, có lẽ cũng nên thí điểm trước ở một số ngành nghề; từ kết quả thu được sẽ khảo sát, xem xét thực tiễn rồi mới quyết định dứt khoát là nên giữ hay xóa bỏ chế độ “biên chế trọn đời”, xóa triệt để hay quy định đặc cách cho những trường hợp viên chức cụ thể như giáo viên miền núi, vùng cao, hải đảo...

Ý kiến của Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ rất đáng lưu ý: Bất kể một chính sách nào khi đưa vào thực tiễn cần phải tìm hiểu, đánh giá xem nó có phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam hay không.

Chế độ tiền lương ở Việt Nam chưa phù hợp để bỏ chế độ viên chức trọn đời, nên cần thực hiện khéo léo theo lộ trình tuần tự thích hợp.

Cuối cùng, hy vọng rằng cơ quan hoạch định chính sách sẽ có những tính toán phù hợp về việc duy trì hay xóa bỏ chế độ viên chức trọn đời để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên cả nước, từ giáo dục miền xuôi đến miền ngược, tránh tình trạng áp dụng chính sách một cách máy móc, đại trà, cào bằng cho mọi đối tượng, bất chấp thực tiễn chưa đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước.

Đỗ Thành Dương