Cơ chế xin cho chỉ tiêu tuyển sinh đang kìm hãm giáo dục

04/10/2019 06:39
Tùng Dương
(GDVN) - Việc phân chia tuyển sinh ngoài công lập có một bất cập, bất hợp lý rất lớn, vô tình đã tạo ra một cơ chế xin cho và như vậy sẽ xuất hiện rất nhiều tiêu cực.

Ngày 2/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019”.

Đến dự và trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đặng Văn Lý - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở -Trung học Phổ thông Trần Quốc Tuấn, Hà Nội, chia sẻ quan điểm: 

Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chỉ có 2 trường công lập Trung học phổ thông nhưng có tới 7 trường tư thục, việc đó gánh về ngân sách cũng rất lớn.

Tôi thấy việc phân chia tuyển sinh ngoài công lập có một bất cập, bất hợp lý rất lớn, ở đây đã tạo ra một cơ chế xin cho và như vậy sẽ xuất hiện rất nhiều tiêu cực, trong khi chính sách của Đảng và nhà nước hoàn toàn không có cơ chế xin cho.

Nhưng vô hình chung một kẽ hở đã tạo ra một cơ chế xin cho, vậy tại sao lại có ảnh hưởng và bất hợp lý với các trường tư thục như vậy?

Trường tư thục luôn đảm bảo tốt sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, không có khái niệm đúng và trái tuyến.

Phụ huynh học sinh chính là người giám sát tốt nhất so với cơ quan chuyên môn, đối với mọi hoạt động của nhà trường. Hiện nay trình độ phụ huynh rất cao với hiểu biết về nhiều lĩnh vực, nên đòi hỏi nhà trường ở mức độ cao hơn.

Trường tư thục phải tự lên kế hoạch phát triển nhà trường: Từ tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu và muốn phát triển thì phải có những cái đó, mà bây giờ lại kìm hãm thì làm sao phát triển được?

Trường tư thục phải tự hạch toán tài chính, nhà trường muốn phát triển thương hiệu thì không thể phát triển giáo viên một cách ồ ạt, mà phải tuyển giáo viên giỏi thì phụ huynh mới gửi con vào trường.

Nhà trường phải tự xây dựng cơ sở vật chất, tìm được một miếng đất mặt bằng đã khó, bây giờ số tiền xây dựng trường học, cơ sở vật chất rất là lớn, ví dụ trường công lập cần 100 máy tính thì trường tư thục phải cần gấp 3 lần, vì trường tư thục thường là 1 - 2 em học sinh một máy.

Có thể nói trường tư thục phải tự lo nguồn vốn rất lớn thì mới giữ và phát triển được thương hiệu của mình.

Ngoài ra còn phải tự xây dựng chương trình nhà trường, nếu là trường công lập thì từ trên xuống đã có chương trình của Bộ và cứ thế mà áp dụng. Ngoài ra nhà trường còn phải tự đào tạo, đã tuyển được giáo viên tốt rồi nhưng chưa đủ, còn phải đào tạo họ.

Từ những việc tự lo để thành tự chủ đó, tôi lại đặt vấn đề là giao chỉ tiêu tuyển sinh thì ngành Giáo dục có đảm bảo là cấp chỉ tiêu xong thì phụ huynh không có ý kiến gì không?

Hơn nữa ngành Giáo dục có đảm bảo khi cấp chỉ tiêu xong có công bằng hợp lý giữa học sinh và nhà trường không?

Khi ngành Giáo dục cấp chỉ tiêu cho trường tự chủ mà trường đó không tuyển sinh đủ số lượng học sinh, thì liệu có san học sinh từ khu vực khác đến không? Chắc chắn là không. Hơn ai hết chính phụ huynh và học sinh có quyền tự chủ chọn trường phù hợp với mình.

Tôi khẳng định việc cấp chỉ tiêu này không làm cho nhà trường phát triển, mà có thể còn gây những khó khăn, phức tạp đối với một trường tư thục.

Tùng Dương