Cô giáo dạy trẻ khuyết tật nói về nghiệp duyên với nghề

09/11/2018 07:30
Thùy Linh
(GDVN) - Các con đặc biệt lắm, đứa thì không nghe được, đứa lại chậm hiểu, đứa thì đi lại khó khăn nhưng em nào cũng ngoan ngoãn, nghe lời và luôn cố gắng học tập.

Sinh ra và lớn lên ở Sóc Sơn, mảnh đất ngoại thành Hà Nội nhưng cái nghiệp làm thầy lại đưa cô Dương Thị Liên đến với Lai Châu – nơi biên cương Tổ quốc, xa xôi.

Gắn bó với xứ sở của hoa ban - mây trắng, giờ đây, cô Liên đã lập gia đình và có công chúa nhỏ ngoan ngoãn đáng yêu.

Với cô giáo đồng bằng lên vùng sơn cước dạy chữ như cô Liên, khó khăn, vất vả phải đối mặt là đương nhiên. Nhưng cái nghiệp cầm phấn dạy học trò khuyết tật thì khó khăn càng chồng chất.

Nhưng qua trò chuyện với cô có thể cảm nhận được cái nghề cực nhọc ấy đã mang lại cho cô biết bao niềm vui và hạnh phúc.

Cô Liên kèm học sinh viết kém (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cô Liên kèm học sinh viết kém (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cô Liên thổ lộ, “các con đặc biệt lắm, đứa thì không nghe được, đứa lại chậm hiểu, đứa thì đi lại khó khăn nhưng em nào cũng ngoan ngoãn, nghe lời và luôn cố gắng học tập”.

Tâm sự về cái nghiệp duyên để cô gắn bó với nghề dạy trẻ khuyết tật tại nơi biên cương này, cô Liên kể: “Từ khi còn là cô học trò lớp 12, nhà trường mời các bạn khuyết tật đến biểu diễn văn nghệ, tôi đã cảm phục rơi nước mắt vì các bạn ấy.

Lúc đó, tôi đã thầm ước mơ sau này phải trở thành một cô giáo dạy trẻ em khuyết tật”.

Cái ước mơ thánh thiện bất chợt ấy ngày càng rõ rệt hơn trong tâm hồn để rồi như một mệnh lệnh của cuộc đời sau khi tốt nghiệp lớp 12, cô Liên đã thi vào khoa giáo dục đặc biệt.
 
Sau 4 năm miệt mài học tập và rèn luyện, cuối cùng cô Liên đã thực hiện được ước mơ của mình khi trở thành cô giáo dạy trẻ khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu.

Chia sẻ rõ hơn về địa bàn công tác, cô Liên kể, Lai Châu là một tỉnh nghèo của đất nước ta. Chính cái nghèo đó ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống nơi đây và không ngoại trừ nên giáo dục trẻ khuyết tật.

Mới được thành lập từ năm 2010 đến nay, sự nghiệp giáo dục trẻ khuyết tật nơi đây gặp đầy rẫy những khó khăn.

Khó khăn đầu tiên phải kể tới là cơ sở vật chất, theo lời cô Liên, trung tâm đã cố gắng xin tài trợ xây được 4 lớp học, đồ dùng học tập cũng được trung tâm mua nhưng cũng chỉ đáp ứng cơ bản đồ dùng như bút, sách, vở.

Tuy vậy, dạy trẻ khuyết tật cần nhiều đồ dùng trực quan và đồ dùng thật nên Trung tâm không đủ kinh phí đáp ứng. Vì vậy đồ dùng dạy học hầu hết là giáo viên tự làm, tự sáng tạo để phù hợp với bài dạy của mình.

Cô và trẻ trong giờ ra chơi ngoài sân (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cô và trẻ trong giờ ra chơi ngoài sân (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngoài ra, mọi người đều đề cao rằng, giáo dục trẻ khuyết tật phải rất cần sự phối hợp của phụ huynh và giáo viên. Nhưng ở một địa bàn mà trẻ hầu hết là con em người dân tộc thiểu số, họ không biết đến từ “giáo dục đặc biệt”.

Thậm chí, nếu có người hỏi con cháu của họ học có tiến bộ không? Họ sẽ nói luôn là “không biết đâu”.

Họ mang con đến trung tâm bảo trợ xã hội học với tiêu chí “con có ăn, có mặc đầy đủ, có tiền mang về càng tốt”, ngoài ra vấn đề khác không biết.

Cuộc sống mà cái nghèo cứ bám theo, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc mà gia đình lại đông con, không có thời gian quan tâm việc học của con cái thế nên sau 2 tháng nghỉ hè là kiến thức, kỹ năng mà cô giáo đã dạy trong cả năm học bị “rơi” hết.

Cô giáo dạy trẻ khuyết tật nói về nghiệp duyên với nghề ảnh 3Bà cụ gần 90 tuổi vẫn tận tụy dạy học miễn phí cho học sinh khuyết tật

Nhưng những khó khăn ấy chẳng là gì so với việc dạy trẻ, cô Liên tâm sự:

“Khi đến với trung tâm các trẻ khiếm thính mặc dù được phát hiện từ nhỏ nhưng phải đến 7-8 tuổi bố mẹ mới đưa con vào, có gia đình còn vận động mãi mới cho con học vì ở nhà trẻ này còn giúp đỡ việc nhà giúp gia đình.

Đặc biệt, 100% trẻ điếc ở đây không có thiết bị hỗ trợ nghe và chưa bao giờ được đo thính lực, rất tiếc cho những bé này đặc biệt là những trẻ điếc mức nhẹ (chỉ cần một bộ tai nghe có thể thay đổi cả cuộc đời của cháu);

Còn đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ khi các cháu học đến lớp 3,4 hay thậm chí có cháu học đến lớp 7,8 mà không biết chữ nào thì gia đình mới đưa vào trung tâm vậy nên rất khó khăn khi bắt đầu can thiệp trẻ.

Có trẻ 14 tuổi mới học kỹ năng cầm bút, có trẻ đến trung tâm chưa biết đánh răng như thế nào, không biết đi vệ sinh trong bồn cầu, không hiểu tiếng phổ thông”.

Có thời điểm 1 cô dạy 18 trẻ/ lớp nên khó khăn chồng chất khiến bản thân giáo viên bế tắc, stress vì nhiều lúc không hiểu được ý nghĩ, hành vi của trẻ… những lúc như vậy chỉ cần nhìn những ánh mắt trẻ thơ, tiếng cười giòn tan của các bạn nhỏ là các cô như được tiếp thêm động lực.

Cứ như vậy, cô trò dắt nhau qua những khó khăn, cố gắng mỗi ngày để rồi có nhiều bạn đọc được chữ sau 2 năm học tập, có bạn ra học được trường phổ thông bên ngoài và được các thầy cô rất khen rất tiến bộ, có bạn đã trở thành thợ cắt tóc chuyên nghiệp sau khi học hết lớp 5….

Tất cả những thành quả ấy đã trở thành niềm vui, nguồn động viên vô cùng to lớn đối với các cô nơi đây.

“Chúng tôi luôn tự hào, lạc quan, luôn có niềm tin vào cuộc sống, vào nghề giáo này”, cô Liên vui vẻ nói.

Qua trao đổi được biết, cô Liên là giáo viên được Ban thư ký Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Lai Châu phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hiệp thương giới thiệu là gương giáo viên tiêu biểu tham gia Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2018.

Thùy Linh