Có địa phương không thu học phí giáo viên thi thăng hạng

30/10/2018 06:54
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Giữa “cơn bão” thăng hạng đang xảy ra trên nhiều địa phương, thế nhưng, vẫn có một nơi “bình yên” không một gợn sóng.

LTS: Bàn về câu chuyện thăng hạng giáo viên, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng chủ trương thăng hạng giáo viên đang bị nhiều giáo viên hiểu nhầm.

Đồng thời thầy cũng chia sẻ việc học thăng hạng giáo viên miễn phí tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Giữa “cơn bão” thăng hạng đang xảy ra trên nhiều địa phương, thế nhưng, vẫn có một nơi “bình yên” không một gợn sóng.

Vậy ai cần thăng hạng? Lúc mới ra đời, Thông tư số 22/2015, bị nhận thức sai, hay tuyên truyền sai; là “công cụ” để tinh giản biên chế 10%, theo chủ trương của nhà nước.

Vì vậy, giáo viên một số nơi “cuống cuồng” muốn có “tấm bùa hộ mệnh”, nên các lớp học thăng hạng nở rộ.

Học phí thăng hạng vì vậy cũng “thăng thiên”, tùy tỷ lệ % trích lại cho ban tổ chức mà “nhảy múa” từ 2,5 triệu đến vài triệu đồng.

Ngoài học phí, giáo viên đều đóng thêm tiền “quỹ lớp” để “tri ân thầy cô”, thực ra là tiền “chống trượt”.

Việc “thăng hạng” giáo viên theo chủ trương của ngành giáo dục đã bị hiểu sai. Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn
Việc “thăng hạng” giáo viên theo chủ trương của ngành giáo dục đã bị hiểu sai. Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn

Người học đóng tiền để được “thăng hạng”, người dạy vui vẻ thuyết trình, nhận thù lao khủng; ban tổ chức ân cần, có % “hoa hồng” nặng túi. Địa phương có tỷ lệ giáo viên đạt “chuẩn thăng hạng” cao; chất lượng giáo dục vẫn vậy!

Việc “thăng hạng” giáo viên theo chủ trương của ngành giáo dục đã bị hiểu sai hoàn toàn. Thông tư không sai, chỉ có người thực hiện sai; giáo viên hiểu sai.

Theo Thông tư số 22/2015, thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông công lập quy định tại điều 5, mục 2, khoản d:

Ngoài các yêu cầu về trình độ chuyên môn, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học... phải có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng I, II, III.

Cụ thể: Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số: V.07.04.102. Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số: V.07.04.113. Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số: V.07.04.12.

Do vậy, hiện nay giáo viên đều phải bắt buộc học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở, tùy thuộc vào hạng đang giữ.

Có địa phương không thu học phí giáo viên thi thăng hạng ảnh 2Giáo viên sẽ được xếp lương như thế nào sau khi thăng hạng?

Giáo viên đang giữ hạng I, không cần chứng chỉ; giáo viên có nhu cầu thăng hạng mới cần chứng chỉ bồi dưỡng.

Chương trình học, bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là những kiến thức chung: Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước; các kỹ năng chung; kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành; đạo đức nghề nghiệp...

Bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là bồi dưỡng nghiệp vụ, cho giáo viên, thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục; người tham gia, không phải đóng tiền; ngân sách nhà nước chi trả khoản này.

Bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, là công tác bồi dưỡng thường xuyên hằng năm cho giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định thu “học phí”, chương trình này.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thực hiện theo tinh thần của Thông tư số 22/2015; bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên trung học cơ sở đang hưởng lương bậc đại học (hạng II), hoàn toàn miễn phí.

Sau đợt bồi dưỡng trong hè, 100% giáo viên tham gia, đạt yêu cầu.

Cuộc sống nhà giáo, nói chung còn nhiều khó khăn. Mong rằng các chủ trương của ngành được hiểu đúng, làm đúng; đảm bảo quyền lợi cho người dạy, nâng cao chất lượng cho người học; thực sự nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.

Sơn Quang Huyến