Có một ngôi trường đặc biệt ở Hòa Bình được xây bằng “lòng biết ơn”

24/09/2021 20:43
Theo Baoxaydung.com.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngôi trường bên đồi đẹp như mơ với lối kiến trúc mở, tạo sự ngạc nhiên bền vững, giúp trẻ học tập, khám phá, sáng tạo và trải nghiệm liên tiếp bất ngờ, thú vị…

Đó là ngôi trường hạnh phúc mang tên Hệ thống giáo dục Dạ Hợp.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trò chuyện thú vị với ông Nguyễn Mạnh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Dạ Hợp, trực thuộc Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp.

Phóng viên: Từ một nhà kinh doanh thương mại, bất động sản, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, nhân duyên nào đã giúp ông đến với lĩnh vực đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục?

Ông Nguyễn Mạnh Dũng: Nếu trả lời ngắn gọn thì đó là sự biết ơn. Công ty Dạ Hợp có được ngày hôm nay, bên cạnh những nỗ lực tự thân thì cũng có phần không nhỏ đến từ mảnh đất và con người Hoà Bình đã nuôi dưỡng và giúp chúng tôi phát triển. Làm giáo dục chính là một cách để Dạ Hợp đáp lại cái ơn đó.

Thực ra, ý định thực đầu tư cho giáo dục đã được bà Vũ Thị Hợp - Chủ tịch Công ty mẹ của Hệ thống trường, ấp ủ từ rất lâu rồi.

Dạ Hợp là một doanh nghiệp đầu tư nên trước khi bắt tay vào bất cứ một dự án hay lĩnh vực nào, chúng tôi phải dành thời gian nghiên cứu nghiêm túc và kỹ lưỡng.

Bà Vũ Thị Hợp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp - Người khai sinh mô hình Giáo dục Dạ Hợp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ Giáo sư - Tiến sĩ Kazuo Ueda – Chủ tịch Hiệp hội sáng kiến tài chính tư nhân Nhật Bản về mô hình Hệ thống Giáo dục Nhật bản hiện nay (Ảnh chụp tại thành phố Hòa Bình tháng 2 năm 2020).

Bà Vũ Thị Hợp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp - Người khai sinh mô hình Giáo dục Dạ Hợp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ Giáo sư - Tiến sĩ Kazuo Ueda – Chủ tịch Hiệp hội sáng kiến tài chính tư nhân Nhật Bản về mô hình Hệ thống Giáo dục Nhật bản hiện nay (Ảnh chụp tại thành phố Hòa Bình tháng 2 năm 2020).

Tôi đã từng đến nhiều nước để tìm hiểu cách thức họ làm giáo dục. Điều tôi rút ra được là, ngay cả ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, trường học không phải là một lĩnh vực đầu tư để tạo ra lợi nhuận.

Với rất nhiều trường top đầu của nước Mỹ, học phí chỉ đảm bảo được khoảng 65% chi phí vận hành. Điều giúp cho các trường học tiếp tục phát triển là nhờ vào nguồn quỹ do các cựu học sinh.

Rất nhiều người trong số những học sinh đã tốt nghiệp trở thành người thành công trong xã hội và họ quay lại giúp đỡ bằng việc đóng góp vào quỹ của cựu học sinh.

Khi nhìn vào nền giáo dục Việt Nam, tôi thấy cách mà rất nhiều tổ chức thực hiện lúc này chỉ giải quyết vấn đề cung cầu của thị trường chứ chưa xử lý được vấn đề phát triển của giáo dục. Trong khi đó, tôi thì lại không muốn dùng giáo dục để kinh doanh như vậy.

Thế nên, để làm giáo dục một cách thực chất: Tạo dựng nền móng vững chắc cho tương lai, đòi hỏi sự đầu tư không nhỏ trong thời gian dài, có thể mất nhiều năm.

Chính vì vậy, cũng phải mất hơn 10 năm, kể từ khi doanh nghiệp hình thành, Dạ Hợp mới có thể chính thức bước chân vào giáo dục, như một cách để trả ơn xã hội và cộng đồng với mục tiêu tạo ra những nhân tài tương lai với một mức chi phí phù hợp với thị trường của một tỉnh còn nhiều khó khăn như Hoà Bình.

Nếu xét về bài toán đầu tư thì không hề khôn ngoan. Nhưng nếu xét ở khía cạnh “uống nước nhớ nguồn” thì hết sức đúng đắn. Giá trị biết ơn cũng là một trong những phẩm chất được chú trọng nhất tại Hệ thống giáo dục Dạ Hợp.

Phóng viên: Hệ thống giáo dục Dạ Hợp có gì khác so với hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay?

Ông Nguyễn Mạnh Dũng: Chúng tôi không cố gắng để làm cho mình khác biệt, chúng tôi chỉ cố gắng để đáp ứng những đòi hỏi về nguồn nhân lực của thế kỷ XXI.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kỳ công xây dựng nên hình ảnh người học sinh của thế kỷ XXI với 5 phẩm chất và 10 năng lực.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc Unesco cũng đưa ra chiến lược 21 điểm về giáo dục. Đó là nền tảng quan trọng để chúng tôi lựa chọn trong việc tiếp cận với giáo dục.

Bên cạnh đó, đặc thù của Hoà Bình là một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc sinh sống, năng lực nhận thức cũng như truyền tải kiến thức của học sinh và giáo viên cùng với những điều kiện khác về cơ sở vật chất cũng là những điều chúng tôi cần phải tính đến để xây dựng một ngôi trường phù hợp, trở thành niềm tự hào của người dân Hoà Bình.

Được xây dựng trên diện tích 10.000m2, gồm 3 tòa nhà thiết kế theo lối kiến trúc mở, Hệ thống giáo dục Dạ Hợp trở thành ngôi trường hiện đại nhất Hòa Bình.

Được xây dựng trên diện tích 10.000m2, gồm 3 tòa nhà thiết kế theo lối kiến trúc mở, Hệ thống giáo dục Dạ Hợp trở thành ngôi trường hiện đại nhất Hòa Bình.

So sánh với người khác không phải là cách để chúng tôi tiếp cận vấn đề phát triển. Chúng tôi muốn so sánh với chính mình. Vì thế, trong bài hát truyền thống của DHE (viết tắt của Hệ thống giáo dục Dạ Hợp), có một câu mà tôi rất tâm đắc là “để ngày hôm nay mình sẽ lớn hơn hôm qua”. Tiến bộ - đó là kim chỉ nam cho hoạt động giáo dục của DHE. Điều nay tôi nghĩ rằng cũng không có gì là mới trong giáo dục.

Nếu bạn vẫn muốn tìm kiếm điều gì đó khác ở DHE so với các trường khác ở địa phương thì đó có thể là 3 điểm sau:

Không gian mở. Ngôi trường được thiết kế theo hướng mở với phần trung tâm là giếng trời khổng lồ, như một lá phổi xanh. Hình thái kiến trúc hoà hợp với địa hình đồi núi xung quanh.

Những lát cắt về văn hoá như chiếc khăn sặc sỡ của cô gái Mường được đưa một cách khéo léo vào phần mái trường.

Một số vị lãnh đạo các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản khi ghé thăm ngôi trường đã thốt lên một câu rằng: Không gian mở tạo nên tư duy mở. Và tư duy mở chính là tư duy của những nhà lãnh đạo.

Chương trình nhà trường do Hệ thống tự phát triển dựa trên chân dung học sinh DHE. Chắc bạn cũng biết, đến nay, vấn đề chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa vẫn đang là chủ đề nhạy cảm của ngành Giáo dục.

Tuy nhiên, chúng tôi thì lại nhìn ra sự tiến bộ trong cách Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với bộ chương trình được xây dựng cực kỳ công phu này, chúng ta biết được những yêu cầu cần đạt đối với từng cấp học, lớp học và môn học.

Trên cơ sở đó, chúng tôi tự phát triển chương trình nhà trường một cách phù hợp với chân dung học sinh DHE.

Tất nhiên, để có được chân dung học sinh, chương trình nhà trường và khiến cho những nội dung đó thống nhất, bổ trợ lẫn nhau là một quá trình đầy thách thức và đòi hỏi rất nhiều tâm huyết.

Điều tích cực là khi chúng tôi chấp nhận thử thách, những giải pháp đã xuất hiện. Dù chưa thực sự đến được cái đích này nhưng chúng tôi biết mình đang đi đúng hướng.

Steam – phương pháp giáo dục hiện đại của thế kỷ XXI được đưa vào chương trình học.

Steam – phương pháp giáo dục hiện đại của thế kỷ XXI được đưa vào chương trình học.

Đội ngũ giáo viên nhiệt huyết là sự kết hợp hài hoà giữa kinh nghiệm và sức trẻ. Các cụ đã đúc kết “Khôn đâu tới trẻ, khoẻ đâu tới già”. Điều đặc biệt ở đây là chúng tôi vừa có kinh nghiệm và nguyên tắc, vừa có sự xả thân và sáng tạo. Khi mỗi người đều có cơ hội phát huy thế mạnh của mình, chúng ta sẽ có một tập thể lý tưởng, có thể vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Không gì khách quan, thuyết phục trong việc đánh giá chất lượng của một ngôi trường hơn sự ghi nhận của phụ huynh và học sinh. Các con thích đi học, phụ huynh giới thiệu phụ huynh, kết quả được ghi nhận không chỉ ở lĩnh vực học tập với các giải thưởng cấp tỉnh hay thành phố, mà còn ở kỹ năng của học sinh, tác phong đi đứng, nói năng và quan trọng hơn hết là tất cả những điều đó không làm mất đi sự vô tư, hồn nhiên của học sinh.

Chân lý giáo dục của Hệ thống giáo dục Dạ Hợp: Học để làm người. Những em bé hạnh phúc!

Chân lý giáo dục của Hệ thống giáo dục Dạ Hợp: Học để làm người. Những em bé hạnh phúc!

Sau tất cả, không phải là ngoại ngữ hay kỹ năng, không phải là công nghệ thông tin hay tài hùng biện, phát triển những con người hoàn thiện với tiềm năng vốn có và riêng có mới là đích đến sau cùng của giáo dục.

Vậy nên, chân lý hay cách làm giáo dục của DHE có thể nói ngắn gọn trong 4 chữ của Bác Hồ mà chúng tôi đặt trang trọng ngay ở lối vào của Hệ thống. 4 chữ đó là: Học để làm người.

Phóng viên: Để phát triển toàn diện về nhân cách, tri thức cho học sinh các cấp học hiện nay có thể phục vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế, theo ông nền giáo dục của chúng ta cần bắt đầu từ đâu và tiến trình ra sao?

Ông Nguyễn Mạnh Dũng: Đây là một câu hỏi lớn, không dễ trả lời vì nó ở tầm quốc gia. Nhưng nếu phải trả lời một cách ngắn gọn thì tôi xin được dùng 2 từ “đúng việc”. Đây là điều được phân tích và đúc kết xuyên suốt cả cuốn sách cùng tên của Giản Tư Trung, một nhà giáo dục Việt Nam, người đã giải thích rất dễ hiểu khái niệm giáo dục khai phóng.

Theo đó, mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi giáo viên, mỗi ngôi trường, mỗi bậc phụ huynh, mỗi gia đình chỉ cần làm đúng việc của mình.

Đúng việc là làm đúng vai trò của mình và làm tốt nhất vai trò đó, mọi thứ sẽ tốt đẹp, không chỉ đối với riêng lĩnh vực giáo dục, mà cho cả xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông! Chúc Hệ thống Giáo dục Dạ Hợp tiếp tục gặt hái thành công, là ngôi trường hạnh phúc, góp phần đào tạo nhân tài cho Hòa Bình và cho đất nước!

Một số hình ảnh về hoạt động của mô hình giáo dục Dạ Hợp do PV Báo điện tử Xây dựng ghi nhận:

Cô và trò lớp nhi đồng.

Cô và trò lớp nhi đồng.

Tiết học bơi lội cho các em học sinh miền núi.

Tiết học bơi lội cho các em học sinh miền núi.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Dạ Hợp cùng học sinh trong ngày khai trường.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Dạ Hợp cùng học sinh trong ngày khai trường.

Giáo sư Kazuo Ueda – Chủ tịch Hiệp hội sáng kiến tài chính tư nhân Nhật Bản trắc nghiệm học sinh Trường Dạ Hợp.

Giáo sư Kazuo Ueda – Chủ tịch Hiệp hội sáng kiến tài chính tư nhân Nhật Bản trắc nghiệm học sinh Trường Dạ Hợp.

Theo Baoxaydung.com.vn