Cô giáo Lê Thị Ánh Phượng: 15 năm cắm bản là trải nghiệm tốt đẹp của đời tôi

20/11/2020 06:00
Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô Lê Thị Ánh Phượng được biết đến là giáo viên cắm bản, công tác nhiều năm ở vùng cao, giáo dục cực kỳ khó khăn.

Là một trong hai giáo viên tỉnh Nghệ An được tôn vinh giáo viên tiêu biểu toàn quốc, cô Lê Thị Ánh Phượng được biết đến là giáo viên cắm bản, công tác nhiều năm ở vùng cao, giáo dục cực kỳ khó khăn.

Gắn bó vì những bữa ăn của học sinh

Tốt nghiệp đại học, chuyên ngành sư phạm mầm non, cũng như bao sinh viên ước mơ về một công việc ổn định, thế nhưng chỉ sau một lần thực tập ngay chính những trường học ở vùng núi quê nhà, cô giáo Lê Thị Ánh Phượng quyết định gắn bó thanh xuân, cuộc đời với sự nghiệp giáo dục vùng sâu, vùng xa.

Quỳ Châu thuộc miền Tây Bắc, tỉnh Nghệ An là huyện có địa hình khá phức tạp khi có hơn 72% diện tích ở độ cao trên 200m so với mặt nước biển, bị chia cắt bởi mạng lưới sông suối dày đặc. Đây là khó khăn cho Quỳ Châu trong phát triển kinh tế - xã hội mà trước hết là hạn chế khả năng giao lưu giữa các xã trong huyện và mở mang diện tích đất nông nghiệp.

Dù biết đây là nơi đất cằn sỏi đá, đầy rầy những khó khăn, nhưng cô Ánh Phượng vẫn quyết tâm bám bản để mang giáo dục đổi mới miền đất vùng cao.

Nói chuyện với tôi khi đêm đã khuya, cũng là lúc cô Phượng kết thúc một ngày dài vất vả với những công việc thường ngày sau buổi đến trường.

Làm mẹ vốn dĩ đã là việc vất vả khi hai con còn nhỏ, nhưng càng vất vả hơn với một người mẹ tham gia công tác giảng dạy tại một trường học cách nhà 27 km, đi về hàng ngày.

Cô Lê Thị Ánh Phượng được biết đến là giáo viên cắm bản, công tác nhiều năm ở vùng cao giáo dục cực kỳ khó khăn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Lê Thị Ánh Phượng được biết đến là giáo viên cắm bản, công tác nhiều năm ở vùng cao giáo dục cực kỳ khó khăn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Kể với tôi nghe những câu chuyện đến trường hàng ngày với giọng lạc quan, cô nói: “Trong trường của mình có hơn chục thầy cô giáo nhà xa trường, họ đều đến từ vùng thuận lợi và tình nguyện đến vùng khó khăn của Quỳ Châu này để cống hiến. Đường vào đến trường khoảng 27 cây số, đường thì bên dốc, bên vực, mùa lạnh y như đèo Hải Vân thu nhỏ, trong lòng thực mà nói là vừa đi, vừa lo.

Hết giờ dạy, những đoàn xe máy của các thầy cô bám bản lại chờ đợi và nối đuôi nhau ra về. Có những lúc mệt thật, những lúc chỉ chực chờ bỏ cuộc, chọn một công việc nhẹ nhàng hơn nhưng rồi mình nghĩ, nếu ai cũng như thế thì công tác giáo dục miền núi còn ai muốn gắn bó dài lâu. Cứ thế rồi các thầy cô tự nhủ mình, động viên đồng nghiệp tiếp tục vượt qua”.

Khó khăn là câu chuyện hiện diện hàng ngày và có thật nhưng chưa một lần cô Phượng bấm bụng bỏ cuộc chỉ vì chứng kiến cảnh học sinh đến trường chỉ với ép xôi và muối, con cá khe bố nướng vắt ngang trên cục cơm nguội hay chỉ đơn giản là gói xúp (bột canh) mỳ tôm với cơm nguội…

“Phải tận mắt chứng kiến, sống cùng, sinh hoạt cùng, chia sẻ và thấu hiểu cùng thì mới thấm những vất vả của các thầy cô chưa có gì so với khó khăn của học sinh nơi đây”, cô Phượng tâm sự.

Những con đường tới bản, một bên vực, một bên núi, vất vả, khó khăn là thế nhưng cũng là nơi gửi gắm những gì tinh túy nhất của nghề nhà giáo.

Trong những nốt trầm của khúc tâm sự, cô Phượng vẫn vui tươi, dí dỏm khi nói rằng: “Năm thứ 15 cắm bản, nhiều phụ huynh còn trêu mình, nếu muốn biết đường Châu Phong hỏi cô Phượng là biết hết. Cô Phượng quen đường đến mức đếm được những ổ gà trên đường Châu Phong”.

Cô Ánh Phượng là một trong những lá cờ tiên phong tình nguyện đi đến từng nhà, vào từng thôn bản để vận động con em đồng bào đến trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Ánh Phượng là một trong những lá cờ tiên phong tình nguyện đi đến từng nhà, vào từng thôn bản để vận động con em đồng bào đến trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Gia đình là nguồn động lực rất lớn

Thành công, thành tựu hay tấm bằng khen mới nhất của cô Ánh Phượng được tôn vinh đều có công rất lớn từ hậu phương là gia đình.

Cô Phượng tâm sự: “Từ khi còn đi học và đến bây giờ đã làm nghề giáo được 14-15 năm, làm vợ và làm mẹ của hai đứa nhỏ thì nguồn động viên lớn nhất giúp mình vượt qua những khó khăn đó chính là gia đình.

Mẹ mình cũng là một giáo viên, là giáo viên đi từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn để cắm bản đem con chữ cho học trò miền sâu miền xa.

Chắc cũng vì thế mà những nhiệt thành với nghề của bản thân mình được ngấm vào máu từ thuở bé khi mình được chứng kiến công việc người thầy lớn nhất của cuộc đời là mẹ”.

Đi làm, đi dạy và đặc biệt là công tác vận động học sinh tới trường, có những lúc đi sớm từ khi gà gáy đến tối muộn mặt trời xuống núi ở vùng cao này nếu không có những động viên của gia đình làm chỗ dựa tinh thần thì những người như cô Ánh Phượng quả thực khó bề thực hiện công tác giáo dục miền núi.

Vận động học sinh là công tác gian truân nhất trong quá trình giáo dục vùng cao. Là giáo viên môn âm nhạc, nhưng phụ trách công tác đoàn, đội tại trường nên cô Ánh Phượng là một trong những lá cờ tiên phong tình nguyện đi đến từng nhà, vào từng thôn bản để vận động con em đồng bào đến trường.

Vì biết được tầm quan trọng của sự khích lệ, động viên của gia đình chính là cái nôi để con em đồng bào có thể xây ước mơ cắp sách đến trường nên cô Phượng vô cùng quan tâm, thực hiện công tác vận động học sinh bằng cả tấm lòng.

Giáo dục vùng cao ghi dấu những hi sinh thầm lặng của các thầy cô như cô giáo Ánh Phượng để mong muốn đưa đời sống vùng cao, vùng sâu thoát nghèo bằng con chữ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giáo dục vùng cao ghi dấu những hi sinh thầm lặng của các thầy cô như cô giáo Ánh Phượng để mong muốn đưa đời sống vùng cao, vùng sâu thoát nghèo bằng con chữ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong hành trình vận động học sinh đến trường có những nỗi vất vả không được gọi thành tên. Đường đi vào bản nhỏ hẹp. Vùng cao miền Trung quanh năm thời tiết khắc nghiệt.

Mùa hè gió lào thổi bỏng rát, nắng táp như mặt trời áp thẳng chỉ cách con người vài gang tấc. Mùa đông rét cắt da, cắt thịt. Cái rét, sương muối, sương mù… dẫu gian khó như thế nhưng không làm giảm ý chí kiên cường bám bản, đưa học sinh tới trường của các thầy cô nơi đây.

“Hành trình đó gian khó bao nhiêu thì đổi lại mình cảm thấy hạnh phúc bấy nhiêu khi học sinh nơi đây ngày đến lớp càng đông. Bữa ăn các em dắt lưng mang đi dù đạm bạc, dù chẳng có gì nhưng chỉ cần các em hiểu rằng, chỉ cần đến trường, tương lai các em sẽ thay đổi thì những nước mắt mặn mòi, vất vả ngày hôm nay sẽ được đền đáp bằng tương lai tươi sáng.

Đối với những giáo viên cắm bản, dù làm công tác gì, thì đó là một niềm hạnh phúc”, trong giọng nói cô Phượng ánh lên bao niềm vui ngập tràn.

Công tác vận động địa phương miền sâu, miền xa cũng gặp nhiều khó khăn vì không chỉ sự xa cách địa lý mà sự mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp và văn hóa không tương đồng của các dân tộc.

Một trong những câu chuyện mà cô Ánh Phượng nhớ nhất trong hơn 14 năm cắm bản là về cậu học trò nhỏ Bảo Khanh của mình.

Mẹ Bảo Khanh mất sớm, bố em đi bước nữa, hoàn cảnh vốn dĩ đã khó khăn chồng chất khó khăn khi gia đình đông con nhưng không đông của. Nhà Khanh là gia đình nghèo nhất của nơi nghèo nhất. Có lẽ vì thế mà dù rất bé, là cậu học trò thông minh, học giỏi nhưng Khanh mặc cảm, tự ti với hoàn cảnh và số phận của mình.

“Khi mọi người đến vận động Khanh đi học mới tưởng tượng ra có một gia đình tại huyện mình làm việc lại khó khăn hơn cả khó khăn như thế. Em Khanh xấu hổ không phải vì gia đình nghèo, vì đông con bởi ở đây dân số phần đông đều như thế mà có lẽ do thấy các cô giáo vào đến nơi vận động nên em chạnh lòng.

Lúc đấy, tâm lý trẻ con mình hiểu rõ. Khanh chạy trốn không gặp thầy cô. Cứ thế mấy ngày trôi qua, mình đến là em chạy trốn. Quyết tâm không để những học trò như Khanh vì mặc cảm mà mất con chữ, cuối cùng em không chạy trốn mình vào nương nữa, ở nhà nghe mình tâm sự, chia sẻ, an ủi và đồng ý đến trường.

Hôm đó, đoàn vận động có mấy thầy cô đi với nhau. Vào được nhà em Khanh dù quen đường rồi nhưng trời tối đi về thì cả đoàn bị lạc đường. Tìm mãi gặp được một người đi rừng lấy củi về mới tìm được đường ra. Dù mệt nhưng rất vui vì em Khanh đã đến trường”.

Bảo Khanh là một trong những học sinh vượt khó học giỏi. Em trở lại trường, nhận sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, là một trong những học sinh giành học bổng tại trường.

Cô Phượng cũng như những thầy cô giáo miền xuôi bám bản, mang con chữ, hoạt động giáo dục đến từng bản làng với mong ước từ những mầm non vùng cao xanh có giáo dục để thay đổi cuộc đời.

Chính vì hi sinh cả tuổi xuân, gắn bó những năm tháng nhiệt huyết nhất của mình cho giáo dục miền núi bằng cả tâm huyết và sự nhiệt thành, đó cũng chính là lý do cô giáo Lê Thị Ánh Phượng được tôn vinh là tấm gương nhà giáo tiêu biểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hàng năm.

Lễ tri ân, vinh danh những nhà giáo có thâm niên giảng dạy, có uy tín và có nhiều cống hiến đối với ngành giáo dục nước nhà.

Lễ tri ân cũng là dịp để tôn vinh những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, tận tụy, tâm huyết với nghề, đi đầu trong phong trào thi đua, các cuộc vận động và có ảnh hưởng tích cực đối với đồng nghiệp, học sinh và xã hội; ứng xử văn hóa, được đồng nghiệp, học sinh, cha mẹ học sinh tin yêu, quý trọng, được tập thể sư phạm suy tôn.

Giáo dục miền núi đang là một trong những trọng điểm của giáo dục Việt Nam, ở đó ghi dấu những hi sinh thầm lặng của các thầy cô như cô giáo Ánh Phượng để mong muốn đưa đời sống vùng cao, vùng sâu thoát nghèo bằng con chữ.

Kim Anh