Cô Lê Thị Trang Nhung, cô giáo của những sáng tạo Văn học

13/04/2019 06:19
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Được đồng nghiệp giới thiệu, tôi về Trường Trung học phổ thông Châu Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu), tìm gặp cô giáo Lê Thị Trang Nhung, cô giáo của những sáng tạo.

Châu Thành là trường trung học phổ thông có lịch sử “già” nhất nhì của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trường nổi tiếng với hàng phượng tím hàng trăm năm tuổi, thành tích dạy và học, luôn nằm trong tốp ba của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được Chính phủ tặng Huân chương lao động hạng II.

Với yêu cầu dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh và sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, người giáo viên cần đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học.

Đó là suy nghĩ của giáo viên trong trường nói chung, của cô Lê Thị Trang Nhung nói riêng.

Cô Lê Thị Trang Nhung (bìa trái) - Trường Trung học phổ thông Châu Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu
Cô Lê Thị Trang Nhung (bìa trái) - Trường Trung học phổ thông Châu Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu

Về công tác tại trường từ năm học 2011-2012, cô giáo Nhung và các thành viên tổ Văn đã tự học, không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Cô Trang Nhung đã vận động,cùng các thành viên trong tổ Văn, chủ động tham gia các khóa học về dạy học phát triển năng lực, phương pháp dạy học tích cực và dạy học dự án, để hiểu rành rẽ hơn các vấn đề về đổi mới phương pháp dạy học.

Xin được dự giờ học hỏi các tiết dạy đổi mới phương pháp dạy học của những giáo viên giỏi, trong và cả ngoài tỉnh.

Học đi đôi với hành; bắt đầu từ năm 2017-2018, mỗi giáo viên trong tổ Văn tiến hành ít nhất một tiết chuyên đề trong một học kì về đổi mới phương pháp dạy học.

Thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học nhằm tăng chất lượng của việc đổi mới phương pháp dạy học.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo hướng đổi mới phương pháp dạy học như:

Tổ chức cho học sinh giỏi môn Văn ba khối đi trải nghiệm tại núi Dinh để xây dựng đội nhóm, hình thành kĩ năng làm việc nhóm, tìm hiểu vẻ đẹp địa phương và trao đổi kinh nghiệm học tập môn Văn giữa ba khối;

Tổ chức cuộc thi sân khấu hóa tác phẩm văn chương với chủ đề “Kết nối tác phẩm văn chương” nhằm giúp học sinh tiếp cận tác phẩm văn học theo hướng chủ động, sáng tạo, rèn năng lực giải quyết vấn đề, kĩ năng làm việc nhóm… và đặc biệt giúp học sinh khối 12 ôn kiến thức, chuẩn bị thi tốt nghiệp.

Để phòng, chống bạo lực học đường, nâng cao ý thức đọc sách và kĩ năng đọc hiểu, cô Nhung tổ chức cho học sinh tham gia cuộc thi viết cảm nhận sách với chủ đề “Quyển sách tôi yêu” do Thư viện tỉnh phát động.

Bồi dưỡng lòng yêu quê hương, rèn luyện kĩ năng ngoại ngữ cho học trò, giới thiệu thành phố Bà Rịa với du khách; cô Trang Nhung đã hướng dẫn học sinh viết cuốn sách song ngữ Việt - Anh “Bà Rịa góc nhỏ trong tôi”, giới thiệu với du khách ngoại quốc về các di tích, thắng cảnh thành phố quê hương.

Cô Lê Thị Trang Nhung (ở giữa) cùng học sinh trong hội thi Sân khấu hóa tác phẩm Văn học.
Cô Lê Thị Trang Nhung (ở giữa) cùng học sinh trong hội thi Sân khấu hóa tác phẩm Văn học.

Giáo dục kĩ năng cho học trò qua dạy học môn Văn, cô Nhung đã cùng cô Nguyễn Thị Hòa, Trần Thị Tuyết, tập thể tổ Văn xây dựng chuyên đề dạy học theo dự án; với chủ đề “Tôi yêu Bà Rịa”.

Dự án hướng đến giải quyết vấn đề: giúp học sinh hiểu được vẻ đẹp của thành phố Bà Rịa quê hương, đánh thức và giới thiệu những vẻ đẹp còn tiềm ẩn với mọi người bằng cách vận dụng những hiểu biết về văn Thuyết minh.

Bạn Tú Anh, nói về dự án mà mình cùng các bạn đã thực hiện: “Lúc đầu, chúng em không nghĩ mình có thể làm được; cô Trang Nhung, cùng các cô trong tổ văn hướng dẫn, chúng  em chia nhóm để đóng vai: chuyên gia văn thuyết minh, nhiếp ảnh gia, nhà dựng phim, nhà quay phim, nhà biên đạo, hướng dẫn viên, người quản lý, người tổ chức sự kiện,… đi thực tế và thực hiện các nhiệm vụ của nhóm.

Mỗi lớp sẽ có cách chọn vai và nhiệm vụ khác nhau dựa trên nguyện vọng, sở thích của mỗi bạn. Sau khi thu thập thông tin, chúng em hoàn thành sản phẩm.

Thông qua hoạt động, chúng em học được nhiều kĩ năng hơn, biết cảm thụ cái đẹp của cảnh sắc, con người, văn hóa Bà Rịa.

Biết trân trọng, tự hào các giá trị văn hóa, nét đẹp… của địa phương; có ý thức bảo tồn và quảng bá cho quê hương; có ý thức đóng góp xây dựng phát triển quê hương. Đặc biệt, chúng em càng yêu môn Văn thầy ạ”.

Cô Lê Thị Trang Nhung, cô giáo của những sáng tạo Văn học ảnh 3Cô giáo Nguyễn Thị Tho - Cô giáo của trải nghiệm sáng tạo

Nói về sáng tạo trong dạy học môn Văn, cô Nhung chia sẻ: “Em may mắn được dạy trong ngôi trường có truyền thống, dạy học sáng tạo; được sự giúp đỡ nhiệt tâm của Ban giám hiệu, cô Nguyễn Thị Bích Hòa, cô Trần Thị Tuyết Hoa và các thầy cô trong tổ Văn, những ý tưởng sáng tạo của em được ủng hộ, góp ý xây dựng.

Khi thực hiện, được anh chị em trong trường đồng lòng, ủng hộ, là động lực cho em sáng tạo.

Đặc biệt, thông qua các hoạt động dạy học, em lòng ghép tinh thần khởi nghiệp cho học trò; chính học trò đã sáng tạo, thiết kế và bán bao lì xì dịp tết, tổ chức tour du lịch … tìm kinh phí, thực hiện dự án của mình.

Muốn đổi mới phương pháp dạy học người giáo viên cần đổi mới nhận thức, sẵn sàng tiếp nhận những xu thế mới, chịu khó học hỏi, tìm tòi để hiểu sâu các phương pháp dạy học tích cực.

Quá trình thay đổi không dễ dàng, nhưng nếu có niềm đam mê, tâm huyết và sự kiên trì, giáo viên có thể thực hiện được. Sự thay đổi của giáo viên sẽ nâng cánh cho học sinh hòa nhịp và vươn xa trong thời đại mới”.

Nói về đồng nghiệp, thầy Võ Đình Thuần, hiệu trưởng, nhận xét: “Cô Nhung là giáo viên trẻ, có tâm, có tầm. Năng lực chuyên môn vững vàng, yêu nghề, tận tâm với học trò, dám hi sinh vì sự nghiệp giáo dục; đặc biệt là một giáo viên sáng tạo trong dạy học”.

Những đóng góp của mình, cô giáo trẻ Lê Thị Trang Nhung đã được công nhận là giáo viên giỏi cấp Tỉnh; Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh; được học sinh yêu mến, đồng nghiệp tín nhiệm, bầu làm Tổ trưởng tổ Văn.

Chia tay thành phố Bà Rịa anh hùng, chúc tập thể sư phạm Trường Trung học phổ thông Châu Thành đạt nhiều thành công, chúc cô Lê Thị Trang Nhung có thêm nhiều sáng tạo trong sự nghiệp giáo dục.

Sơn Quang Huyến