Chuyên gia hỗ trợ thầy cô, bố mẹ “gỡ khó” trong dạy học trực tuyến cho học sinh

27/10/2021 06:43
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học được xây dựng với triết lý ‘’toàn diện’’ về mặt nội dung, từ nghiệp vụ sư phạm, nội dung chuyên môn đến phần công nghệ.

Sau hơn 1 tháng hoạt động, Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học đã đạt được những kết quả bước đầu, là không gian chia sẻ thông tin, diễn đàn trao đổi, kết nối giữa chuyên gia giáo dục với thầy cô và cha mẹ học sinh.

Ra mắt vào ngày 15/9/2021, Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học là hệ thống hỗ trợ công tác dạy – học trực tuyến và trực tiếp cho giáo viên, phụ huynh và học sinh tiểu học với sự hỗ trợ nền tảng công nghệ thông tin của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị đầu mối phụ trách nội dung chuyên môn của Kênh.

Các chuyên gia cùng trao đổi, chia sẻ với thầy cô, cha mẹ học sinh trong buổi livestream trực tiếp. (Ảnh: NTCC)

Các chuyên gia cùng trao đổi, chia sẻ với thầy cô, cha mẹ học sinh trong buổi livestream trực tiếp. (Ảnh: NTCC)

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành –Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục cho biết, tuy tên kênh có cụm từ "trực tuyến", nhưng Kênh không chỉ hỗ trợ dạy học trực tuyến, mà hỗ trợ cả dạy trực tuyến và trực tiếp. Ví dụ như hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa, các hoạt động trải nghiệm.

Kênh được xây dựng với triết lý ‘’toàn diện’’ về mặt nội dung: không chỉ về nghiệp vụ sư phạm mà còn cả nội dung chuyên môn hay phương diện công nghệ; về các đối tượng tham gia: cả giáo viên, cha mẹ học sinh, cán bộ quản lí nhà trường…về các nội dung liên quan đến nghiệp vụ sư phạm như dạy học trong bối cảnh Covid-19, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Đây là kênh trực tuyến hỗ trợ 24/7 với nhiều hoạt động như tổ chức các buổi livestream trực tiếp của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, triển khai các khóa học miễn phí cho giáo viên, xây dựng các nội dung kiểm tra đánh giá, chia sẻ kho học liệu, tiếp nhận và trả lời câu hỏi của giáo viên, cha mẹ học sinh về các vấn đề “nóng” trong bối cảnh dạy học trực tuyến như hiện nay.

Dù chỉ mới thực hiện trong thời gian ngắn nhưng những hoạt động này đã tạo được tín hiệu lan tỏa tích cực, các chuyên gia cũng nhận được nhiều câu hỏi, thắc mắc của giáo viên xoay quanh câu chuyện dạy học trực tuyến.

Thời gian này, Kênh đang tập trung vào những nội dung gắn liền với bối cảnh dạy học trực tuyến, đặc biệt liên quan đến kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trong dạy học trong bối cảnh Covid-19. Các chuyên gia chia sẻ cùng thầy cô về cách để làm chủ công nghệ; những phần mềm, nền tảng dạy học trực tuyến; các phương pháp pháp định hướng cho người học tiếp cận kiến thức hiệu quả;…

“Đặc biệt, chúng tôi muốn giúp các giáo viên sáng tạo, linh hoạt hơn trong hoạt động dạy học. Thầy cô không nên hiểu dạy học trong bối cảnh dịch bệnh theo nghĩa hẹp là chỉ dạy trên môi trường có kết nối mạng Internet.

Ở mỗi địa phương, tùy vào điều kiện của người dân, tùy vào tình hình dịch bệnh mà các trường có thể kết hợp triển khai nhiều hình thức dạy và học như: Dạy học trực tuyến có sự tương tác trực tiếp và đồng thời (synchronous) thông qua nền tảng webinar như Zoom, Teams, Google Meeting… hoặc dạy học trực tuyến thông qua hệ thống quản lý học tập LMS với sự tương tác không đồng thời; Dạy học qua truyền hình; Dạy học qua sóng radio; Gửi phiếu bài tập, tài liệu in tới cha mẹ học sinh qua email hoặc đường bưu điện, kết hợp với các phương thức hỗ trợ trực tuyến khác…”, thầy Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, dạy học trực tuyến dù đang là xu hướng và phổ biến ở các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh nhưng đã bộc lộ những thách thức và khó khăn nhất định trong việc triển khai. Việc chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy và học là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh khả năng sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài dạy, giáo viên cần có những kỹ năng sư phạm phù hợp để triển khai dạy học trực tuyến như kỹ năng thiết kế và thực hiện bài dạy, tổ chức các nhiệm vụ học tập một cách đa dạng thông qua video clip, thẻ flashcard, trò chơi…

Thầy cô cũng cần tăng cường tổ chức các hoạt động trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau, giữa học sinh với giáo viên; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình. Thầy cô phải cùng bố mẹ có những hỗ trợ học sinh trước và sau giờ học trực tuyến.

Đối với phương án dạy học trên truyền hình, giáo viên cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị bộ tài liệu hướng dẫn, câu hỏi bài tập để hướng dẫn học sinh học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo nội dung bài học trên truyền hình.

Đặc biệt, nhà trường và giáo viên cùng phụ huynh cần đồng hành để theo dõi và kịp thời đánh giá mức độ nắm vững kiến thức của người học, đồng thời có sự điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp để chất lượng giáo dục đạt hiệu quả tối đa.

Kênh trực tuyến ra đời đã kịp thời tư vấn tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên tiểu học trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng dẫn kỹ thuật giảng dạy, các nghiệp vụ sư phạm, kỹ thuật kiểm tra, đánh giá cơ bản trong bối cảnh giãn cách xã hội cho giáo viên cấp Tiểu học. (Ảnh: NTCC)

Kênh trực tuyến ra đời đã kịp thời tư vấn tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên tiểu học trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng dẫn kỹ thuật giảng dạy, các nghiệp vụ sư phạm, kỹ thuật kiểm tra, đánh giá cơ bản trong bối cảnh giãn cách xã hội cho giáo viên cấp Tiểu học. (Ảnh: NTCC)

Ngoài việc đồng hành cùng giáo viên, Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học còn kết nối với cha mẹ học sinh, học sinh để “gỡ khó” hoạt động học tập trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Đặc biệt với bậc tiểu học, các em học sinh lớp 1 rất cần sự đồng hành của bố mẹ, đó là hỗ trợ về hoạt động học tập, vấn đề tâm lý; kiến tạo một không gian, môi trường học tập thoải mái, thân thiện nhưng đủ nghiêm túc để các con sẵn sàng với việc học trực tuyến.

Bố mẹ cũng cần có những kiến thức về công nghệ, nền tảng, kỹ thuật để hỗ trợ cho con đảm bảo việc học diễn ra hiệu quả. Bên cạnh đó là những kiến thức về quy tắc an toàn, phòng chống cháy nổ trong học trực tuyến.

Về hoạt động Livestream, trong buổi đầu tiên tổ chức vào ngày 03/9 với nội dung: “Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên, bố mẹ học sinh. Qua những chia sẻ của các chuyên gia giáo dục, các bậc phụ huynh có một định hướng rõ ràng trong việc giúp đỡ, đồng hành cùng con trên chặng đường học tập.

Ngoài ra, với các diễn đàn trên Kênh sẽ giúp cha mẹ kết nối và xin ý kiến chia sẻ của chuyên gia bất cứ lúc nào nếu họ gặp khó khăn khi đồng hành cùng con trong quá trình học tập.

“Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học thể hiện sứ mạng tiên phong cũng như trách nhiệm xã hội của Đại học Quốc gia Hà Nội ở thời điểm ngành giáo dục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Kênh được tạo ra không chỉ hỗ trợ dạy học trực tuyến mà mục tiêu lâu dài, sẽ hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới các hoạt động, phương pháp dạy học, cùng toàn ngành thực hiện đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành khẳng định.

Chia sẻ về những kết quả của Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học, Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Hương – phụ trách điều phối, tổ chức đã có những thống kê ban đầu về hiệu quả cũng như sức lan tỏa của hệ thống này:

Ngày 15/9 đánh dấu sự ra đời của Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học, một dự án hoạt động phi lợi nhuận, thực hiện trách nhiệm xã hội của Đại học Quốc gia Hà Nội trong bối cảnh thích ứng của nền giáo dục nước nhà với đại dịch Covid-19.

Kênh trực tuyến ra đời đã kịp thời tư vấn tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên tiểu học trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng dẫn kỹ thuật giảng dạy, các nghiệp vụ sư phạm, kỹ thuật kiểm tra, đánh giá cơ bản trong bối cảnh giãn cách xã hội cho giáo viên cấp Tiểu học vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Kênh trực tuyến cũng đồng hành cùng các bậc phụ huynh, tư vấn tâm lý và cách cùng con học trực tuyến, đặc biệt là trẻ lớp 1.

Sau gần 2 tháng triển khai, có trên 100.000 lượt giáo viên, phụ huynh, học sinh tham gia các khóa học, tư vấn của chuyên gia miễn phí trên Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học.

Song song với các khóa học miễn phí, Kênh đã tổ chức được 4 buổi tư vấn trực tuyến của các chuyên gia trên Zoom meeting và Fanpage của Đại học Quốc gia Hà Nội thu hút từ 4000 - 8000 giáo viên theo dõi sau mỗi buổi livestream. Tính đến nay đã có khoảng trên 50.000 lượt tương tác qua các kênh truyền thông của Dự án.

Buổi tư vấn trực tuyến số 1 với nội dung “Chuẩn bị hành trang kiến thức và tâm lý cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh học trực tuyến” tổ chức ngày 03/9 trên nền tảng Zoom đã thu hút sự tham gia đông đảo của phụ huynh, giáo viên, với số lượng lên đến 3500 người và gần 10.000 lượt theo dõi trên Fanpage.

Buổi tư vấn trực tuyến số 2 với nội dung “Hướng dẫn một số nghiệp vụ sư phạm cơ bản trong dạy học trực tuyến ở tiểu học” thu hút hơn 2000 lượt tương tác trên nền tảng Zoom và và gần 10.000 lượt theo dõi trên Fanpage.

Buổi tư vấn trực tuyến số 3 là “Khai thác và sử dụng học liệu cho các phương án dạy học trong bối cảnh Covid-19 ở bậc Tiểu học” và Buổi tư vấn trực tuyến 4 “Dạy học và thực hành STEM+ đơn giản tại nhà và tại trường cấp tiểu học” cũng thu hút gần 2000 lượt tham gia tương tác trên Zoom, và trên 10.000 lượt tương tác trên Fanpage của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Kênh trực tuyến trở thành 1 cổng thông tin với các văn bản quản lý cập nhật mới nhất, hàng trăm học liệu dạng video, sách tương tác, tài liệu hướng dẫn giáo viên và tư liệu giảng dạy dành cho giáo viên bậc tiểu học. Kênh trực tuyến cũng là một diễn đàn trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia của Đại học Quốc gia Hà Nội với các giáo viên tiểu học trong cả nước.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Linh Trang