Có một bộ phận giáo viên rất … nhàn nhã thật không?

20/02/2020 06:29
Hồng Nhung
(GDVN) - Tôi ước mơ được dạy đủ tiết tiêu chuẩn, hay hơn cũng được, khỏi phải cạnh tranh với ai khi mình không có người đỡ đầu thì sướng biết mấy.

Sau khi bài báo “Có bộ phận giáo viên rất … nhàn nhã” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 16/2 đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc trên cả nước. 

Tính đến 10 giờ ngày 18/2 đã có 38 lượt bình luận; trong đó có bình luận của bạn VĂN SINH: “Viết cho có, ko nên viết bài như thế, nhàn hay ko do Ban giám hiệu phân công, đâu lỗi giáo viên” có 157 lượt bạn đọc yêu thích. Là bạn đọc lâu năm của báo, lần đầu tiên tôi thấy có trường hợp này!

Bên cạnh đó, cũng có những bình luận đồng cảm với tác giả. Bạn THANH chia sẻ: “Chuẩn quá. Bài viết rất hay, rất đúng với hiện tại. Bài viết number one”; bạn HỮU NGHI “Đó là thực tế nhưng không thể trách ai được”. 

Theo nội dung của bài, tác giải Hữu Sơn cho biết có 3 nhóm giáo viên rất … nhàn nhã: 

Đó là một số giáo viên thiếu tiết.

Đó là một bộ phận cán bộ, giáo viên mặc dù dạy đủ tiết chuẩn, có tham gia một số hoạt động, công việc của nhà trường nhưng hiệu quả, chất lượng dạy học và công việc còn hạn chế.

Đó là một số giáo viên không tâm huyết với nghề, dạy học và làm việc ở trường thường qua loa, hời hợt, được chăng hay chớ, nặng hình thức, đối phó, luôn trông về nghỉ sớm, việc khó khăn thì đùn đẩy, né tránh cho người khác…

Nhưng khi ở nhà, việc làm ăn, thu nhập thêm của mình thì lại rất tích cực tổ chức dạy học thêm tối ngày, những ngày cuối cũng không ngừng nghỉ.

Thực tế, rất nhiều trường học giáo viên được phân công thiếu tiết tiêu chuẩn. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Thực tế, rất nhiều trường học giáo viên được phân công thiếu tiết tiêu chuẩn. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)

Vậy giáo viên thiếu tiết có phải là giáo viên rất …nhàn nhã không? 

Tôi là giáo viên chính thức, hiện nay được phân công 12 tiết/tuần (thực dạy theo thời khóa biểu 10 tiết và 2 tiết thư ký hội đồng), trong trường có 4 giáo viên dạy cùng bộ môn, số tiết tương đương nhau. 

Cứ mỗi lần họp hội đồng, nói đến chuyện giảm biên chế, chuyển trường là hồn tôi … lên ngọn cây; rất đơn giản thôi, tôi cảm thấy mình như người … thừa, không cần thiết, có cũng được, không có cũng được. 

Những giáo viên môn khác dạy đủ tiết tiêu chuẩn, họ chỉ cần đạt chuẩn là yên tâm rồi; riêng tôi phải chạy đôn chạy đáo học để có bằng vượt chuẩn vì … sợ bị chuyển trường, giảm biên chế.

Từ hồ sơ sổ sách, tham gia hội giảng, phong trào … là số một; tôi ước mơ được dạy đủ tiết tiêu chuẩn, hay hơn cũng được, khỏi phải cạnh tranh với ai khi mình không có người đỡ đầu thì sướng biết mấy.

Có bộ phận giáo viên rất... nhàn nhã
Có bộ phận giáo viên rất... nhàn nhã

Đó là chưa kể có thể bị cán bộ quản lý gọi đi làm những việc không đâu vào đâu, không phải chuyên môn của mình, không có kế hoạch hay thời gian báo trước vì lý do thiếu tiết tiêu chuẩn!

Cảnh giáo viên thiếu tiết tiêu chuẩn các trường khác, cũng khổ không kém, khổ hơn khi nghe giáo viên chuẩn bị chuyển sang chế độ hợp đồng; ai sẽ được hợp đồng đây, ai sẽ phải ra đi đây?

Thiếu tiết tiêu chuẩn như chúng tôi đâu có nhàn nhã mà rất vất vả là đằng khác.

Thực tế, rất nhiều trường học giáo viên được phân công thiếu tiết tiêu chuẩn; phần vì dư biên chế; phần do đặc thù của ngành giáo dục, đặc biệt là các trường phổ thông.

Ví dụ thầy A dạy môn Toán, bậc Trung học cơ sở, chỉ 16 tiết/tuần, thầy B dạy ngoại ngữ 22 tiết/tuần; không thể phân công chuyên môn để cho số tiết của hai giáo viên đúng tiết tiêu chuẩn được. Không thể nói thầy A “nhàn nhã”, thầy B “vất vả” được.

Lỗi dạy thiếu tiết không do tôi hay thầy A, thầy B hay hiệu trưởng, hiệu phó. Vì vậy, không thể quy nạp giáo viên thiếu tiết là giáo viên “nhàn nhã” và ngược lại.

Nhàn nhã hay không, mỗi giáo viên chúng ta đều tự đánh giá được chính mình, không phụ thuộc vào số tiết người đó dạy đủ hay không đủ tiêu chuẩn. 

Cứ dạy hết khả năng của mình, vì học trò thân yêu, cuộc sống tuy vất vả nhưng mỗi chúng ta sẽ thấy nhàn nhã, yêu đời; nhưng vẫn ước mơ được dạy đủ tiết tiêu chuẩn các bạn ạ.  

Mong rằng các cấp quản lý giáo dục sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp với biên chế lớp học, tránh trường hợp môn thừa, môn thiếu, làm khổ giáo viên thiếu tiết tiêu chuẩn như chúng tôi.

Hồng Nhung