Chuyện giáo viên “xin của” và những chuyến xe chở đầy yêu thương

27/08/2020 11:52
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Đi vào các điểm trường, chứng kiến chặng đường các em đi học, suất ăn dắt lưng chỉ có cơm trộn với bột canh xin được mà thương tới trào nước mắt”, cô Lan kể.

Chỉ còn vài ngày nữa là học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới. Có lẽ năm học này của thầy trò vùng miền núi tỉnh Lai Châu sẽ khó khăn vất vả hơn những năm trước bởi khi dịch Covid-19 xảy ra kinh tế ở nhiều nơi gặp khó khăn, vì thế mà kế hoạch xin tài trợ cho học sinh lại càng khó khăn hơn.

Đó cũng là nỗi trăn trở của các thầy cô giáo đang làm công tác vận động thiện nguyện, kêu gọi ủng hộ giúp học sinh vùng cao đến trường.

Mọi người thường nói vui với nhau rằng các thầy cô là những người đi "xin của". Đó không phải là nhiệm vụ công tác các thầy cô vùng núi được giao mà là trách nhiệm tự gắn vào mình bằng cái tâm nghề giáo.

Dạy học vùng cao đươc 8 năm, thì cũng chừng đấy thời gian cô giáo Đinh Thị Lan, giáo viên Trường Tiểu học Nậm Manh, xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu tham gia vào hành trình đi “xin của” để “trồng người”.

Trường Tiểu học Nậm Manh chủ yếu học sinh hai dân tộc Mông và Khơ Mú. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trường Tiểu học Nậm Manh chủ yếu học sinh hai dân tộc Mông và Khơ Mú. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đi xin gạo cho học sinh được no bụng đến trường

Sinh năm 1990, gắn bó với công tác giáo dục vùng cao được 8 năm và cũng chừng ấy thời gian cô Lan tham gia vào công tác vận động thiện nguyện giúp học sinh đến trường.

Trường Tiểu học Nậm Manh chủ yếu là học sinh hai dân tộc Mông và Khơ Mú. Các năm trước, những ngày đầu tháng 8 số gạo trong kho thường đã đầy, các thầy cô chỉ tập trung làm công tác vận động học sinh đi học, trở lại trường.

Riêng năm nay, mặc dù các thầy cô đã xin tài trợ từ rất sớm nhưng số gạo trong kho chỉ mới được hơn nửa so với năm trước, một phần là do dịch bệnh xảy ra nên nhiều nơi cũng gặp khó khăn, không trợ giúp được như trước đây.

Dù vậy, cô Lan và các đồng nghiệp vẫn kiên trì hàng ngày đi vận động tài trợ, bởi phía sau còn rất nhiều học trò đến từ các gia đình khó khăn. Đối với giáo viên vùng cao, việc khó khăn nhất là vận động học sinh đi học. Tiêu chí hầu hết đồng bào dân tộc đồng ý cho con em đến trường đầu tiên là phải được ăn no.

Đời sống quay quắt cứ thiếu trước hụt sau nên rất nhiều gia đình không cho con em đến trường, vì nếu đi nương làm việc sẽ lo cho được mấy miệng ăn lớn tuổi trong nhà.

Vậy nên phải thật sự chân thành, cam kết rằng không chỉ biết chữ, biết đọc, biết viết mà con em họ phải được ăn no, phụ huynh mới đồng ý cho học sinh đi học.

Học sinh vùng cao bên cuốn sách cũ có được qua những lần "đi xin" của các thầy cô giáo. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Học sinh vùng cao bên cuốn sách cũ có được qua những lần "đi xin" của các thầy cô giáo. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô giáo trẻ nhớ đến những chuyến xe chở gạo lên bản của mình: “Để phụ huynh tin tưởng cho con em đến trường, giáo viên miền núi rất vất vả. Lúc đầu, phụ huynh họ không nghĩ thầy cô chúng em làm được. Nên có những học sinh không chịu đi học, thầy cô giáo đã đến tận nhà chở ra điểm trường, đến trưa lại bỏ về nhà.

Sau này, các em biết bữa trưa được ăn cơm mới không bỏ về nữa. Từ đó phụ huynh mới tin tưởng cho học sinh đi học, ở lại trường. Em đã từng chở những tải gạo xin được lên các điểm trường cách nhau gần cả trăm cây số.

Trên miền cao này, ngày nắng thì như giáp mặt với mặt trời, nóng như thiêu, như đốt. Mùa đông thì rét như cắt da cắt thịt, toàn thân tê cứng, sương mù dày đặc đến không thấy cả người đối diện giáp mặt.

Rất nhiều tải gạo chúng em vận chuyển bằng xe máy từ hai ba giờ sáng trong mùa đông, tay lạnh cứng tưởng chừng không bóp nổi phanh xe nữa. Cả chặng đường đi chỉ nhớ đến hình ảnh những đứa trẻ được no bụng khi đi học con chữ, bao nhiêu khó nhọc bỗng hóa thành niềm vui”.

Trước đây, xã Nậm Manh nơi cô Lan dạy học thuộc vùng 3, nên học sinh đến trường được hưởng chế độ bán trú hoàn toàn, được cấp gạo và tiền ăn hàng tháng. Thế nhưng từ năm 2017 cả xã chỉ còn hai bản thuộc vùng 3, có 48 học sinh được trợ cấp toàn bộ, số học sinh còn lại thuộc vùng 2 nên chỉ còn được cấp tiền không còn gạo (được hỗ trợ kéo dài tới tận đầu năm 2019 mới bỏ chế độ cấp gạo, chỉ còn hỗ trợ tiền ăn).

Như vậy là 203 học sinh chỉ được nhận trợ cấp tiền ăn khi tới trường, còn gạo thì các thầy cô phải đi vận động xin tài trợ, bởi do thói quên tập quán nên nhiều gia đình chỉ đồng ý cho con đến trường nếu chúng được ăn no, nếu không thì họ sẽ bắt con ở nhà đi làm nương rẫy.

Những câu chuyện thiếu ăn, thiếu mặc ở vùng cao không còn là chuyện lạ nữa, nhưng thật xót xa vì chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết.

“Trên này không có học sinh mắc bệnh béo phì như thành phố. Gạo thầy cô còn phải chạy ăn cho các em từng bữa thì làm sao thừa chất được. Có em đi học còn mang em bé đi cùng. Đến trường chỉ có suất cơm của chị, các cô thương lắm, lại dành phần cơm của mình cho học sinh.

Phải đi vào các điểm trường, chứng kiến chặng đường các em đi học, xuất ăn dắt lưng chỉ có cơm trắng trộn với bột canh xin được mà thương tới trào nước mắt”, cô Lan ngậm ngùi kể.

Giáo viên thường xuyên thồ hàng trên những con đường lầy lội để học sinh có bữa ăn no thì phụ huynh mới đồng ý cho con đến trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giáo viên thường xuyên thồ hàng trên những con đường lầy lội để học sinh có bữa ăn no thì phụ huynh mới đồng ý cho con đến trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Lan kể: "Thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng nhà trường còn viết thư ngỏ gửi tới các nhóm tình nguyện cảm ơn và mong nhận được sự trợ giúp. Trên trường em không ai ngại đi xin chị ạ. Chỉ cần các con có cơm ăn đủ bữa hàng ngày, thầy cô nguyện biến thành những người ăn xin chân chính".

Ngoài vận động hỗ trợ gạo, thầy cô giáo ở Nậm Manh cũng như những thầy cô vùng cao khác còn đi xin quyên góp sách vở, giày dép, quần áo cũ cho học sinh đi học. Không biết đã có bao nhiêu lớp học sinh vùng cao có được con chữ nhờ công “đi xin” của những nhà giáo như cô Lan và đồng nghiệp.

Công tác giáo dục miền cao có những nỗi khổ không được đặt tên, đối với cô giáo lại càng vất vả khi môi trường làm việc của họ xa con, xa gia đình.

Từ nhà cô giáo Lan vào điểm trường 12 cây số. Khi hai đứa con của cô Lan còn bé, mỗi ngày cô phải đi lại 3 lần trên quãng đường ấy để làm tròn trách nhiệm của một người mẹ và lương tâm của một người thầy.

Cứ đến lúc các học sinh nghỉ ăn trưa, nhờ cậy đồng nghiệp trông lớp, cô Lan vội về với con vì bầu ngực căng tràn sữa mẹ. Nhiều lần về vội rồi đi, quên cả ăn uống để kịp giờ lên lớp mà dẫn đến kiệt sức.

“Đồng nghiệp của em trên này nhiều cô chưa lập gia đình vì e ngại không được gia đình thông cảm, chia sẻ. Nhiều cô giáo vùng cao như chúng em cũng mong có mái ấm gia đình, nhưng nghĩ đến lập gia đình thì nhiều người sợ không được cảm thông với sự nghiệp trồng người còn nhiều khó khăn ở đây.

Bản thân em cũng rất vất vả để cân đối được việc gia đình và việc trường lớp. Hai vợ chồng em ở riêng, ông bà không ở cùng. Nhưng em rất may mắn vì được chồng thấu hiểu nên ủng hộ vợ hết mình. Rất buồn, không phải ai làm nghề dạy học vùng cao cũng có được may mắn ấy”, cô Lan tâm sự.

Hai đứa con được gửi trẻ từ khi còn bé để mẹ còn đi dạy những học trò nhỏ ở bản xa, dù xót con vô cùng nhưng vì trách nhiệm của người làm thầy nên khó khăn đến mấy cô Lan vẫn cố gắng hoàn thành công việc được giao bằng cả sự chân thành, tận tụy.

Khi chuyến xe thồ hàng vào được tận trường trong bản thì cũng là lúc cả cô và trò lấm lem bùn đất từ đầu đến chân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Khi chuyến xe thồ hàng vào được tận trường trong bản thì cũng là lúc cả cô và trò lấm lem bùn đất từ đầu đến chân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những chuyến xe chở đầy yêu thương

Đối với nghề đi “gieo chữ” vùng sâu xa, “thầy cô phải không nghĩ tới đồng lương nhận được cuối tháng. Hạnh phúc của thầy cô giáo bám bản đơn giản lắm. Là xin được thêm gạo, là đón được một xe máy dưới xuôi lên đây mà đầy sách vở, quần áo, dày dép cũ”.

Những thứ tưởng chừng đơn giản ấy là cả một sự nỗ lực lớn lao của các thầy cô giáo vùng cao. Lớp học ở xã Nậm Manh cũng giống như nhiều lớp học ở những miền xa xôi của Tổ quốc, giản đơn và thiếu thốn đủ bề.

Vào mùa lũ có khi bị nước tràn hết vào lớp học. Cát sỏi, bàn ghế, sách vở cứ thế lẫn hết vào nhau. Có những trận lũ ập đến bất ngờ không kịp di chuyển, số gạo xin được trong kho cũng chìm vào biển nước.

Thế nhưng, thứ duy nhất các cô mong mỏi sau mỗi đợt lũ đi qua chỉ là đủ sĩ số ở lớp. Thiên tai đi qua và học sinh bình an quay trở lại trường.

Hình ảnh các thầy cô bám bản quấn xích sắt vào bánh xe để không trơn trượt đường mưa chẳng còn xa lạ với bà con nơi đây. Người ta chứng kiến cảnh con mình đến trường được học, được ăn, được chăm sóc bởi thầy cô bằng sự chân thành tình nguyện mà ấm lòng tin tưởng.

Thầy cô giáo ở đây đặt tên cho những con đường trời mưa, lầy lội, cắm xích là “đặc sản”, bởi nếu đã đến một lần sẽ chẳng bao giờ quên nổi hành trình vượt qua những con đường gập ghềnh, trơn trượt, lầy lội, vũng bùn nối tiếp vũng bùn...

Những cung đường “đặc sản” khó quên ấy đã trở nên quen thuộc với từng thầy cô giáo đang ngày đêm cống hiến ở ngôi trường Nậm Manh. Quen đến từng điểm xóc, từng vũng lầy và cả những nơi đã từng trượt ngã. Dù vất vả, các thầy cô đều vui và hạnh phúc vì sau mỗi hành trình khó khăn ấy là học sinh lại có thêm đồ dùng, có thêm gạo, sách vở, quần áo...

Để những chuyến xe chở đầy đồ dùng (xin được) lên bản, không ít lần cảm đám học trò lít nhít đã phải xúm lại đẩy xe cho thầy cô. Khi chuyến xe thồ hàng vào được tận trường trong bản thì cũng là lúc cả cô và trò lấm lem bùn đất từ đầu đến chân.

Ấy thế mà ai cũng vui! Vui vì có đồ mới. Vui vì các em lại được ăn no, mặc ấm một thời gian nữa!

Cô Lan trải lòng: “Nếu cho em lựa chọn lại công việc của mình, em vẫn quyết tâm làm cô giáo bám bản. Trên này không chỉ mình đi dạy học sinh mà học sinh dạy mình rất nhiều thứ. Sự thiếu thốn ở đây khiến thầy cô giáo bám bản trưởng thành, mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Nhưng em nghĩ nghề trồng người, càng vất vả, quả lại càng ngọt. Đi xin không có gì đáng xấu hổ, chỉ xấu hổ khi không làm tròn trách nhiệm của một người thầy. Làm thầy là phải lo được cho học sinh của mình”.

Lại một mùa khai giảng nữa đang đến, sẽ có nhiều chuyến xe lên bản với học sinh vùng miền núi cao bởi sự nỗ lực của thầy cô giáo nơi đây, “xin của” để hoàn thành nghĩa vụ trồng người.

Dù những con đường lên điểm trường còn xa, sự thiếu thốn ở mỗi địa phương còn dài, nhưng sự chân thành, tận tụy của thầy cô bám bản vẫn đang nối dài những chuyến xe chở đầy yêu thương.

Cao Kim Anh