Cô giáo Hương Lan cùng học sinh làm phim hoạt hình về Yên Tử

11/09/2019 06:30
TUẤN KIỆT
(GDVN) - Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy môn Lịch sử, cô giáo Hương Lan và 2 học sinh đã làm bộ phim hoạt hình “Yên Tử- Huyền thoại miền non thiêng”.

Tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ 5, năm 2019, đề tài “Xây dựng phim hoạt hình góp phần quảng bá giá trị văn hóa lịch sử Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử trong giáo dục và du lịch” đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với Ban giám khảo và các đội thi.

Đề tài này do cô giáo Nguyễn Thị Hương Lan (sinh năm 1981), giáo viên môn Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Uông Bí trực tiếp hướng dẫn 2 học sinh Trần Khánh Linh và Nguyễn Thúy Hiền thực hiện.

Chia sẻ về quá trình thực hiện đề tài, cô giáo Hương Lan cho biết, ngay từ khâu lên kịch bản, cô và trò đã cùng nghiên cứu rất nhiều các tài liệu viết về Yên Tử, về Phật Hoàng Trần Nhân Tông, những giá trị văn hóa, lịch sử của Khu di tích danh thắng Yên Tử.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Lan, giáo viên môn Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Uông Bí (Ảnh: Nguyễn Dung)
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Lan, giáo viên môn Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Uông Bí (Ảnh: Nguyễn Dung)

Đồng thời, cô giáo cùng các em đi khảo sát thực tế khu di tích Yên Tử, thôn Nam Mẫu, trao đổi với các hướng dẫn viên tại khu di tích, giảng viên Khoa Sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) để bổ sung tư liệu thực tế cũng như tăng tính chính xác cho thông tin.

Cùng với đó, cả cô và trò đều đăng ký một khóa vẽ tạo hình nhân vật bằng phần mềm Adobe illustrator và khóa học dựng hình cơ bản Adobe Priemier.

“Không thiếu những ngày, thảo luận trên lớp chưa đủ mà về nhà, mình và 2 trò lại tiếp tục trao đổi qua điện thoại, facetime... thực hiện đề tài tới khuya.

Thấy học trò say mê, luôn nỗ lực tự hoàn thiện từng công đoạn của tác phẩm cũng thôi thúc mình cố gắng hơn cùng các em”, cô Hương Lan chia sẻ.

Cô giáo Hương Lan cho biết, năm học 2018-2019, cô giáo Hương Lan đã hướng dẫn 2 nhóm học sinh tham gia 2 cuộc thi.

Trong đó, một nhóm tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học với đề tài “Học sinh thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh quảng bá giá trị văn hóa lịch sử tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, góp phần phát triển ngành du lịch” đã đoạt giải Nhì cấp tỉnh và giải Tư cấp quốc gia.

Cô giáo bỏ tiền túi làm phim giáo dục cho học sinh
Cô giáo bỏ tiền túi làm phim giáo dục cho học sinh

Một nhóm gồm 2 em Trần Khánh Linh và Nguyễn Thúy Hiền tham dự cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ 5 vừa qua.

Hiện tại, đề tài của 2 em Linh và Hiền đã được làm thành bộ phim hoạt hình “Yên Tử - Huyền thoại miền non thiêng”, được Cục bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp quyền tác giả.

Bộ phim cũng đang được Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm sử dụng để trình chiếu tại khu nhà chờ cáp treo Yên Tử, được giảng dạy thực nghiệm ở một số trường học trên địa bàn thành phố Uông Bí.

Qua đánh giá của cơ quan chức năng, bộ phim hoạt hình mang đến một cách tiếp cận mới, tạo hứng thú cho người dân, du khách, nhất là các bạn nhỏ khi tìm hiểu về lịch sử Yên Tử.

Trước đó, năm học 2016-2017, cô Hương Lan tham gia cuộc thi “Dạy học tích hợp theo chủ đề” do ngành giáo dục tổ chức thường niên ở cấp tỉnh và quốc gia.

Tại cuộc thi này, cô đã đoạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Nhì cấp quốc gia với đề tài dự thi “Yên Tử - hành trình về miền non thiêng”.

Cũng trong năm học này, cô giáo Hương Lan đã hướng dẫn 2 học sinh của trường tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.

Đề tài “Góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của khu Di tích danh thắng Yên Tử với học sinh thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh” của cô Hương Lan đã đoạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Nhì cấp quốc gia.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Lan cùng học sinh ôn luyện kiến thức trong tiết học Lịch sử (Ảnh: Nguyễn Dung)
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Lan cùng học sinh ôn luyện kiến thức trong tiết học Lịch sử (Ảnh: Nguyễn Dung)

Theo cô giáo Hương Lan, việc lựa chọn các đề tài ứng dụng Khoa học kỹ thuật liên quan đến lịch sử Yên Tử xuất phát từ chính chuyên môn giảng dạy bộ môn Lịch sử của cô.

Từ phần chương trình dạy về lịch sử địa phương, cô muốn thông qua các sản phẩm cụ thể từ các đề tài khoa học kỹ thuật, như: sản phẩm truyện tranh, phim hoạt hình, video clip, trang fanpage giới thiệu về Yên Tử trên các mạng xã hội...

Qua đó có thể giúp học sinh lồng ghép giữa kiến thức lý thuyết từ sách vở với việc tự trải nghiệm, tìm hiểu thực tế.

Phương pháp học tập này sẽ giúp các em học sinh hiểu biết đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa, địa danh tại quê hương để biết yêu, trân trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị lịch sử của quê hương mình.

“Hiện nay, khu Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử được đầu tư, tôn tạo rất đẹp với nhiều dịch vụ gắn liền với phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

Vì vậy, với trách nhiệm là những người con sinh ra trên mảnh đất Uông Bí, mình muốn cùng học sinh đóng góp phần công sức, trí tuệ nhỏ bé của mình để giới thiệu, quảng bá sâu rộng về văn hóa, lịch sử Yên Tử đến bạn bè, du khách bốn phương”, cô Hương Lan nói.

Nể phục cô giáo dạy Sử 15 năm đưa học trò thành phố đi thi quốc gia
Nể phục cô giáo dạy Sử 15 năm đưa học trò thành phố đi thi quốc gia

Chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử, cô giáo Hương Lan cho biết, cô không có kinh nghiệm gì đặc biệt.

Cô luôn tự nhủ phải chủ động học tập, tiếp cận các kiến thức về công nghệ thông tin, thực hành thành thạo các phần mềm ứng dụng trong giảng dạy như: PowerPoint, Prezi...

Từ đó, tăng tính hấp dẫn, sinh động, thực tế cho mỗi bài giảng, giúp học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức, hoàn thiện đầy đủ các kỹ năng.

Với những thành tích đạt được trong giảng dạy, cô giáo Hương Lan nhiều năm liên tục được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2015.

Năm 2008, cô nhận được bằng khen của Ủy ban nhân dân  Quảng Ninh vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2007-2008.

Năm học 2015-2016, cô nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đạt thành tích xuất sắc trong phát triển khoa học công nghệ;

Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2015-2016 đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển Trường Trung học phổ thông Uông Bí; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2017.

TUẤN KIỆT