Cô giáo "cắm đảo" băn khoăn về môn tích hợp 3 thầy 1 sách

01/02/2018 07:00
Thanh Sơn
(GDVN) - “Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gây nhiều khó khăn cho giáo viên vùng xã đảo như chúng tôi đặc biệt là ở nội dung tích hợp liên môn”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hợi là giáo viên trường phổ thông cơ sở Bản Sen, xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).

Cô giáo có nhiều đóng góp cho trường cũng như hướng dẫn học sinh thi Học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016. 

Cô Hợi sinh năm 1966, đến nay cô đã gắn bó gắn bó với sự nghiệp giáo dục hơn 30 năm. Trong suốt quãng đời làm nghề giáo, cô Hợi đã dồn hết tâm huyết cho nghề nghiệp và học trò vùng biển đảo huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Còn nhớ những ngày cô Hợi mới ra đảo công tác, điện, đường không có, nước sạch cũng không, khó khăn thiếu thốn đủ bề, khiến việc dạy - học của thầy và trò càng thêm khó khăn vất vả.

Cô Nguyễn Thị Hợi thừa nhận giảng dạy bộ môn Hóa - Địa nhưng không dạy được môn Sinh (Ảnh: Báo Tiền phong)
Cô Nguyễn Thị Hợi thừa nhận giảng dạy bộ môn Hóa - Địa nhưng không dạy được môn Sinh (Ảnh: Báo Tiền phong)

Do địa bàn xã không có chợ nên đầu tuần ra đảo các cô giáo lại mang theo gạo và thức ăn dự trữ cho cả tuần.

Cuộc sống thiếu thốn về vật chất cùng với nỗi buồn phải xa người thân là khó khăn lớn nhất với những giáo viên "cắm đảo" như cô Hợi.

Đã có những lúc, cô nản lòng và định bỏ cuộc. Nhưng rồi chính sự hồn nhiên, vô tư và hiếu học của các em học sinh đã níu chân cô lại và cô đã gắn bó với vùng đất đảo này cho đến ngày hôm nay. 

Được biết, cô Hợi giảng dạy bộ môn Hóa - Địa, thường xuyên tổ chức cho học sinh ôn thi học sinh giỏi các cấp. Ngoài ra, cô còn là người sáng tạo ra nhiều hoạt động ngoại khoá thú vị cho học sinh.

Cô giáo "cắm đảo" băn khoăn về môn tích hợp 3 thầy 1 sách ảnh 2

Chục năm bám đảo, quà tết thầy cô cũng chỉ gói quà 50 nghìn đồng

Điển hình như việc cô và các em học sinh mới thực hiện đề tài “Quảng bá tiềm năng du lịch xã đảo Bản Sen”. 

Công trình nghiên cứu này đã đạt giải ba cấp huyện, với ý nghĩa thực tiễn lớn, có thể ứng dụng để tăng cường phát triển du lịch địa phương, phát triển kinh tế.

Tuy đã 50 tuổi nhưng ngay khi xã đảo có điện, cô Hợi đã tìm hiểu thêm và đi học khóa học ngắn hạn về Tin học để thành thạo trong việc soạn giáo án điện tử. 

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo 20 môn học/hoạt động giáo dục từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông để xin góp ý của xã hội trong thời gian 2 tháng và thời gian qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phân tích về việc "tích hợp" Lịch sử với Địa lý; Vật lý, Hóa học với Sinh học trong chương trình sách giáo khoa phổ thông mới bậc trung học cơ sở gây khó khăn gì cho giáo viên ở cơ sở. 

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hợi cho hay:

“Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gây nhiều khó khăn cho giáo viên vùng xã đảo như chúng tôi đặc biệt là ở nội dung tích hợp liên môn. 

Tôi giảng dạy bộ môn Hóa - Địa nhưng tôi không dạy được môn Sinh. 

Chúng tôi là những giáo viên được đào tạo đơn môn mà giờ muốn đứng lớp dạy đa môn thì cần phải được đi tập huấn, nhưng tập huấn rồi không phải ai cũng tự tin giảng dạy tích hợp liên môn

Lúc này, dư luận băn khoăn, nếu ban soạn thảo chương trình mới tự tin và quả quyết về phương án "tích hợp" Lịch sử với Địa lý; Vật lý, Hóa học với Sinh học thì cũng nên tìm cách giúp giáo viên hiểu về cách dạy tích hợp để họ an tâm công tác. 

Thanh Sơn