Cô Giàng Thị Chá ước bản làng sẽ có điện để học sinh bớt thiệt thòi

10/02/2020 06:31
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu được ước một điều cho năm 2020, cô Giàng Thị Chá mong Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm, đầu tư, đưa điện về với bản làng để thầy cô và học sinh bớt thiệt thòi.

Sinh ra, lớn lên tại xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang – đây là xã biên giới khó khăn với địa hình phức tạp, núi đá hiểm trở, Giàng Thị Chá (sinh năm 1980) từ nhỏ đã mơ ước trở thành cô giáo.

Tuy nhiên, khi đang học lớp 8, một tai họa đã ập đến với gia đình khi bố mất, mẹ đi cải tạo, Giàng Thị Chá bỏ học để nuôi em trai đang học lớp 6.

Song được bạn bè, người thân, anh chị em và các thầy, cô giáo động viên, Chá đã cố gắng học hết lớp 12. Sau khi lập gia đình và sinh con, được gia đình nhà chồng khuyến khích, Chá đã đi học lớp dạy mầm non từ năm 2003 - 2005.

Tốt nghiệp, Giàng Thị Chá được phân công về dạy lớp mẫu giáo tại thôn Seo Lử Thận, xã Pà Vầy Sủ. Đó cũng là lớp mẫu giáo đầu tiên mở tại thôn nên cơ sở vật chất còn rất khó khăn, phòng học trong diện tích chưa đầy 12m2, mái lợp cỏ rơm, xung quanh rào bằng vách tre, mỗi khi mưa gió về là cô và trò khốn đốn, không học được.

Nếu được ước một điều cho năm 2020, cô Giàng Thị Chá mong Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm, đầu tư, đưa điện về với bản làng để thầy cô và học sinh bớt thiệt thòi. (Ảnh: Thùy Linh)
Nếu được ước một điều cho năm 2020, cô Giàng Thị Chá mong Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm, đầu tư, đưa điện về với bản làng để thầy cô và học sinh bớt thiệt thòi. (Ảnh: Thùy Linh)

Cô Giàng Thị Chá kể, lớp mẫu giáo được mở đầu tiên tại thôn nên phụ huynh cũng chưa quan tâm đến việc học của con trẻ. Ngày đầu đến lớp chỉ có 3 trẻ, nên cô phải thường xuyên đến các gia đình vận động cho trẻ đến trường.

“Một số phụ huynh chưa nhất trí cho con đi học với lý do cháu còn nhỏ, nhà ở xa trường hoặc ở nhà trông em ...

Hơn nữa, ở đây, 100% các cháu là dân tộc Mông chưa hiểu được tiếng phổ thông. Cô nói gì, các cháu nói theo như thế. Ví dụ, cô nói “Con gì đây”, các cháu cũng nói theo “Con gì đây”. Tôi phải sử dụng song ngữ để dạy các cháu nói từng câu, từng chữ rồi lại phiên dịch để các cháu hiểu.

Thương học trò đi học xa, lớp học không đảm bảo nên đầu năm 2006, tôi đã tham mưu với trưởng thôn bản vận động phụ huynh làm lớp học tại trung tâm thôn để thuận tiện hơn cho học sinh đến trường.

Nhờ đó, sau kỳ nghỉ hè, các cháu đã có một lớp học đảm bảo an toàn hơn nhưng cũng chỉ là lớp học tạm, xung quanh rào bằng tre, mái nhà lập bằng cỏ gianh với diện tích khoảng 16m2.

Sau 2 tháng nghỉ hè cô trò có lớp học kiên cố hơn, gần thôn hơn, vì gần hơn nên trẻ đến lớp cũng đông hơn”, cô Chá kể. 

Chuyện về thầy giáo mầm non cõng chữ lên cao nguyên đá 

Tuy nhiên, những khó khăn trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ học trò chẳng thấm gì so với những gian nan mà thầy cô gặp phải trên đường đến trường bởi nơi đây đường đi lại khó khăn, núi đá hiểm trở, thỉnh thoảng đang đi trên đường đá vẫn lăn, thầy cô phải bỏ hết đồ, chạy thoát thân, khi chạy đến nơi xa rồi mới biết mình còn sống. 

Trên con đường này, một thầy giáo đã bỏ mạng giữa đường vì đá lăn. Nghĩ về những điều đó, cô Giàng Thị Chá đôi lần muốn bỏ nghề nhưng trên hết, tình yêu nghề, yêu những đứa trẻ đã níu kéo cô Chá ở lại và tiếp tục công tác. 

Trải qua 14 năm công tác, cô Giàng Thị Chá luôn cảm thấy tự hào khi trở thành giáo viên mầm non, được dạy học trên quê hương mình và đầu năm 2020 được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chương trình Giao lưu, tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến cấp học mầm non.

Chia sẻ về niềm vui khi nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp chăm sóc, dạy dỗ trẻ mầm non, cô Giàng Thị Chá bộc bạch: "Chúng tôi hy sinh, hết mình vì công việc và không mong đến ngày được tôn vinh, nhưng những phần thưởng như thế này là sự động viên rất lớn cho đội ngũ giáo viên mầm non trên cả nước".

Tâm sự với chúng tôi, cô Chá cảm thấy may mắn khi là cô giáo người Mông, được dạy dỗ cho chính những đứa trẻ dân tộc mình nên phụ huynh rất tin tưởng, các cháu rất thích đi học. 

Hiện nay, đường đi lại ở xã Pà Vầy Sủ còn nhiều khó khăn, đặc biệt, có 2 điểm trường chưa có điện. Vì vậy, nếu được ước một điều nhân dịp Tết đến Xuân về, cô Giàng Thị Chá mong Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm, đầu tư, đưa điện về với bản làng để thầy cô và các em bớt thiệt thòi, được học tập trong điều kiện tốt hơn.


Thùy Linh