Cô giáo dạy Hóa "bật mí" cách tiếp cận, dạy môn Khoa học tự nhiên

11/07/2021 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu các thầy cô muốn thích nghi thì chắc chắn cũng phải tự thay đổi mình, tự học hỏi, tìm hiểu để bắt kịp theo xu hướng mới, đó là việc rất quan trọng.

“Nếu như có chỉ đạo “đột ngột”, ngay lập tức từ năm học 2021 - 2022, giáo viên sẽ dạy môn Khoa học tự nhiên ở cấp Trung học cơ sở thì chắc chắn các thầy cô sẽ rất hoang mang. Tuy nhiên, chương trình này của Bộ được đưa ra từ năm 2018 là sẽ có định hướng thay đổi, đồng thời có bản giáo dục tổng thể cho tất cả các trường để biết định hướng đầu ra của Bộ.

Từ năm 2018 đến nay là 2021, đã có gần 3 năm để giáo viên làm quen, tìm hiểu về chương trình, có tập huấn để đáp ứng được yêu cầu dạy 3 môn này”, cô Ma Thị Cẩm Vân - Tổ trưởng Tổ Khoa học một trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Ma Thị Cẩm Vân. Ảnh: NVCC.
Cô Ma Thị Cẩm Vân. Ảnh: NVCC.

Theo cô Vân: “Hiện nay, tôi cũng chưa rõ chương trình của Bộ tấp huấn cho các giáo viên ở trường công lập thế nào, nhưng ở trường chúng tôi từ năm 2018 đã triển khai dạy theo chương trình Cambridge, chương trình này cũng là môn Khoa học tích hợp từ 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Tuy nhiên vào thời điểm đó các giáo viên cũng đang dạy đơn môn, chưa thể đáp ứng việc một giáo viên dạy được cả 3 phân môn trong cuốn sách đó. Chính về thế, năm đầu tiên ở trường chúng tôi triển khai 3 giáo viên dạy 3 phân môn đó song song trong 1 lớp nhưng giờ dạy khác nhau.

Theo phân phối chương trình, môn Khoa học có 4 tiết trong 1 tuần, tương đương với 1 tiết Vật lý, 1 tiết Hóa học và 2 tiết Sinh học, nhưng việc đánh giá giữa và cuối học kỳ sẽ là đánh giá chung, để nhìn ra được kiến thức tổng thể của học sinh thế nào? Chính vì vậy, nếu giáo viên dạy đơn môn sẽ rất thiệt thòi cho học sinh bởi khi giải quyết một vấn đề nào đó mà học sinh chỉ được giáo viên dạy Vật lý, hoặc Hóa, Sinh, giải thích, dẫn đến các con không có được sự đang dạng góc nhìn, không có được sự giải thích trọn vẹn về vấn đề đó.

Từ những bất cập đó dẫn đến việc cần phải có sự điều chỉnh về nhân sự, nên từ năm 2019 cho đến nay, chúng tôi đã được đào tạo thêm 2 chứng chỉ nữa ngoài phân môn chính, bắt nhịp vào chương trình mới, định hướng dạy môn học để đảm bảo việc một giáo viên có thể đứng lớp dạy được cuốn sách Khoa học tự nhiên đó, dạy cả 3 môn”.

Thầy cô cần phải thích nghi tốt

Cô Vân chia sẻ: “Khi giáo viên đọc nội dung chương trình khoa học mới cũng đã nhìn ra được những kiến thức đó, đây là những kiến thức nền tảng. Đặc biệt, ở cấp trung học cơ sở mang tính chất định hướng để học sinh tiếp cận, giúp các con có niềm đam mê khoa học, ở mức kiến thức chưa có sự phân hóa cao như vậy, bản thân giáo viên nếu có khả năng tự học hỏi tốt sẽ hoàn toàn đáp ứng được việc dạy này.

Thứ nhất, đã có bản kế hoạch tổng thể của Bộ đưa ra. Thứ hai, đã có những đợt tập huấn. Thứ ba, khi có những bộ sách giáo khoa bao giờ cũng có sự trao đổi, tập huấn về những bộ sách đó… bản thân giáo viên đã có kiến thức nền, nên hoàn toàn nhìn ra được định hướng tiếp cận trong bộ sách đó thế nào, chứ không phải chúng ta đang thay đổi từ nội dung này sang nội dung hoàn toàn mới, ở đây chính là thay đổi về cách tiếp cận.

Ví dụ, bản thân tôi là giáo viên dạy môn Hóa, khi tiếp cận sang Vật lý, Sinh học thì có thể nói là mới, nhưng với kiến thức nền ở cấp trung học cơ sở, tôi thấy hoàn toàn có thể đáp ứng được. Khi tiếp cận một vấn đề mới, bao giờ thầy cô cũng “tìm” ra được những cố hữu để bảo về quan điểm của bản thân, thường mọi người sẽ rất thích việc dễ thích nghi, và ngại thay đổi.

Hơn nữa, những kiến thức các thầy cô đã dạy bao năm rồi, họ sẽ tự tin với nó hơn. Từ hai vấn đề đó dẫn đến việc các thầy cô rất ngại, rất sợ thay đổi.

Nhưng nếu chúng ta nhìn về mặt định hướng tại sao lại phải thay đổi, những lợi ích của việc cần phải thay đổi…Theo quan điểm cá nhân, nếu các thầy cô cảm thấy có động lực, có ham muốn được thay đổi, để làm sao giờ lên lớp của mình giúp học sinh giải quyết mọi vấn đề, đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau. Học sinh sẽ là người hưởng những lợi ích đó, giáo viên cũng cảm thấy hạnh phúc khi có những giờ dạy chất lượng, trọn vẹn”.

Các em học sinh lớp cô Vân trong một giờ thực hành. Ảnh minh họa: NVCC.
Các em học sinh lớp cô Vân trong một giờ thực hành. Ảnh minh họa: NVCC.

Có nên tạm dừng triển khai?

Cô Vân nêu quan điểm: “Tôi thấy Bộ đang tiến hành triển khai việc này khá thận trọng, đi từ lớp 6, sau đó tổng kết đánh giá rồi mới triển khai tiếp ở lớp 7, chứ cũng không trải rộng mới, đều tất cả.

Vậy, kiến thức đang đi từ nền lớp 6 là sơ khai bậc trung học cơ sở, có thể nói là nhẹ nhàng nhất để các thầy cô tiếp cận vào, làm quen, định hình được việc giảng dạy, đó cũng là một lợi thế. Hơn nữa, việc bồi dưỡng, đào tạo…quá trình này cũng là định hướng mở để các thầy cô nhìn ra được việc bản thân cần phải thay đổi những gì, nhìn ra được những “từ khóa” để tự học hỏi, thích ứng.

Còn nếu nói phải “cầm tay chỉ việc”, với một lượng các thầy cô quá lớn như hiện nay, trong khi các chuyên gia đào tạo cho việc này chưa nhiều thì đó là một việc khó. Tôi nghĩ nếu các thầy cô muốn thích nghi thì chắc chắn cũng phải tự thay đổi mình, tự học hỏi bắt kịp theo xu hướng mới, đó là việc rất quan trọng.

Một yếu tố nữa là định hướng của lãnh đạo nhà trường, cần có hướng đào tạo, cần quyết tâm, đặt mục tiêu chất lượng giáo dục lên hàng đầu thì chắc chắn việc này sẽ thành công. Có thể nói sau gần 2 năm làm quen, vừa dạy, vừa được đào tạo, bản thân tôi cũng như các giáo viên trong trường khá tự tin khi dạy môn Khoa học này.

Còn ở nhiều trường khác thì tôi cũng không dám khẳng định, tôi biết họ cũng trăn trở bởi thời gian tập huấn chưa nhiều, ví dụ ở những thầy cô dạy lâu năm, tổ trưởng chuyên môn…cũng chưa muốn thay đổi. Trong khi nhiều giáo viên trẻ hiện nay lại thích nghi và học hỏi khá nhanh”.

Xu hướng chung toàn thế giới

Theo cô Vân: “Việc dạy tích hợp là xu hướng chung trên toàn thế giới, thứ nhất về mặt kiến thức sẽ tinh gọn hơn cho học sinh, ví dụ trước đây một chương trình của Bộ về chu trình Carbon thì trong môn Sinh cũng có chu trình này, môn Hóa cũng thế, học sinh phải học đi học lại. Như vậy dẫn đến việc chồng chéo về mặt kiến thức, không cần thiết.

Điều thứ hai cũng khá quan trọng, theo tôi, khi học sinh học môn Khoa học thì mọi kiến thức phải được gắn liền với thực tiễn, học sinh phải dùng được những kiến thức này để giải quyết những vấn đề thực tế. Nên nếu chỉ dùng 1 môn thì sẽ chỉ nhìn được 1 góc độ mà thôi, dẫn đến giải quyết vấn đề thực tế sẽ không toàn diện bằng việc các em có được kiến thức cả 3 môn, hoặc sẽ nhanh chóng giải quyết tình huống đó khi được giáo viên phân tích ở cả 3 góc độ Lý, Hóa, Sinh. Chính vì những lợi ích đó mà cá nhân tôi rất ủng hộ việc dạy tích hợp”.

Một số ý kiến cho rằng nên tạm dừng lại, chưa triển khai dạy tích hợp trong năm học này để giáo viên có thêm thời gian làm quen, học tập, cũng như chuẩn bị tốt mọi vấn đề? Có như vậy thì chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn?

Trước vấn đề này, theo cô Vân nói: “Việc dừng lại sẽ càng khó khăn, chỉ khi chúng ta thật sự bắt tay vào làm, nhìn thấy được những việc cần phải thay đổi, điều chỉnh…thì lúc đó chúng ta mới có được sản phẩm ngày càng tốt hơn. Trên tinh thần, nếu mới gặp khó khăn mà không quyết tâm làm thì sẽ không bao giờ làm được, càng lùi sẽ càng ỳ mà thôi.

Năm 2018, Bộ đã đưa ra khung chương trình rồi, vậy xin hỏi ngược lại là từ 2018 cho đến nay các thầy cô đã đọc, đã tìm hiểu và bản thân đã đáp ứng được đến đâu rồi?

Không cần phải chờ đến lúc Bộ tập huấn cụ thể nữa, bởi trước đó các thầy cô đã nhìn được định hướng, đã biết được nội dung cụ thể trong bài cần phải dạy thế nào, ngay lúc đó các thầy cô hoàn toàn có thể bắt tay vào việc tự học hỏi để thay đổi, thay vì bây giờ lại có ý kiến kêu khó, quá bất ngờ…

Một điểm tích cực nữa, trong một nhà trường, sau khi tích hợp 3 môn này, nhân sự không có gì thay đổi, trong phân phối chương trình của lớp 6 có 4 tiết 1 tuần, tổng số tiết trong cả trường nhân với 90 lớp sẽ ra con số khoảng 200 tiết học. Với 200 tiết chia đều cho từng đó giáo viên, sau khi tích hợp, vẫn 200 tiết đó với số giáo viên không thay đổi.

Từ chỗ mỗi lớp có 1 tiết, mỗi giáo viên phải nhận 20 lớp, thì nay chỉ nhận 5 lớp, như vậy thời gian của giáo viên dành cho học sinh trong 1 lớp sẽ nhiều hơn, thay vì 1 tuần chỉ vào lớp 1 lần, nay sẽ là 5 lần, thầy trò sẽ gắn bó hơn, xét ngoài kiến thức thì thầy cô sẽ thấu hiểu về học trò của mình, điều đó giúp cho việc giảng dạy, rèn luyện và giáo dục học sinh cũng sẽ tốt hơn”.

Tùng Dương