Chuyên gia VNEN khuyên, nếu phụ huynh không chấp nhận mô hình này thì thôi

02/09/2017 07:08
Trung Hiếu
(GDVN) - Hy vọng quyền tự quyết tương lai VNEN được trao cho các phụ huynh có con em học mô hình này, như thầy Thành khẳng định. Mong lắm thay!

Trước thềm năm học mới, chương trình Vấn đề hôm nay, Ban Thời sự đài Truyền hình Việt Nam ngày 30/8 có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, nguyên Giám đốc Dự án Trường học mới Việt Nam (VNEN). [1]

Trong cuộc trao đổi giữa thầy Lê Tiến Thành và nhà báo - biên tập viên của VTV, câu chuyện các tỉnh áp dụng mô hình VNEN "cứ rơi rụng dần" đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ.

Tiêu đề của chương trình Vấn đề hôm nay ngày 30/8 là: “VNEN hay không?”

Chủ và khách bình luận xoay quanh 2 khía cạnh của câu hỏi được đặt ra.

Một là VNEN có ưu việt thực sự hay không?

Sau màn trao đổi, hai vị đều kết luận, nếu VNEN "chuẩn", VNEN "thật", đúng với tinh thần của nó thì có ưu việt hơn hẳn cách dạy học thụ động, thầy đọc trò chép.

Hai là, có nên tiếp tục VNEN hay không?

Ảnh chụp màn hình chương trình Vấn đề hôm nay ngày 30/8/2017 của Đài truyền hình Việt Nam (VTV.vn).
Ảnh chụp màn hình chương trình Vấn đề hôm nay ngày 30/8/2017 của Đài truyền hình Việt Nam (VTV.vn).

Chủ và khách đều kết luận, việc này phụ thuộc vào quyết tâm của ngành giáo dục và lòng tin (vào VNEN). Vì đổi mới thực sự khó, nó cần lòng tin, kiên trì. Đổi mới thực sự khác hẳn về chất so với đổi mới hình thức.

Thế nào là VNEN "chuẩn", VNEN "thật"?

Biên tập viên VTV đặt câu hỏi: "Thế thì câu hỏi then chốt, làm thế nào để có được một VNEN thật, đúng bản chất?"

Thầy Lê Tiến Thành trả lời:

"VNEN thật, đúng bản chất thì tôi cho là trên cơ sở là phải cái cộng đồng và giáo viên ở đấy họ phải tự giác.

Quan điểm của Bộ Giáo Dục mà từ lúc xây dựng VNEN phải là tự nguyện, bởi vì nếu họ có tự nguyện thì họ mới tự giác, họ tích cực, họ mới sáng tạo, họ mới vượt được khó. 

Còn nếu mà không tự nguyện mà áp đặt cho họ thì họ sẽ tìm mọi cách để họ gây khó."

Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học kiêm Giám đốc Dự án GPE-VNEN không làm rõ thế nào là VNEN "chuẩn", "đúng bản chất". [1]

Gần một năm về trước, cũng trả lời phỏng vấn của chuyên mục Vấn đề hôm nay ngày 1/9/2016, thầy Lê Tiến Thành cho biết:

“Chúng ta cũng không nên hiểu là mô hình này xuất phát từ Colombia, mà đây là Colombia là nơi thể hiện cái thành công của những thành tựu giáo dục thế giới do UNESCO, UNICEF ủng hộ.

Nên chúng ta thấy ở đó họ thành công thì chúng ta thực hiện triển khai mô hình này, chứ không phải nó xuất phát từ Colombia. 

...Mô hình này tập trung vào đổi mới tổ chức lớp học, và đổi mới cái phương pháp dạy học.

Đấy là hai cái đổi mới lớn nhất mà chúng ta thì lại đương yếu ở cái này." [2]

Lần này lên truyền hình, thầy Thành được hỏi: 

“VNEN khó nhất là gì ạ? Là kinh phí, là cơ sở hạ tầng, là số lượng học sinh quá đông, là sách giáo khoa hay trình độ giáo viên, thưa ông?”

Người dẫn chương trình Vấn đề hôm nay, Ban thời sự VTV và nhà giáo Lê Tiến Thành trao đổi về VNEN hôm 30/8, ảnh chụp màn hình. Nguồn: VTV.vn.
Người dẫn chương trình Vấn đề hôm nay, Ban thời sự VTV và nhà giáo Lê Tiến Thành trao đổi về VNEN hôm 30/8, ảnh chụp màn hình. Nguồn: VTV.vn.

Nguyên Vụ trưởng Lê Tiến Thành trả lời:

"Tất cả đối với chúng ta, cả cái nền giáo dục này, nan giản nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên. 

Vậy thì đội ngũ giáo viên với VNEN không phải không đủ trình độ về khoa học để dạy nó, mà (họ) chưa quen với một phương pháp dạy học mới.

Ta chỉ quen là giảng giải truyền thụ, bây giờ chuyển sang là mô hình tổ chức, hướng dẫn hoạt động học cho học sinh." [1]

Chuyên gia Colombia cũng lắc đầu

Trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 30/8/2017, thầy Lê Tiến Thành cùng nhà báo của VTV xem lại đoạn phóng sự Hà Tĩnh dừng VNEN, trong đó dẫn lời ông Đỗ Khoa Văn – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, Chủ tịch đánh giá mô hình VNEN: 

"Đến lớp thì coi như là cô giới thiệu là hội đồng quản trị lên làm việc. Hội đồng quản trị lại cứ coi như là giới thiệu Chủ tịch, Phó chủ tịch giới thiệu là trưởng ban, vân vân, đại khái như thế nó như một các bài thuộc lòng.

Thật khó để có thể đòi hỏi một sự thực chất khi mà cái cách đánh giá của mô hình trường học mới VNEN là dựa trên những lời nhận xét. 

Thế nhưng thước đo của thi cử, của tuyển sinh và thậm chí đầu vào của hệ thống trường điểm lại vẫn hoàn toàn dựa trên những con điểm." 

Xem xong phóng sự, thầy Thành bình luận:

"Tôi cho là họ đương bị chưa rành rọt, lẫn lộn giữa một cái (hoạt động) xã giao, người ta giới thiệu cái cơ cấu tổ chức của lớp như là ta giới thiệu chủ nhà, thế còn cái bài học thì nó lại khác. 

Bài học nó gắn với nội dung của từng bài. Và (ở) đây thì khi mà tiếp cận cái này người ta lẫn lộn giữa cái mà tổ chức lớp học và tổ chức học của học sinh, thì cái đó nó cần phải phân biệt.

Tôi thì tôi nghĩ rằng, có một phần là bởi vì, bản thân những cái nơi mà hội đồng khảo sát ý họ cũng chưa làm đúng tinh thần VNEN.

(Việc này) Khiến cho các cháu thực sự là đang diễn và đang nói những điều đã được chuẩn bị trước, chứ không phải là tự nhiên mà đang làm chủ lớp học.

Tôi nghĩ rằng đấy là một sự khác biệt rất là lớn." [1]

Cũng hai vị này trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 1/9 năm ngoái đã tiết lộ một sự thật rất khác:

Người dẫn chương trình Vấn đề hôm nay đặt câu hỏi:

Chuyên gia VNEN khuyên, nếu phụ huynh không chấp nhận mô hình này thì thôi ảnh 3

Người trong cuộc VNEN, sao đến bây giờ thầy mới nói?

“Thưa ông Lê Tiến Thành ạ, tôi còn nhớ là chúng ta đã từng cùng nhau đi khảo sát mô hình VNEN ở một số tỉnh. Các chuyên gia Colombia đi cùng họ tỏ ra rất khó tính.

Đi đến nhiều lớp mình nghĩ đã rất là mẫu mực rồi thì họ đều chê và họ nói rằng: Đây không phải là Trường học mới.

Họ cho rằng, nhiều khi các em lên tự quản, nhưng thực ra là diễn tập nhiều hơn.

Và thảo luận nhóm cũng không phải thảo luận thật, mà nhiều khi là trình diễn nhiều hơn. 

Thế thì phải chăng vấn đề cốt lõi không phải là thủ tục ở Trường học mới như thế nào, mà là cái tinh hoa và cái tinh thần của trường học mới ạ?”

Thầy Lê Tiến Thành khi đó trả lời:

“Chúng tôi nghĩ là, bản chất của cái mô hình Trường học mới này là học sinh phải tự quản về công tác tổ chức lớp, và phải tự học tự đánh giá trong quá trình học tập của học sinh.

Chỉ khi nào chúng ta làm tốt cái đó, thì nó thành công. 

Vậy cái chính là tất cả các lớp học muốn thành công, học sinh phải tự nghiên cứu, tự trải nghiệm, tự nghiên cứu bài học để rút ra những cái nhận thức riêng cho bản thân mình.

Sau đó thì các em trao đổi trong cặp đôi, trao đổi trong nhóm. Và chỉ khi nào làm đúng được quy trình ấy, thì các em sẽ làm chủ được kiến thức.

Thế còn nơi nào đó làm mà sa về hình thức, mà quá nặng về cái nhóm mà không chú ý đến hoạt động cá nhân, thì nơi ấy việc học nó sẽ diễn ra hình thức.

Và như vậy thì chúng ta sẽ thấy rằng, ở lúc nào đó, chỗ nào đó không đúng với bản chất mô hình trường học mới thì nó sẽ không thành công." [2]

Ở cả hai chương trình Vấn đề hôm nay năm ngoái và năm nay, thầy Lê Tiến Thành đều khẳng định, việc học sinh "biểu diễn" VNEN là do cơ sở làm quá sa đà vào hình thức.

Còn người khảo sát thì nhầm lẫn giữa "giới thiệu tổ chức lớp học" với "hoạt động tổ chức học" của học sinh.

Tuy nhiên, một bài viết của thầy Thành đăng trên báo Thanh Niên ngày 23/7/2015 cho thấy:

Dường như hoạt động giới thiệu chủ tịch, phó chủ tịch và các ban bệ lớp VNEN ở mỗi tiết học mà nhiều người gọi là "diễn" ấy, lại chính là yêu cầu của các nhà dự án và chuyên gia VNEN.

Có thể thấy điều này qua yêu cầu của thầy Thành trong bài viết trên Thanh Niên:

"Hội đồng tự quản là tổ chức của học sinh, do học sinh điều hành và hoạt động vì quyền lợi của học sinh. 

Nội dung, kế hoạch hoạt động do tập thể lớp bàn bạc thống nhất, sau khi thống nhất trở thành nghị quyết của tập thể được mọi người tự giác chấp hành, hội đồng tự quản thay mặt lớp điều hành các hoạt động đó.

Chuyên gia VNEN khuyên, nếu phụ huynh không chấp nhận mô hình này thì thôi ảnh 4

VNEN qua góc nhìn tương phản từ hai vị Giám đốc Sở

Như vậy, hội đồng tự quản là một tổ chức dân chủ, tự quản và điều hành tập thể. Mọi thành viên đều có vị trí, bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm trong hội đồng tự quản.

...Trong hội đồng tự quản có các ban và có các chức danh chủ tịch hội đồng tự quản, phó chủ tịch hội đồng tự quản;

Các trưởng ban (ban học tập; ban văn nghệ, thể thao; ban quyền lợi học sinh; ban thư viện; ban đối ngoại, ban đời sống và lao động, ..). 

Số lượng phó chủ tịch hội đồng tự quản, số lượng các ban trong hội đồng tự quản do học sinh trong lớp bàn bạc quyết định.

..Thời gian để thay đổi các vị trí lãnh đạo hội đồng tự quản tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi lớp học. 

Có thể ở lớp 2, học kì 1 không thay đổi (vì học sinh còn nhỏ, chưa quen việc); học kì 2 thay đổi 1 lần. Lớp 3 có thể 2 tháng thay đổi một lần; lớp 4 và lớp 5 có thể mỗi tháng thay đổi 1 lần." [3]

Đọc bài viết này của thầy Lê Tiến Thành, người viết có cảm giác dường như các em học sinh VNEN được huấn luyện để làm công tác tổ chức các hoạt động chính trị nhiều hơn là học tập thì phải.

Phải chăng đó chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “diễn VNEN”?

"Phụ huynh không đồng ý VNEN, hãy để họ tự quyết"

Hôm 30/8, người dẫn chương trình Vấn đề hôm nay đặt câu hỏi:

“Ông nghĩ như thế nào về việc các tỉnh cứ rơi rụng dần khi mà theo đuổi VNEN?”

Tiến sĩ Lê Tiến Thành cho biết:

"Chúng tôi nghĩ là trong cuộc sống thì những cái gì mà nó không phù hợp, không phát huy được ở địa phương, thì cái chuyện người ta dừng hay không dừng là cái quyết định của các địa phương.

Tôi chỉ nghĩ là, khi bàn về cái này thì người ta nói nhiều về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên. Tôi cho là cái cơ sở vật chất của cái VNEN ấy không cần nhiều lắm như người ta nghĩ.

Nếu có, thì người ta nên quay sang cơ sở vật chất chỉ là lớp học đông. Mà như vậy thì cái lớp học đông nó thách thức tất cả các mô hình.

Hai nữa là trình độ giáo viên. Trình độ giáo viên đã dạy được mô hình bình thường thì cái VNEN này nó cũng không hơn gì, về kiến thức không hơn gì cả.

Nó chỉ khác ở chỗ là một phương pháp dạy mới mà anh em giáo viên được chuẩn bị tốt và có người hướng dẫn thì họ sẽ làm được tốt.

Tôi cho là, Hà Tĩnh họ đã làm một cái việc cũng là sự hợp lý. Họ đánh giá tất cả những cái hoạt động này hoạt động khác.

Tôi cho là, nếu ở nơi nào đó, chỗ mà phụ huynh học sinh người ta không chấp nhận, người ta thấy rằng chưa tin tưởng, thì cái quyết định ấy hoàn toàn thuộc về phụ huynh và cái cộng đồng ấy.

Tôi cho đấy là bình thường.

Chỉ có điều là, bản chất gốc của VNEN thì phải hiểu đúng mới đánh giá được". [1]

Nhà giáo Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, nguyên Giám đốc Dự án Trường học mới Việt Nam (GPE-VNEN). Ảnh chụp màn hình, VTV.vn.
Nhà giáo Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, nguyên Giám đốc Dự án Trường học mới Việt Nam (GPE-VNEN). Ảnh chụp màn hình, VTV.vn.

Tuy nhiên, trong thực tế làm thế nào để phụ huynh có con đang theo học VNEN được "tự quyết" về việc có tiếp tục mô hình này hay không lại vô cùng nan giải.

Ngày 30/8 phóng viên báo Lao Động đã hỏi lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An về thực trạng nhiều phụ huynh có con học VNEN muốn dừng mô hình này từ năm ngoái.

Họ nhiều lần làm đơn đề nghị các cấp mà đến nay vẫn chưa có hướng chỉ đạo cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết:

“Trong giáo dục không thể ép buộc được. Nơi nào phụ huynh học sinh không đồng thuận thì chúng tôi sẽ xem xét”. [4]

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An "xem xét" gần một năm mà vẫn chưa có kết quả. Ngày 23/8 trường THCS Hưng Dũng vẫn bán sách "thử nghiệm" VNEN cho học sinh khiến nhiều phụ huynh bức xúc. [5]

"Ông ấy chỉ đạo thế, ở góc độ một nhà quản lý, tôi cho là an toàn"

Bình luận về chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các địa phương "triển khai VNEN trên tinh thần tự nguyên", người dẫn chương trình Vấn đề hôm nay cho rằng:

"Năm ngoái và năm nay Bộ Giáo dục đều nói là tự nguyện, nơi nào cảm thấy thích, thấy đủ cơ sở thì làm. Còn nơi nào không thấy thích, không đủ cơ sở thì thôi. 

Cách nói như thế cho thấy khá là dân chủ, tuy nhiên nó cho thấy là chúng ta không tự tin, không quyết tâm đổi mới, có nghĩa là VNEN không có tương lai?"

Thầy Lê Tiến Thành bình luận:

"Đó là cách nghĩ của nhiều người, nhưng tôi nghĩ là như thế này, ở góc độ nhà quản lý thì ông nói thế là an toàn. 

Bởi vì thế này, ông ấy khẳng định là cái mô hình VNEN, ông Bộ trưởng mới ông ấy khẳng định là cái mô hình phương pháp dạy học VNEN là rất tiến bộ và ưu việt. 

Thế nhưng mà các địa phương lại cứ nói là khó khăn này, khó khăn khác về đông học sinh, lớp chật, rồi đội ngũ giáo viên có khó khăn..." [1]

Dường như thầy Thành có vẻ còn mong muốn điều gì đó hơn cả cách xử lý này của lãnh đạo Bộ với VNEN?

Còn nhớ trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 1/9 năm ngoái, nhà đài đã hỏi thầy Thành:

“Theo ông thì con đường đi tiếp theo của VNEN là gì?

Có vẻ như là Bộ Giáo dục trong cái hội nghị vừa rồi tổng kết VNEN cũng có những điều rất là băn khoăn, và cũng chưa quyết định là nên đi tiếp hay thế nào?”

Thầy Thành khi đó đã khẳng định rõ:

“Tôi cho là đây thuộc về các nhà lãnh đạo giáo dục. Hiện nay Bộ trưởng cũng đã có những tuyên bố rất rõ:

Mô hình trường học mới sau 3 năm đánh giá là tốt, và phải nghiên cứu để áp dụng vào các địa phương một cách phù hợp, để cho nó hiệu quả.

Thế còn Bộ vẫn tiếp tục triển khai cái mô hình Trường học mới nhưng mà theo tinh thần tự nguyện, và lựa chọn nó phù hợp với cái cách đi và cách làm của mỗi cơ sở.

Tôi cho là đấy là một cái định hướng đúng. Và không phải bây giờ mới như vậy.

Khởi đầu VNEN cũng yêu cầu là gì, nơi nào thấy rằng mình có thể đám đương được, tự nguyện nhân rộng thì nơi đó tự nguyện làm, chứ Bộ không bao giờ ép.

Ngay từ đầu tiên cũng thế và bây giờ Bộ trưởng cũng vậy.”

Chuyên gia VNEN khuyên, nếu phụ huynh không chấp nhận mô hình này thì thôi ảnh 6

VNEN vô hiệu hóa người thầy, càng sửa càng rối

Trong khi tinh thần công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH năm ngoái và công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều nhất quán "triển khai VNEN trên tinh thần tự nguyện".

Nhưng sao nhận xét của thầy Thành về chỉ đạo này lại có điều gì đó “khang khác”.

Cảm giác “khang khác” ấy thể hiện rõ trong đoạn đối thoại giữa chủ và khách Vấn đề hôm nay ngày 30/8 bình luận về quyết định của Bộ:

Biên tập viên nhà đài VTV bình luận: 

"Một về là ghi nhận, một về là muốn làm không muốn làm thì thôi nhưng thực sự đổi mới thì rất là khó, hô hào, quyết tâm còn khó nữa là cho tự lựa chọn. Các tỉnh sẽ rất dễ bỏ cuộc?"

Thầy Lê Tiến Thành hưởng ứng:

"Tôi cũng nghĩ như thế, các tỉnh thì đang nghe ngóng xem thái độ cấp trên như thế nào và thái độ của Bộ Giáo dục, của các sở giáo dục hay của ủy ban tỉnh.

Và nếu mà họ thấy được giá trị cốt lõi của VNEN, họ quyết tâm làm thì họ sẽ vượt được.

Kể cả không phải mệnh lệnh hành chính, nhưng nó thể hiện cái lòng quyết tâm, lòng tin ở một cái ưu việt của mô hình đó thì chúng ta cũng sẽ động viên được các địa phương."

Tương lai VNEN, thầy Lê Tiến Thành cho là phụ thuộc vào "lòng tin", thầy Nguyễn Vinh Hiển: lớp chật, lớp đông vẫn dạy VNEN được

Trong màn trao đổi giữa thầy Thành và nhà báo VTV hôm 28/3, chủ nhà hỏi tiếp:

"Thưa thầy, làm thế nào để kết quả của dự án hơn 80 triệu USD với rất nhiều công sức và thời gian của thầy trò trong 6 năm qua không bị lãng phí, thì chúng ta cần làm gì?"

Khách mời đáp lời:

"Chúng tôi quan trong nhất, bây giờ cần lấy lại có nghĩa là lấy lại cái lòng tin và như vậy là từ cán bộ quản lý nhất là quản bộ quản lý phải hiểu thấu VNEN, phải hiểu kĩ được cái bản chất của nó."

Nhà đài hỏi tiếp:

"Nhưng mà hình như những người tâm huyết, hình như đã nghỉ hưu?"

Thầy Thành trả lời:

"Lịch sử đó là đã phải để lại những cái vị trí ấy cho những người khác, nhưng người khác có quyết tâm không? có am hiểu không?

Bởi vì, am hiểu một mô hình trường học mới, một phương pháp mới là không hề đơn giản, và nó giáo dục phải là một cuộc chạy tiếp sức, người sau phải tiếp sức người trước.

Thế còn nếu như ai đã thực sự dạy VNEN, đã làm quen với VNEN rồi thì họ không bỏ." [1]

Gần năm học mới, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có hàng loạt bài giới thiệu về kỹ thuật VNEN trên Báo Giáo dục và Thời đại.

Ngày 15/8, thầy Vinh Hiển có bài viết khẳng định: phòng chật, học sinh đông vẫn có thể triển khai VNEN. [6]

Thầy Nguyễn Vinh Hiển nói với Báo Giáo dục và Thời đại:

Nếu thuận tiện về phòng học (đủ rộng) và bàn ghế (bàn ghế đơn) thì có thể cho học sinh ngồi theo kiểu “bàn tròn”, dễ học tương tác, trong đó có tương tác theo nhóm nhỏ.

Nhưng nếu không được như vậy thì vẫn có thể hướng dẫn học cá nhân kết hợp học tương tác theo các cách sắp xếp bàn ghế và chỗ ngồi khác nhau của học sinh, như:

Học sinh ngồi quay mặt vào nhau theo dãy dài; cả lớp ngồi theo hình chữ U trong một phòng; thậm chí ngồi theo kiểu “truyền thống” (tất cả HS ngồi theo hàng ngang quay mặt lên phía bảng chính và bàn giáo viên).

Khi đó mỗi học sinh vẫn có thể quay sang phải, sang trái, vươn người lên bàn phía trước, ngoảnh lại bạn ngồi sau để trao đổi khi cần. [6]

Thay lời kết

Nói như thầy Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời cũng là người nhập mô hình Trường học mới từ Colombia về Việt Nam, thì lớp chật hay sĩ số đông vẫn không ảnh hưởng đến việc dạy và học theo mô hình VNEN.

Còn theo giải thích của thầy Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học và Giám đốc Dự án GPE-VNEN, vấn đề nằm ở giáo viên chứ không phải cơ sở vật chất hay sĩ số.

Điều này dường như mâu thuẫn với nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về VNEN qua 2 công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH năm ngoái và công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2 công văn này đều tập trung vào điều kiện cơ sở vật chất phòng học và sĩ số, lấy đó làm yếu tốt quyết định để các địa phương cân nhắc có tiếp tục VNEN hay không.

Thầy Thành cũng khẳng định, VNEN triển khai trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện và phụ huynh có quyền tự quyết.

Nhưng thực tế tại nhiều địa phương, điển hình là Nghệ An, phụ huynh vẫn đang đấu tranh cho quyền tự quyết về mô hình VNEN mà con em ho đanng được / phải học.

Rõ ràng ở đây có những mâu thuẫn, có những vấn đề rất bất cập, có những lực cản vô hình nhưng rất lớn. 

Chúng tôi hy vọng những "người trong cuộc" lên tiếng để cùng tháo gỡ các lực cản này, trả VNEN về đúng "giá trị thật" của nó như thầy Thành mong muốn.

Và chúng tôi cũng hy vọng quyền tự quyết tương lai VNEN được trao cho các phụ huynh có con em học mô hình này, như thầy Thành khẳng định. Mong lắm thay!

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vtv.vn/van-de-hom-nay/mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-nen-dung-hay-tiep-tuc-20170831012121807.htm

[2]http://vtv.vn/van-de-hom-nay/dien-qua-nhieu-mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-khien-phu-huynh-phat-so-20160901001423579.htm

[3]http://thanhnien.vn/toi-viet/chu-tich-hay-lop-truong-hay-de-hoc-sinh-chon-lua-588052.html

[4]https://laodong.vn/giao-duc/giam-doc-so-gd-dt-nghe-an-giao-duc-khong-the-ep-buoc-552097.ldo

[5]https://laodong.vn/ban-doc/phu-huynh-vat-va-xin-cho-con-bo-chuong-trinh-thu-nghiem-vnen-551761.ldo

[6]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phong-chat-hoc-sinh-dong-van-co-the-trien-khai-vnen-3669184-v.html

Trung Hiếu