Cô giáo với “Siêu thị phần thưởng” cho học sinh mỗi ngày

25/11/2021 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Ngày qua ngày, những nhánh sơ đồ kiến thức mà tôi đã hướng dẫn đó sẽ in đậm vào trong tư duy của học trò, giúp các con thuộc bài rất nhanh và nhớ bài rất lâu.

“Năm 2018, sau khi hoàn thành khóa học Thạc sĩ Giáo dục Tiểu học, tôi được về công tác tại Trường Tiểu học Nam Thành Công. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, tôi được tập thể ban giám hiệu nhà trường, cùng các đồng nghiệp nhiệt tình dìu dắt, hỗ trợ đã giúp tôi có thêm động lực để làm việc, để cống hiến và tràn đầy năng lượng sáng tạo.

Qua 8 năm công tác, tôi luôn nỗ lực học hỏi để trau dồi trình độ chuyên môn, mang đến cho học sinh những bài giảng thú vị, luôn quan tâm tỉ mỉ tới từng đối tượng học sinh, chấm chữa bài trực tiếp với từng con, giúp các con nhận ra sai sót và kịp thời sửa chữa. Để thực hiện được điều đó tôi tự nhủ phải thật cố gắng bởi quỹ thời gian có hạn mà số lượng học sinh khá đông.

Nhưng với tâm huyết, tình yêu với các em học sinh, nên ngay từ những ngày đầu nhận lớp, tôi luôn khích lệ các con tự tin, mạnh dạn trao đổi với cô giáo những điều các con chưa hiểu rõ”, cô giáo Vũ Kiều Ngọc Anh - Trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa, Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. (cô Ngọc Anh sinh năm 1988, đã tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 - 2021).

Cô giáo Vũ Kiều Ngọc Anh - Trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Cô giáo Vũ Kiều Ngọc Anh - Trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Ngọc Anh chia sẻ: “Ước mơ thời còn đi học là trở thành ca sĩ nên tôi thi vào trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chuyên ngành Thanh nhạc, sau khi tốt nghiệp, thấy Ngân hàng là một nghề "hot" nên quyết định học thêm văn bằng 2 Học viện Ngân hàng.

Nhưng sau một lần cùng nhóm bạn đi hoạt động từ thiện tại một trường tiểu học ở tỉnh Hòa Bình, nhìn những ánh mắt ngây thơ và đáng yêu của các em học sinh tiểu học, bất chợt trong lòng tôi có những cảm xúc khác lạ. Sau chuyến đi đó, tôi đã quyết định trở thành một cô giáo tiểu học.

Thời điểm đó tôi vẫn chưa kết thúc khóa học của Học viện Ngân hàng nhưng đã quyết tâm học thêm bằng Đại học Sư phạm Hà Nội. Gia đình tôi cũng khó khăn, nên để có tiền trang trải học phí tôi đã đi làm thêm và nhiều hôm đến khuya mới về đến nhà, cuối cùng tôi cũng đã dành được tấm bằng loại giỏi khoa Giáo dục Tiểu học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”.

Theo cô Ngọc Anh: “Trong các giờ dạy, rất ít khi tôi ngồi một chỗ mà thường xuyên đi xuống từng bàn, tận nơi, bao quát lớp đồng thời giúp đỡ các con, thấy em nào có biểu hiện khác lạ là tôi lựa lời hỏi xem con có vấn đề gì, có cần cô giúp gì không? Trong lớp được thành lập các cặp đôi bạn cùng tiến, bạn giỏi giúp đỡ bạn yếu.

Tôi thường nói với các con rằng: Mỗi bạn học sinh là một thầy giáo, cô giáo tí hon, giúp bạn cũng là giúp mình vững thêm kiến thức. Nhờ sự chăm sóc, đồng hành đó, sau mỗi giờ dạy, mỗi ngày lên lớp, tôi đã kịp thời nắm bắt ngay được bạn nào chưa hiểu bài để cùng học sinh củng cố lại kiến thức.

Tôi luôn xác định rõ trọng tâm vấn đề, tìm ra các phương pháp dạy học tích cực nhất để giờ học diễn ra nhẹ nhàng mà hiệu quả, giúp các con vừa học vừa chơi, không cảm thấy bị áp lực. Trong các phương pháp sáng tạo đó, tôi tâm đắc nhất và áp dụng thường xuyên trong suốt bao năm qua là phương pháp dạy học bằng sơ đồ tư duy, thiết kế các bài giảng Elearning và vận dụng trò chơi học tập, trò chơi dân gian vào các tiết học, giúp học sinh hệ thống hóa các kiến thức được học bằng các nhánh trên sơ đồ tư duy.

Ngày này qua ngày khác, những nhánh sơ đồ kiến thức mà tôi đã hướng dẫn đó sẽ in đậm vào trong tư duy của học trò, giúp các con thuộc bài rất nhanh và nhớ bài rất lâu. Nhờ học tập bằng sơ đồ tư duy nên mỗi tiết học giờ đây trở thành nên nhẹ nhàng, thú vị và mang lại hiệu quả cao, là bước đệm vững chắc cho học sinh bước vào cấp học tiếp theo.

Bên cạnh đó, tôi luôn chú trọng việc khen thưởng kịp thời để khuyến khích các con phấn đấu, tạo một “Siêu thị phần thưởng” trong lớp với những món quà nhỏ, sau mỗi ngày, hoặc mỗi tuần học tập, các con ngoan, học giỏi được đi siêu thị tự lựa chọn đồ mình thích. Món quà tuy bé nhưng ý nghĩa thì vô cùng tuyệt vời, nó là ghi nhận, động viên sự cố gắng phấn đấu học tập của các con mỗi ngày.

Cô Ngọc Anh cho biết: "Nghề giáo đã khiến mình thay đổi rất nhiều, từ một người có thiên hướng khuôn mẫu, khép mình, giờ đã trở nên vui vẻ, nhiệt huyết và sẵn sàng mở lòng với mọi người để cho đi, nhất là các em học sinh". Ảnh: NVCC.
Cô Ngọc Anh cho biết: "Nghề giáo đã khiến mình thay đổi rất nhiều, từ một người có thiên hướng khuôn mẫu, khép mình, giờ đã trở nên vui vẻ, nhiệt huyết và sẵn sàng mở lòng với mọi người để cho đi, nhất là các em học sinh". Ảnh: NVCC.

Không chỉ có thế, trong quá trình dạy học, tôi luôn tạo cơ hội giúp cho các con được bộc lộ bản thân, được thể hiện mình thông qua tổ chức trò chơi, hoạt động nhóm để phát triển các kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng xã hội, tạo sự gần gũi, chia sẻ với nhau. Tôi thường đặt những câu hỏi thật đơn giản, hoặc những vấn đề mà các em hứng thú, tổ chức các hoạt động trải nghiệm như trồng cây, tham gia trao quà từ thiện giúp đỡ các bạn nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn, khó khăn...từ đó các con sẽ hình thành phẩm chất đạo đức tốt, biết quan tâm đến người khác, cũng như có ý thức bảo vệ môi trường.

Tôi nhớ lớp mình dạy có một học sinh với tính cách “đặc biệt”, mỗi khi được bố mẹ đưa đến trường là em đó luôn tỏ thái độ không hợp tác, chạy trốn khắp nơi. Khi tìm được thì con lại có những phản ứng cào cấu cô, nhất định không chịu vào lớp. Cả một quá trình rất lâu giúp con thay đổi có lẽ là quãng thời gian không thể nào quên.

Tôi kiên trì động viên, trò chuyện, lắng nghe, dỗ dành,… để con cảm nhận được sự gần gũi và yêu thương. Tôi tìm hiểu hoàn cảnh và biết được con bị ảnh hưởng tâm lý về chuyện của bố mẹ, biết vậy tôi càng thấy thương con hơn. Dần dần qua một thời gian rất lâu, con đã có thay đổi, cuối năm đạt kết quả học tập tốt khiến tôi và cả gia đình em cảm thấy rất bất ngờ, hạnh phúc”.

Nghề giáo đã khiến tôi thay đổi

Được biết, cô Ngọc Anh cũng gặt hái được nhiều thành tích về chuyên môn, tham gia nhiệt tình các phong trào của trường và quận tổ chức, nhiều sáng kiến kinh nghiệm được hội đồng khoa học ngành giáo dục nghiệm thu và đánh giá cao. Tuy vậy cô chia sẻ: Thành tích lớn nhất của nhà giáo, không phải chỉ ở những tấm giấy khen, mà đó là sự ghi nhận và ủng hộ từ trong trái tim của mỗi học sinh.

Cô cho biết nghề giáo đã khiến mình thay đổi rất nhiều, từ một người có thiên hướng khuôn mẫu, khép mình, giờ đã trở nên vui vẻ, nhiệt huyết và sẵn sàng mở lòng với mọi người để cho đi, nhất là các em học sinh. Cuộc sống thay đổi khi bạn chịu thay đổi”.

Các danh hiệu và thành tích mà cô Ngọc Anh đã đạt được:

- Có 03 bằng đại học.

- Giải Nhì kì thi Giáo viên giỏi cấp quận.

- Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở 8 năm liên tục.

- Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2 năm liên tiếp 2019-2020 và 2020-2021.

- Đạt thành tích Xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học khóa đào tạo trình độ Thạc sĩ của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

- Thiết kế bài giảng Elearning 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 02 giải Khuyến khích.

- Sáng kiến kinh nghiệm: 01 sáng kiến xếp loại B và 01 sáng kiến xếp loại C cấp thành phố, 03 sáng kiến loại A cấp quận.

- Giải Đặc biệt cuộc thi Duyên dáng áo dài và Trình diễn ấn tượng tại cuộc thi Duyên dáng áo dài quận Đống Đa do Liên đoàn Lao động quận tổ chức tháng 10 năm 2020.

- Giải Nhì cuộc thi và Nhất áo dài cuộc thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” do Liên đoàn Lao động quận Đống Đa và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa tổ chức năm 2021.

- Các năm học: 2019-2020 và 2020-2021, liên tục có học sinh đạt giải cao trong cuộc thi Trạng nguyên cấp trường, Hội thi Viết chữ đẹp trường; Nhiều học sinh đạt giải Toán tiếng Việt qua internet đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc và Huy chương Đồng cấp quốc gia và cấp trường, cấp quận.

Tùng Dương