“Chuyển giao quyền lực êm thấm là điều tốt đẹp cuối cùng bà Phượng nên làm”

14/11/2016 08:49
Phương Linh (ghi)
(GDVN) - Đã đến lúc cuộc chiến này nên dừng lại. Không có ai nên ở vị trí lãnh đạo mãi mãi. Chuyển giao quyền lực êm thấm là điều tốt đẹp cuối cùng bà Phượng nên làm.

LTS: Mới đây nhất, UBND TP.Hồ Chí Minh đã có văn bản công nhận Hội đồng quản trị mới của Trường Đại học Hoa Sen, do PGS.TS Lưu Tiến Hiệp làm Chủ tịch. Điều này cũng có nghĩa Hội đồng quản trị cũ tồn tại không còn giá trị.

Tuy nhiên, mới đây, khi Hội đồng quản trị mới đến làm việc với Hội đồng quản trị cũ của trường, thì không ai trong lãnh đạo cũ ra tiếp và làm việc, dù lãnh đạo mới đã gửi thư mời từ trước qua bưu điện.

Trong quá trình làm việc ở trường, các thành viên trong Hội đồng quản trị mới đã liên tục bị các nhân viên của trường làm khó, ngăn cản.

Đỉnh điểm là ngắt toàn bộ hệ thống thang máy, để các thành viên Hội đồng quản trị phải đi bộ từ trệt lên lầu 8.

Một điều đáng nói khác, có rất đông sinh viên chờ sẵn đoàn làm việc khi đi lên phòng họp lầu 9.

Những sinh viên này liên tục đưa ra những lời la ó, bảng biểu ngữ chống đối, hát bài hát về Hoa Sen rất to.

Ngay sau đó, TS. Trần Vinh Dự đã đưa ra nhận định về vấn đề này trên trang cá nhân của mình như sau: Đã đến lúc, cuộc chiến này nên dừng lại. Không có ai nên ở vị trí lãnh đạo mãi mãi.

Hội đồng quản trị mới của Hoa Sen làm việc tại phòng họp lầu 9 chiều 11/11 (ảnh: P.L)
Hội đồng quản trị mới của Hoa Sen làm việc tại phòng họp lầu 9 chiều 11/11 (ảnh: P.L)

Được sự đồng ý của tác giả, tòa soạn trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết này.

CUỘC CHIẾN HOA SEN

Tôi có dịp gặp Tiến sĩ Bùi Trân Phượng trong nhiều dịp.

Có lần tại diễn đàn của UNESCO, khi chúng tôi là các diễn giả.

Có vài lần tại văn phòng của bà tại trụ sở Đại học Hoa Sen.

Có lần trên xuồng máy chạy dọc sông Sài Gòn cùng các bằng hữu khác. Cái tôi cảm nhận được ở bà là sự nhẹ nhàng và tinh tế trong cách giao tiếp. Phong cách của bà vừa kết hợp nét Á Đông lẫn chất lịch lãm của văn hóa Pháp.

Trong lần đầu tiên gặp bà tại hội thảo UNESCO, tôi có bắt chuyện. Cảm giác đầu tiên của tôi là bà khá kín tiếng, hơi tỏ ra e dè, thậm chí phòng thủ.

Có lẽ vì tôi là người lạ.

Sau này, khi có dịp trao đổi với bà nhiều hơn, tôi mới có dịp được hiểu nhiều hơn về cách suy nghĩ và kỳ vọng của bà.

Ở tuổi 67, tuổi mà những người phụ nữ Việt Nam đã về hưu từ rất lâu, bà vẫn lãnh đạo trường Hoa Sen với tư cách hiệu trưởng, vị trí mà bà đã nắm quyền từ nhiều năm, với quyền lực gần như tuyệt đối.

Mỗi lần nói về Hoa Sen, dường như bà trở thành một con người khác hẳn. Bà có thể nói hàng giờ mà không cần ngừng nghỉ.

Bà nói về câu chuyện tranh đấu với các cổ đông trong “nhóm 30”, câu chuyện các vụ kiện mà bà và các cộng sự theo đuổi, câu chuyện xin cơ chế “phi lợi nhuận” cho trường…

Trong các câu chuyện này, tôi hiểu rằng phần lớn các cổ đông của trường muốn bà ra đi từ hồi năm 2014.

Khi đó, họ tổ chức một đại hội cổ đông bất thường với mục đích để bãi nhiệm Hội đồng quản trị, và ghế hiệu trưởng của bà.

Một Hội đồng quản trị mới được lập ra, đứng đầu là PGS. TS. Lưu Tiến Hiệp, một học giả uyên bác và cũng là một trong những người sáng lập trường.

Bên cạnh ông là một đội ngũ hùng hậu những học giả từng là cán bộ của trường, và bị bà gạt ra khỏi guồng máy tại những thời điểm khác nhau, kèm theo nhiều trí thức mới thuộc nhóm trẻ, như Huỳnh Minh Việt, người từng tốt nghiệp MBA của ĐH Harvard.

Để chiến đấu với họ, bà đã đi bằng hai con đường.

Cả hai con đường đều cực kỳ thông minh.

Con đường thứ nhất là theo đuổi mô hình phi lợi nhuận. Bà dựa vào một điều lệ từ rất lâu của trường ghi rằng trường “không vì lợi nhuận”, và dựa vào một nghị định được Thủ tướng thông qua hồi đầu năm 2015 về quy chế của “đại học phi lợi nhuận”.

Theo nghị định mới này, nếu biến Hoa Sen thành trường phi lợi nhuận, bà sẽ vô hiệu hóa được các cổ đông, trở thành người nắm quyền lực tuyệt đối, bất khả xâm phạm.

Chiến lược của bà là ghép hai khái niệm này lại, cho rằng cái khái niệm “không vì lợi nhuận” của Hoa Sen thời xưa với khái niệm đại học “phi lợi nhuận” ngày nay của Thủ tướng là một.

Từ đó cho rằng nghiễm nhiên các cổ đông đã đồng ý từ xưa, không cần phải có ý kiến lại.

Bà vì thế, nộp đơn yêu cầu từ Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục, tới Ủy ban Nhân dân công nhận Hoa Sen là trường phi lợi nhuận.

Đây là một cách tiếp cận quá khôn ngoan, nhưng không dựa theo luật.

Nghị định của thủ tướng quy định cần 75% số phiếu bầu của cổ đông nếu muốn trường chuyển thành phi lợi nhuận.

Dĩ nhiên bà không có điều đó.

Và vì thế, các cấp chính quyền không ai ủng hộ bà.

Con đường thứ hai là việc phủ nhận tính hợp pháp của đại hội cổ đông bất thường hồi năm 2014 là không đúng luật.

Bà đã kiên trì theo đuổi các vụ kiện nhằm chứng minh rằng không có đủ số phiếu tham dự đại hội bất thường này, vì vậy Hội đồng Quản trị mới mà nó bầu ra không hợp lệ.

Trong giáo dục, hội đồng quản trị của trường Đại học cần phải được Thành phố chấp thuận.

Mục đích bà theo đuổi các vụ kiện này là nhắm vào để Thành phố không chấp thuận Hội đồng quản trị mới do đại hội cổ đông bất thường bầu ra. Từ đó, họ không có quyền bãi nhiệm bà.

Các vụ kiện kéo dài nhiều năm.

Bà đã thua phiên sơ thẩm. Bà kiện lại phiên phúc thẩm, nhưng cuối cùng vẫn thua.

Lần cuối tôi gặp bà là khoảng vài tháng trước. Nhìn bà mệt mỏi hơn, nhưng tinh thần của bà còn rất cương quyết.

Có vẻ bà muốn đấu tới cùng.

Tới hôm nay, sau khi dạo quanh một vòng trên báo chí.

Tôi được biết Thành phố đã công nhận Hội đồng Quản trị mới do đại hội cổ đông bất thường năm 2014 bầu ra.

Điều đó có nghĩa cuộc chiến đã kết thúc.

Hội đồng Quản trị mới sẽ thực hiện chức năng do pháp luật công nhận.

Điều này có vẻ như không thể chấp nhận được đối với Tiến sĩ Bùi Trân Phượng.

Báo chí lại bắt đầu đăng nhiều bài nói về cuộc phản kháng của bà đối với chính quyền.

Bà cho rằng chính quyền đã sai, đã bất công khi không đứng về phía bà.

Câu chuyện cuộc chiến của bà hao hao giống cuộc chiến ở nhiều trường Đại học khác tại Việt Nam.

Cuộc chiến kiểu này làm suy kiệt chính ngôi trường mà họ đã đóng góp xây dựng.

Sau hơn 2 năm kiên trì đấu tranh, bà đã để lại một Hoa Sen đang trên đà suy thoái.

Nhiều người giỏi đã ra đi.

Số lượng tuyển sinh giảm mạnh.

Báo chí truyền thông ngập những bài tiêu cực nói về Hoa Sen từ cả hai phía.

Cũng dễ hiểu cho bà, vì nếu sức lực và thời gian dành vào việc đấu tranh, sẽ không thể tập trung vào việc điều hành như trước.

Không ai có thể làm giỏi tất cả mọi thứ cùng một lúc.

Ai đúng, ai sai? Tôi không có ý định bình luận. Chuyện đó đã có tòa án và chính quyền đứng ra xem xét.

Về cá nhân, tôi chỉ thấy chạnh lòng.

Đối thủ của bà, PGS.TS. Lưu Tiến Hiệp, cũng là một người rất đáng kính và uyên bác.

Ông đã bị cuộc chiến này tước đoạt vai trò thực sự của mình (Chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu từ năm 2014) trong suốt 2 năm qua.

Các cộng sự của ông cũng vậy.

Họ đều là những người giỏi, đầy tâm huyết, và kiên nhẫn cao độ.

Họ xứng đáng có một cơ hội.

Vì thế, có lẽ đã đến lúc cuộc chiến này nên dừng lại.

Không có ai nên ở vị trí lãnh đạo mãi mãi.

Bà cũng đã gần 70 tuổi, đã có quá nhiều năm trên vị trí lãnh đạo trường.

Cuộc chiến này cũng đã làm tổn hại quá nhiều cho Hoa Sen và cho chính các sinh viên đã và đang học tại đây.

Trao cho họ cơ hội và đặt lòng tin vào đội ngũ lãnh đạo mới, chuyển giao quyền lực một cách êm thấm, có lẽ là điều tốt đẹp cuối cùng bà nên làm cho Hoa Sen, ngôi trường mà cả bà và PGS.TS. Lưu Tiến Hiệp cùng lớp lớp các thế hệ cán bộ, cổ đông khác cùng góp công xây dựng.

Phương Linh (ghi)