Cô giáo Huệ, người đi qua những huyền thoại ở Na Cô Sa

13/09/2019 07:00
Trần Phương
(GDVN) - Gần 20 năm gắn bó với mảnh đất biên cương Na Cô Sa, cô giáo Nguyễn Thị Huệ đã đi qua những ngày tháng mà mới nghe, tưởng như đó là huyền thoại giữa ngày thường

Từ điểm trường Huổi Thủng 2, thầy giáo Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa đưa chúng tôi đến điểm trường Na Cô Sa 1, điểm trường mà ở nơi đó, như thầy Quân bảo có cô giáo đã đi qua những huyền thoại mảnh đất vùng biên này.

Chiều thu tháng 9, nắng phủ rộng cả thung lũng, từ Huổi Thủng 2 đến Na Cô Sa 1 chưa đầy hai chục cây số, đường núi đất, lướt theo ánh mặt trời về chiều.

Những dọc núi loang lổ bóng chiều, đậm đầy sắc xanh vàng của từng đốm nắng tơ đương sắp tàn của hoàng hôn miền biên viễn.

Lớp học ghép 1 - 2 của cô giáo Nguyễn Thị Huệ ở điểm trường Na Cô Sa 1. (Ảnh: LC)
Lớp học ghép 1 - 2 của cô giáo Nguyễn Thị Huệ ở điểm trường Na Cô Sa 1. (Ảnh: LC)

Gió lùa thật khẽ, lẫn trong tiếng gió ấy là tiếng cười khúc khích của những em nhỏ đang trong niềm hân hoan, ít ngày tới thôi, các em sẽ bước vào năm học mới với niềm hân hoan của buổi tựu trường.

Khi chúng tôi đến điểm trường của cô giáo cũng là lúc vách núi đã ngăn đôi bầu trời thành hai nửa khác nhau, nửa đỏ của ánh hoàng hôn và nửa tím ngắt màu chiều pha lẫn sương lạnh ngày chớm thu miền Tây Bắc, đó cũng là lúc cô giáo Nguyễn Thị Huệ tan giờ lên lớp.

Buổi khai giảng đặc biệt tại ngôi trường miền biên viễn
Buổi khai giảng đặc biệt tại ngôi trường miền biên viễn

Các em học sinh tíu tít về nhà với gia đình, còn cô giáo Huệ, cô lại về với căn phòng trống, vò võ một mình với những bài giảng hôm sau.

Gần 20 năm cô Huệ vẫn 1 mình như thế, bởi tuổi thanh xuân cô đã gửi lại những triền đồi mây trắng bay, những điểm bản mờ trong sương lạnh và những tiếng cười ríu rít của tuổi thơ…

Chừng ấy năm công tác, cô Huệ chưa tìm được hạnh phúc cho riêng mình.

Dừng chân ở điểm trường Na Cô Sa 1, các em nhỏ vẫn đang tập tô những nét chữ đầu đời của cô giáo Huệ.

Nhờ sự chung sức của các nhà hảo tâm, thầy cô giáo, người dân và chính quyền địa phương, lớp học nhà gỗ ở Na Cô Sa 1 đã được thay thế bằng dãy nhà “3 cứng”, khang trang, sạch đẹp.

Các thầy cô ở trường Na Cô Sa đã kiến tạo, xây dựng lên cơ sở vật chất đảm bảo đủ chuẩn cho các em học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Lớp học tan, cô Nguyễn Thị Huệ đã dành cho chúng tôi những phút chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề của bản thân cô, một trong những giáo viên kỳ cựu nhất ở mảnh đất Na Cô Sa này.

Sinh năm 1979, nhà ở tận Sa Mứn, huyện Điện Biên, ngay khi khi rời trường sư phạm, cô Huệ đã chọn vùng khó để công tác, cống hiến cho nghề giáo.

Nhớ lại câu chuyện của đời mình cô Huệ bồi hồi: “Năm đầu tiên vào đây xung phong mỗi mình em là nữ.

Trước kia, khu vực này thuộc xã Quảng Lâm của huyện Mường Nhé tỉnh Lai Châu. Khi xung phong và nhận quyết định vào đây, các anh chị trên Phòng Giáo dục cũng nói trước với em đây là vùng rất khó khăn nhưng em vẫn quyết đi.

Gần 20 năm, biết bao nhiêu thế hệ học trò đã được cô Huệ dìu dắt những con chữ đầu đời. (Ảnh: LC)
Gần 20 năm, biết bao nhiêu thế hệ học trò đã được cô Huệ dìu dắt những con chữ đầu đời. (Ảnh: LC)

Xe của huyện chỉ đi vào đến ngã tư xã Chà Cang (cách xã Na Cô Sa khoảng gần 60km đường bộ), từ Chà Cang vào xã Quảng Lâm (nay thuộc Mường Nhé) không có đường, bọn em phải men theo suối để vào đến xã.

Khi vào đến xã, các thầy cô giáo ở trường lại tiếp tục hỏi em đi bản nào. Lúc đó, mọi người nói về Na Cô Sa là một vùng khó, nghèo và xa.

Cuối cùng em chọn Na Cô Sa. Lúc đó Na Cô Sa chỉ là một điểm trường của trường Tiểu học Quảng Lâm”.

Điểm qua hành trình vào đến trường của mình, cô Huệ nhớ lại: “Lúc đầu còn có đồ đạc, sau đường đi bộ xa quá, em phải gửi lại đồ ở nhà dân, trên tay lúc đó chỉ còn một ít sách, vở và đồ dùng để dạy học.

Cô giáo Vuông không nhỏ bé ở Huổi Thủng 2
Cô giáo Vuông không nhỏ bé ở Huổi Thủng 2

Nhiều lúc mệt, trên người cái gì cũng thấy nặng, chỉ muốn vứt hết đi. Thậm chí có lúc đôi dép trong chân cũng thấy nặng.

Em phải đi bộ mất 2 ngày đường mới vào được đến nơi. Đường thì đi men theo suối thôi không có đường mòn, đường đất nữa cơ.

Sau khi vào được 3 – 4 ngày thì 1 thầy khác mới vào đến nơi. Những ngày đầu ở đây mọi thứ không có gì hết, không điện, không sóng điện thoại, thậm chí nhà ở cho giáo viên cũng lụp xụp không có.

Dân bản lúc đó thì nghèo, cơm trắng lúc đó là một thứ gì đó xa vời lắm.

Lúc chưa vào cũng biết là vất vả rồi nhưng khi vào không ngờ lại vất vả thế. Muốn khóc cũng chẳng dám khóc nữa. Vì khóc cũng chẳng ai biết và cũng xác định chọn giáo viên vùng cao là nghề vất vả rồi”.

Đến được điểm trường đã là một hành trình gian nan, nhưng dựng được lớp để dạy cũng còn là một vấn đề cực kỳ khó khăn.

Cô Huệ phải đến từng nhà, vận động từng gia đình, “nhặt” từng học sinh đến lớp.

Vận động phụ huynh chung tay cùng cô giáo dựng trường, dựng lớp.

Dần dần, ngày này qua ngày khác, lớp này qua lớp khác, năm học này qua năm học khác cô Huệ đã dìu dắt gần 20 thế hệ học trò vùng biên cương.

Không ít thế hệ học sinh đã dựng vợ gả chồng xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất đầy gian khổ.

Hết giờ, lũ trẻ về nhà là lúc cô ở lại một mình....
Hết giờ, lũ trẻ về nhà là lúc cô ở lại một mình....

“Những năm đầu gian khó, lúc ấy đường chưa có, giáo viên, học sinh toàn phải di chuyển qua suối, không ít lần suýt tai nạn vì nước suối lên cao, chúng em cũng sợ lắm.

Thế nhưng, qua lúc ấy lại tự động viên nhau vượt cái khó, cố cho con em đồng bào vùng dân tộc cái chữ để thay đổi cuộc sống của chính họ”, cô Huệ nhớ lại.

Nói về cuộc sống lúc đó, cô Huệ bảo, lúc đó cuộc sống khó vô cùng, dân chẳng có cái mà ăn, cô giáo lúc đó có tiền cũng chẳng mua được gì mà ăn bởi chẳng có ai bán mà mua.

Cũng may dân bản cũng thương cô giáo nên cũng cho cô giáo thực phẩm để ăn,  uống.

"Nhiều lúc thấy dân quá khổ khi chỉ có mèn mén (món ăn thường ngày của người dân tộc Mông), dù nghẹn trong cổ nhưng cô giáo cũng ăn với người dân.

Vậy mà khi viết thư về cho gia đình vẫn phải nói với bố mẹ vẫn phải bảo con khỏe, công tác tốt mong cả nhà yên tâm”, cô Huệ kể.

Dần dần cuộc sống tốt lên, có đường, trường cũng đã được xây dựng… Thế hệ thầy cô đầu những năm 2000 trở thành những câu chuyện huyền thoại ở Na Cô Sa, chẳng ai nghĩ chỉ sau 6 năm ngày thành lập, Na Cô Sa đã có một cơ ngơi trường lớp, cơ sở vật chất như bây giờ.

Đường đến điểm trường Na Cô Sa 1 của cô giáo Nguyễn Thị Huệ

Cô Huệ bảo, nhiều lúc chẳng bao giờ nghĩ mình đã đi qua những ngày gian khó như thế. Nếu được làm lại, không biết cô có thể vượt qua được không.

Chỉ biết chắc chắn một điều rằng nếu chọn lại, cô Huệ vẫn chọn nghề giáo và đi qua những ngày gian khó ấy, cô chưa bao giờ hối hận về quyết định vào đến Na Cô Sa.

Khi nhắc về hạnh phúc của riêng mình, những giọt nước mắt đã lăn dài trên má cô giáo, thanh xuân đã qua đi chẳng một lời ước hẹn. Hạnh phúc của riêng mình cô đã gửi lại đất biên cương.

Cô giáo cũng là một người phụ nữ, cũng muốn có một mái ấm gia đình, một bờ vai người đàn ông để sẻ chia những bộn bề cuộc sống thế nhưng điều đó đã không đến với cô giáo Huệ….

Rời Na Cô Sa 1, thầy Quân nói với chúng tôi, cô Huệ là mẫu người cho đi chẳng muốn nhận lại. Về mặt chuyên môn, cô Huệ luôn là lá cờ đầu của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa, thế nhưng chẳng khi nào cô nhận thành tích về mình mà chỉ nhường lại cho giới trẻ.

Cô Huệ vẫn bằng lòng với nụ cười trẻ thơ trên những triền non của mảnh đất khó Na Cô Sa.

Trần Phương