Có ai biết, lo ăn bán trú cho học sinh nông thôn như thế nào không? (Kỳ 2)

21/11/2015 07:54
Lê Văn Vỵ
(GDVN) - Lo cho các cháu ăn vất vả 5 thì lo ngủ trưa vất vả 10. Với giáo viên dạy trường bán trú chỉ mong an lành, “học trò an lành thì mình cũng an lành.

Phòng, bàn học thành chỗ nghỉ trưa

Tôi đã từng chứng kiến không ít lần vào buổi trưa trời nắng nóng, cô và học trò “tự nhốt” nhau trong một căn phòng vừa hẹp, vừa nóng, vừa bức bối. Cửa thì khóa vì sợ các cháu chạy ra ngoài không kiểm soát được. 

Tiện nghi nằm chỉ là mấy sạp giường và chiếc chiếu. Mùa hè cũng như mùa đông, nóng cũng như lạnh, mưa cũng như nắng, cứ buổi trưa là cô trò quây trong căn phòng mấy chục mét vuông ấy. “Nói là ngủ trưa, nhưng hầu hết các cháu nằm im thin thít mà không ngủ”, cô Trần Thị An (Cẩm Xuyên) cho biết.

Có ai biết, lo ăn bán trú cho học sinh nông thôn như thế nào không? (Kỳ 2) ảnh 1
Hai trong 1: Phòng học thành phòng nghỉ; bàn học thành phản nằm tại trường tiểu học Tùng Ảnh, Đức Thọ (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Chỉ có một số trường ở thành phố Hà Tĩnh hoặc các thị trấn, thị xã có phòng học, phòng ngủ riêng cho các cháu. Nhưng hầu hết các trường đều sử dụng phòng “2 trong 1” vừa học, vừa ở đã gây nên tình trạng lộn xộn, bất tiện nhưng chưa có cách nào thay thế. 

Hiện tại mới chỉ có trường Tiểu học Tùng Ảnh, nhà trường sáng tạo bằng cách mua loại bàn “2 trong 1” ghép lại thì thành bàn học, mở ra thì thành phản ngủ, rất tiện lợi nhưng giá thành thì hơi cao. 

Khi chưa có phòng nghỉ trưa riêng nên hầu hết các Nhà trường đều lấy phòng học làm phòng nghỉ cho các cháu.

Có ai biết, lo ăn bán trú cho học sinh nông thôn như thế nào không? (Kỳ 2) ảnh 2
Phòng học vừa là phòng nghỉ trưa của các cháu Mầm non Đức Yên, Đức Thọ (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Khó khăn hơn cho trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều, huyện Đức Thọ khi ăn xong thì các thầy cô giáo phụ trách phải dắt học sinh xuống dãy nhà của UBND xã để nghỉ trưa. 

Thầy Phùng Thanh Bình- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Vì thiếu cơ sở vật chất nên trường chúng tôi bố trí các cháu ăn, học ở trường nhưng nghỉ, ngủ trưa phải di chuyển đến địa điểm khác. Trời nắng còn đỡ, trời mưa thì vất vả lắm”. 

Áp lực công việc

Có phải nói ngủ là ngủ đâu. Ở lại bán trú trường bao nhiêu là phức tạp, bao nhiêu chuyện xảy ra. Nào là có cháu nghịch quậy phá, có cháu đòi ị, đòi đái, có cháu kêu đau bụng. 

Vậy là một mình cô phải ứng xử một cách nhanh nhẹn, kịp thời, hoạt bát và rất nhẹ nhàng. Hôm trước, có cháu ị ra quần, khi đưa cháu ra nhà vệ sinh do sơ ý quên đóng cửa lớp nên cả lớp ùa chạy theo…
”, cô Phan Anh Huệ (Hương Khê) chia sẻ. 

Có ai biết, lo ăn bán trú cho học sinh nông thôn như thế nào không? (Kỳ 2) ảnh 3
Cô Lê Thị Ái (giáo viên trường Mầm non Đức Yên, Đức Thọ) vừa lo cho các cháu nghỉ trưa, vừa chăm sóc cho cháu Huyền Trang vệ sinh trong bô (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Cùng hoàn cảnh đó, cô giáo Bùi Thị Bích Ngọc (giáo viên trường Mầm non Thị trấn Phố Châu) kể: “Toàn trường có 18 lớp nhưng chỉ có 34 giáo viên nên có 2 lớp chỉ có 2 cô phụ trách. Vừa rồi có cô giáo nghỉ sinh khiến một cô xoay cho 38 cháu ăn, ngủ đến nhoài cả người. Từ khi dạy Mầm non đến nay các cô giáo đều không biết nghỉ trưa là gì”. 

Không những thế mà công việc gia đình cũng dần phó mặc cho chồng cho con. Nếu chồng công tác xa hay không may mắn không lập gia đình thì nỗi cơ đơn càng tăng lên gấp bội. 

Không những thế, dạy ở trường bán trú còn chịu áp lực về thời gian: “Sáng rời nhà từ tinh mơ, chiều 5 giờ 30 tan trường nhưng phải chờ phụ huynh đến đón hết học sinh thì mới về. 

Về nhà rồi cũng ăn không ngon, ngủ không yên vì nhiều đêm phụ huynh gọi điện than vãn thậm chí la mắng thì coi như thức trắng đêm
”, cô Phùng Thị Kim Nhung- Hiệu trưởng  Mầm non Nam Hồng, Hồng Lĩnh chia sẻ.

Cho nên với giáo viên dạy trường bán trú chỉ mong an lành, “học trò an lành thì mình cũng an lành”, cô Nhung tâm sự thêm. 

Lê Văn Vỵ