Cô giáo kể niềm vui khi dạy trẻ 2 năm một lớp

20/12/2018 09:21
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu như đến với nghề sư phạm là để thực hiện ước mơ thì việc cô giáo Phượng đến với trung tâm bảo trợ giảng dạy cho những trẻ khuyết tật như là một cái duyên.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo tại xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, cô Lương Thị Hồng Phượng chẳng nhớ và hiểu rõ đâu là lý do để cô theo đuổi ngành sư phạm.

Có lẽ, với cô Phượng những hình ảnh của những người cô, thầy giáo tận tình, thương yêu và dạy dỗ cô qua từng năm học đã giúp cô nhận ra được sự cao quý của cái nghề cầm phấn.

Cũng chính vì sự cảm mến đó để rồi cô Phượng lựa chọn nghề giáo cho hướng đi của cuộc đời mình, tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1991, cô gái này theo anh chị của mình vào Kon Tum và bước đầu ước mơ với nghề sư phạm.

Sau 2 năm học tập, rèn luyện tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, năm 1993, tốt nghiệp, ra trường và cô Phượng nhận được công tác tại trường Tiểu học Hòa Bình, một năm sau lại được luân chuyển về trường Tiểu học Vinh Quang 3 (Kon Tum). 

Chia sẻ với tôi, cô Phượng kể, nếu như đến với nghề sư phạm là để thực hiện ước mơ thì việc đến với trung tâm bảo trợ thuộc trường Tiểu học Quang Trung và giảng dạy cho những trẻ khuyết tật nơi đây dường như lại là một cái duyên.

“Một lần trong dịp cùng các thầy cô trong Hội Đồng đội thành phố đi đến thăm và tặng quà cho các em tại trung tâm bảo trợ và công tác xã hội trẻ khuyết tật.

Sau chuyến đi đó, tôi thường xuyên trăn trở, tại sao ở mảnh đất Kon Tum đầy nắng và gió ấy lại còn có biết bao những trẻ em kém may mắn, bất hạnh đến như vậy

Đến năm học 2013-2014, khi có đợt luân chuyển giáo viên, tôi đã không ngần ngại tình nguyện viết đơn xin về trường Tiểu học Quang Trung công tác, sau đó xung phong lên trung tâm để dạy học cho các em học sinh khuyết tật”, cô Phượng kể. 

Nếu như đến với nghề sư phạm là để thực hiện ước mơ thì việc đến với trung tâm bảo trợ thuộc trường Tiểu học Quang Trung và giảng dạy cho những trẻ khuyết tật nơi đây dường như lại là một cái duyên. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nếu như đến với nghề sư phạm là để thực hiện ước mơ thì việc đến với trung tâm bảo trợ thuộc trường Tiểu học Quang Trung và giảng dạy cho những trẻ khuyết tật nơi đây dường như lại là một cái duyên. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tâm sự thêm, cô Phượng thổ lộ: “Khi mới về trung tâm nhận công tác, rất nhiều bạn bè và cả người thân đã không đồng tình về quyết định đầy táo bạo của tôi.

Nhiều người còn nói rằng khổ lắm, khó khăn lắm, không kham được đâu…

Nhưng tôi vẫn luôn kiên định với suy nghĩ, dạy học sinh khuyết tật hay học sinh bình thường cũng không quan trọng bằng việc phải có cái tâm với nghề, dạy bằng tất cả tình yêu thương của mình dành cho học sinh.

Và hơn hết bản thân tôi cũng là một người mẹ với hai đứa con, tôi hiểu hơn ai hết người mẹ nào cũng rất thương con”.

Bắt đầu là tình thương rồi cảm thông cho các bậc phụ huynh, cô Phượng hiểu thấu được nỗi đau của người mẹ bởi ai sinh con ra chẳng mong muốn con mình lành lặn, khỏe mạnh.

Những học sinh bị khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi nên cô Phương luôn tâm niệm sẽ tiếp thêm cho các em tình thương, làm bạn và trở thành chỗ dựa tinh thần cho các em

Quyết tâm là thế, tuy nhiên khi bắt tay vào dạy học thì mọi việc càng trở nên vất vả hơn gấp bội. Trung tâm nơi cô Phượng giảng dạy có 68 em khuyết tật với các dạng như: Thiểu năng về trí tuệ, thiểu năng vận động từ khi mới lọt lòng…

Học sinh ở đây tiếp thu rất chậm, không những thế một số học sinh thiểu năng vận động, việc đi lại cũng hết sức khó khăn.

Cô Phượng còn cho biết, những đứa trẻ tại cơ sở này phần lớn đều bị mồ côi cha, mẹ hoặc là bị bỏ rơi…

Điều đặc biệt là một lớp học ở đây có đến 3-4 nhóm lứa tuổi học chung một lớp, tâm sinh lý lứa tuổi của các em hoàn toàn khác nhau.

Riêng lớp cô Phượng chủ nhiệm có 10 cháu thì đa số các cháu có tật phát triển chậm hoặc bị đa tật.

Dạy những học sinh bình thường vốn đã không dễ, việc dạy dỗ những học sinh đặc biệt càng khó hơn gấp bội.

Theo lời cô Phượng, thay vì học mỗi năm một lớp, các em ở đây học 2 năm mỗi lớp. Để học hết tiểu học, các em phải học tới 9 năm.

Theo cô Phượng kể, lớp cô chủ nhiệm có 10 cháu thì đa số các cháu có tật phát triển chậm hoặc bị đa tật (Ảnh nhân vật cung cấp)
Theo cô Phượng kể, lớp cô chủ nhiệm có 10 cháu thì đa số các cháu có tật phát triển chậm hoặc bị đa tật (Ảnh nhân vật cung cấp)

“Có em suốt học kỳ một học toán phép cộng thì cháu làm được nhưng đến học kỳ 2 học phép trừ thì không sao làm được, cứ liên tục làm phép trừ thành phép cộng.

Nhiều khi tâm sự với bố mẹ cháu là cô đầu hàng thôi, không biết phải làm thế nào nhưng rồi đến cuối năm, tự nhiên em lại làm được. Và đến năm học này em đã tiến bộ rất nhiều” – cô Phượng kể.

Cô Phượng cũng cho biết, có học trò hay la hét, đập phá trong giờ học. Có những hôm khi giáo viên đang giảng bài, em lên bàn và lấy phấn rồi giấu đi. Những lúc như thế, cô phải tạm dừng giờ giảng bài để nói chuyện và an ủi.

Qua trò chuyện với cô Phượng có thể hiểu, dạy học trò khuyết tật khó khăn gấp bội phần. Ngoài ra, hiện rất ít tài liệu đề cập chuyên sâu đến phương pháp giáo dục cho từng dạng khuyết tật nên giáo viên phải cùng nhau tự lên kế hoạch.

Cô giáo kể niềm vui khi dạy trẻ 2 năm một lớp ảnh 3Cô giáo dạy trẻ khuyết tật nói về nghiệp duyên với nghề

Riêng đối với cô Phượng, cô đã mất thêm nhiều thời gian để chuẩn bị bài bởi mỗi em lại đòi hỏi một cách dạy khác nhau, không em nào giống em nào.

Chính vì vậy, để đạt được thành công, bồi đắp thêm tình thương và sự tự tin đến với các em thì hơn tất cả đó là sự động viên và giúp đỡ, sự cảm thông và cùng hi sinh của gia đình đã giúp cô xua đi tất cả những căng thẳng, mệt mỏi và cố gắng vượt qua những khó khăn trên con đường mang yêu thương về cho những đứa trẻ bất hạnh nơi đây.

Tuy đã gần 20 năm đứng trên bục giảng và gần 5 năm giảng dạy và giáo dục học sinh là các em khuyết tật. Cô Phượng nhận ra một điều rằng, hãy cho đi yêu thương sẽ nhận lại được yêu thương, những đứa trẻ khuyết tật nơi đây rất đáng yêu.

Mặc dù khả năng nói của các con không tốt nhưng cứ mỗi giờ ra chơi các con lại vây quanh mình để nói chuyện. Những lúc như thế là động lực lớn để động viên mình.

Cô Phượng nhớ lại kỉ niệm diễn ra vào dịp 8/3 vừa qua: “Khi vừa bước vào lớp, các em ra hiệu bịt mắt tôi lại rồi làm cho tôi một điều bất ngờ. Chúng vẽ hình ảnh tôi lên chiếc bảng, bên cạnh là dòng chữ 4K1 yêu cô Phượng và lấy cả hoa dại để tặng tôi.

Đó là món quà không vật chất nào so sánh được.

Nếu có ai đó hỏi nếu cho tôi chọn lại, có tiếp tục chọn dạy cho các em khuyết tật không, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời: Tôi tự hào về ngôi trường và tự hào về các em học sinh nơi đây”.

Qua trao đổi được biết, cô Phượng là giáo viên được Ban thư ký Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Kon Tum và Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum giới thiệu là gương giáo viên tiêu biểu tham gia Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2018.

Thùy Linh