Có bằng ĐH cả chục năm vẫn không được bổ nhiệm hạng II mới, mong Bộ sớm sửa đổi

04/06/2022 07:06
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Phần nhiều trong số họ có những người lớn tuổi, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không sửa đổi điều này, có những người đến khi nghỉ hưu vẫn không được xếp hạng II mới.

Ngày 20/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đã nhận được sự chú ý rất lớn của đội ngũ nhà giáo cả nước.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Giáo viên tiểu học hạng III có được chuyển sang hạng II mới?

Sau khi dự thảo được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ đã có rất nhiều bài viết của chuyên gia, giáo viên cho rằng dự thảo cơ bản đã xóa được nhiều hạn chế, bất cập của chùm Thông tư 01-04.

Những vấn đề quy định đạo đức nghề nghiệp, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, điều kiện bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới, minh chứng các tiêu chuẩn,… cơ bản đã được dự thảo sửa đổi theo hướng đơn giản hơn cho việc bổ nhiệm lương mới.

Có thể sau khi nhận được góp ý, đóng góp của nhân dân cả nước thì sau khi Thông tư sửa đổi chính thức có hiệu lực việc bổ nhiệm lương mới sẽ không quá vất vả như chùm Thông tư 01-04 vừa qua.

Tuy nhiên, theo người viết mặc dù dự thảo có nhiều điểm mới rất phù hợp, được mọi người tán đồng nhưng về vấn đề bất cập nhất, gây bức xúc nhất đó chính là việc những giáo viên trong đó có các hiệu trưởng, tổ trưởng ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có bằng đại học từ những năm 2012 đến nay vẫn xếp lương hạng IV, hạng III cũ và có thể không có cơ hội để được chuyển qua hạng II mới vẫn chưa được quan tâm.

Đến giai đoạn này đang dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 nên địa phương nào chưa thực hiện chuyển xếp lương mới thì sẽ dừng lại chờ Thông tư sửa đổi, bổ sung ban hành.

Nên, những giáo viên có trình độ đại học, thạc sĩ từ năm 2012 đến nay vẫn còn hưởng lương trung cấp, cao đẳng là một con số không nhỏ.

Họ đã thiệt thòi về lương hơn 10 năm, nhiều người là hiệu trưởng, tổ trưởng, nhiều người lớn tuổi, công tác lâu năm nhưng vẫn ngậm ngùi ở lương trung cấp, hạng III, hạng IV trong khi nhiều đồng nghiệp dù ra trường sau, không có thành tích gì vẫn ở hạng II và sắp tới sẽ được chuyển sang hạng II mới.

Khi đó, những giáo viên trên chỉ chuyển qua được hạng III mới (lương tương đương đại học) trong khi tiêu chuẩn hạng II họ đã đạt gần 10 năm vì tại Thông tư 01-04/2021 và dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 không có bất kỳ quy định nào về việc giáo viên hạng III cũ có thể được bổ nhiệm hạng II mới dù có trình độ cao, thành tích tốt hay thiệt thòi gì trong quá khứ.

Điều này là bất cập nhất của chùm Thông tư 01-03/2021 nhưng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung lần này vẫn chưa quan tâm đến đối tượng giáo viên này.

Nếu Thông tư sửa đổi, bổ sung mới bỏ qua đối tượng này, người viết cho rằng dự thảo này chưa đáp ứng mong mỏi của nhiều giáo viên.

Kiến nghị xét đặc cách cho một số giáo viên từ hạng III cũ sang hạng II mới

Số lượng giáo viên có trình độ đại học từ những năm 2012 đến thời điểm 20/3/2021 (thời điểm chùm Thông tư 01-04/2021 có hiệu lực) đến nay còn rất nhiều, những giáo viên này là bức xúc nhất.

Nếu không có những điều chỉnh, xem xét lại đối tượng đã thiệt thời hơn 10 năm, khi bổ nhiệm hạng mới họ sẽ tiếp tục bức xúc, rất khó để công tác tốt.

Một giáo viên dạy ở trường tiểu học có địa chỉ mail tranvan…..@gmail.com gửi thư về Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh một số bức xúc của mình về vấn đề trên.

Xin được chia sẻ nội dung thư của bạn đọc như sau:

“Tôi còn nhớ vào khoảng năm 2011 trở về trước, những giáo viên có trình độ trung cấp ở bậc tiểu học, sau khi nâng trình độ lên đại học được chuyển và hưởng lương đại học (có hệ số lương 2,34 – 4,98) rất dễ dàng, không cần tiêu chuẩn, hồ sơ và được xếp vào giáo viên tiểu học hạng II năm 2016 (theo Thông tư 21/2012/TTLT – BNV- BGDĐT).

Bắt đầu từ sau năm 2012, những giáo viên có trình độ cao hơn tức là cao đẳng, sau đó nâng lên đại học nhưng không được hưởng lương đại học mà vẫn hưởng lương cao đẳng (có hệ số lương 2,10-4,89) và năm 2016 được bổ nhiệm, xếp vào giáo viên tiểu học hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) thật bất công.

Thời gian đó, những giáo viên có trình độ trung cấp nâng lên đại học từ những năm 2012 thì vẫn không được hưởng lương đại học hay cao đẳng mà tiếp tục hưởng lương trung cấp và bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng IV (hệ số lương 1,86-4,06) đến thời điểm này cũng vô cùng bất công.

Thật rất bất công cho những giáo viên tiểu học hạng IV, III bởi vì theo dự thảo lần 2 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2021/TTBGD-ĐT ban hành vào ngày 20/05/2022 vừa qua, mặc dù giáo viên tiểu học hạng IV, III cũng có trình độ đại học và có thời gian giữ hạng III và tương đương đủ 9 năm nhưng không được chuyển sang hạng II mới mà phải sau khi được bổ nhiệm sang hạng III mới rồi mới được thi hoặc xét thăng hạng lên hạng II mới.

Trong những giáo viên tiểu học hạng IV, III cũ, chúng tôi đã có bằng đại học hơn 10 năm, có đủ văn bằng, đủ tiêu chuẩn giáo viên hạng II rất lâu nhưng không được chuyển qua hạng II mới thì rất bất công trong đó có cả những người là hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, nhiều người có thành tích xuất sắc.

Trong khi đó, việc thi, xét thăng hạng thì chuyện này không dễ chút nào vì kết quả có thể không như mong đợi (thi không đạt), phải đợi Ủy ban nhân dân huyện/tỉnh có chỉ đạo tổ chức thi hoặc xét thăng hạng hàng năm và quan trọng những giáo viên hạng III mới phải nằm trong phương án bổ nhiệm của nhà trường khi muốn chuyển lên hạng II mới.

Không những vậy, những giáo viên hạng III mới muốn được chuyển qua hạng II mới phải nằm trong chỉ tiêu qui hoạch % các hạng của Ủy ban nhân dân tỉnh. Nhiều địa phương đã ban hành cơ cấu giáo viên hạng I 5%, hạng II 15%, hạng III 80% nên những giáo viên dù có trình độ đại học hơn 10 năm vẫn không có cơ hội được lên hạng II vì đã hết chỉ tiêu.

Trong khi những giáo viên tiểu học hạng II cũ sẽ được chuyển sang hạng II mới quá dễ dàng, theo dự thảo cũng chỉ có cần trình độ đại học và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề đủ 9 năm là sẽ được chuyển qua hạng II mới có hệ số lương từ 4,0-6,38.

Chúng tôi chỉ biết kêu trời.

Theo dự thảo, giáo viên tiểu học hạng II mới sau khi được bổ nhiệm mới thực hiện những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II nhưng không phải tất cả những giáo viên tiểu học hạng II nào cũng thực hiện những nhiệm vụ này. Họ được hưởng hạng II mới nhưng cũng thực hiện những nhiệm vụ giống như giáo viên tiểu học hạng III, thậm chí có giáo viên vi phạm, bị kỷ luật vẫn nghiễm nhiên ở hạng II mới, hưởng lương cao vì không có bất kỳ văn bản nào quy định việc xuống hạng.

Rất mong Tòa soạn đăng tải bức thư là bức xúc của bản thân và nhiều giáo viên đang hưởng lương hạng III, IV có trình độ đại học hiện nay.”

Bức tâm thư của bạn đọc gửi Tòa soạn là bức xúc lớn không chỉ của giáo viên tiểu học mà cả các cấp mầm non, trung học cơ sở có trình độ đại học, đang thực hiện nhiệm vụ giáo viên hạng II thậm chí hạng I nhưng vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng hiện nay.

Phần nhiều trong số họ có những người lớn tuổi, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không sửa đổi điều này, có những người đến khi nghỉ hưu có thể vẫn không được xếp hạng II mới.

Tại Điều 41 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về trường hợp được xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 32 Nghị định 115 được xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh có yêu cầu về hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn.

Do đó, người viết rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung điều này vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 để giáo viên hạng IV, III cũ đạt các tiêu chuẩn hạng II, thực hiện nhiệm vụ giáo viên hạng II thì được bổ nhiệm hạng II mới theo trường hợp xét đặc cách thăng hạng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam