Chuyên gia góp ý với Bộ nên định nghĩa thế nào là sinh viên có việc làm?

11/02/2017 07:55
Thùy Linh
(GDVN) - Bộ GD&ĐT cần nêu cụ thể tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được thu thập bằng phương pháp nào, “có việc làm” được định nghĩa cụ thể ra sao?...

Trong quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy Bộ GD&ĐT có yêu cầu bắt buộc các trường đại học, cao đẳng sư phạm phải công khai trong mùa tuyển sinh 2018, đó là tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất. 

Phân tích về yêu cầu này của Bộ GD&ĐT, TS.Phạm Thị Ly – một chuyên gia giáo dục đại học đánh giá cao những nỗ lực của Bộ trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin ở cấp trường, là điều giới học thuật đã nhiều lần kêu gọi trước đây.

Chuyên gia góp ý với Bộ nên định nghĩa thế nào là sinh viên có việc làm? ảnh 1

Cựu sinh viên đi ăn trộm chó, chất xám bị tha hóa hay giọt nước tràn ly?

Tuy nhiên, theo bà Ly, để công khai được tiêu chí này thì Bộ cần nêu cụ thể tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được thu thập bằng phương pháp nào, “có việc làm” được định nghĩa cụ thể ra sao, ai là người thu thập và ai kiểm chứng?

Nếu không nêu các tiêu chí cụ thể thì yêu cầu này của Bộ khó lòng thực hiện được với những thông tin đáng tin cậy, vì hiện chưa có cơ chế nào kiểm chứng. Nếu những thông tin không thể kiểm chứng được thì có khi nó còn tạo ra tác dụng ngược”, TS.Phạm Thị Ly nhấn mạnh. 

Bởi theo bà, đây không phải là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường công bố thông tin sinh viên tốt nghiệp có việc làm. 

Trước đó, trong Thông tư 09 năm 2009 của Bộ về Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân cũng có yêu cầu các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và học lên trình độ cao hơn sau 1 năm ra trường tuy nhiên tính đến nay hiệu quả ở mức nào thì xã hội chưa biết.

Vậy làm sao để những con số kê khai của nhà trường được xác thực?

Với mong muốn những con số báo cáo được trung thực, TS.Phạm Thị Ly nhấn mạnh đến trách nhiệm giải trình như một giải pháp không thể thiếu giúp cân bằng quyền tự chủ của các trường. 

Vị chuyên gia này lưu ý, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa trách nhiệm giải trình và việc kiểm soát. 

Chuyên gia khuyên Bộ nên định nghĩa thế nào là sinh viên “có việc làm”? (Ảnh: giaoduc.edu.vn)
Chuyên gia khuyên Bộ nên định nghĩa thế nào là sinh viên “có việc làm”? (Ảnh: giaoduc.edu.vn)

TS.Ly phân tích, kiểm soát là điều có thể thực hiện được giữa hai bên: bên có chức năng quản lý nhà nước và bên chịu sự quản lý.

Trong khi trách nhiệm giải trình đòi hỏi sự tham gia của các bên, đặc biệt là các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội, và các bên liên quan khác của giáo dục đại học, bao gồm cả giảng viên và sinh viên.

Như vậy, trách nhiệm giải trình còn liên quan đến cơ chế quản trị nội bộ của trường, đặc biệt là Hội đồng Trường, các tổ chức kiểm định, kiểm toán, Hội đồng Trường, Hội đồng Khoa học, Hội Sinh viên hay Cựu sinh viên,....

Tất cả đều góp phần giúp nhà trường thực hiện trách nhiệm giải trình thông qua nhiều phiên họp hay những cơ chế khác nhau và làm tăng tính minh bạch về thông tin báo cáo tỷ lệ có việc làm của trường. 

Bộ cần thống nhất về phương pháp

Trước đó, ngày 28/9/2016, Bộ GD&ĐT chính thức ban hành văn bản số 4806/BGDĐT-GDĐH yêu cầu báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp gửi tới giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, Hiệu trưởng các trường Cao đẳng sư phạm. 

Theo đó, các trường đại học và các trường cao đẳng sư phạm phải thu thập thông tin, báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp theo 3 nội dung là: tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, khu vực làm việc của sinh viên đã tốt nghiệp và đánh giá mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp.

Chuyên gia góp ý với Bộ nên định nghĩa thế nào là sinh viên có việc làm? ảnh 3

Cha mẹ bán hết trâu bò cho con đi học để ra trường… thất nghiệp

(GDVN) - Tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường ngày càng nhiều và đó là thách thức rất lớn của các nhà quản lý giáo dục.

Mục đích nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và khả năng tham gia vào thị trường lao động của sinh viên. 

Trên cơ sở đó, các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Báo cáo này phải được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của trường.

Đây là yêu cầu bắt buộc, là điều kiện để Bộ xem xét việc tuyển sinh hàng năm của các trường. 

Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao yêu cầu này của Bộ GD&ĐT bởi đó là một trong những minh chứng chất lượng đầu ra của trường. 

Đồng thời, kết quả này sẽ là cơ sở để học sinh tham khảo cho quá trình lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình. 

Theo quan điểm của người nghiên cứu về giáo dục đại học lâu năm, PGS.Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng, muốn để yêu cầu này có hiệu quả thì Bộ GD&ĐT nên yêu cầu các trường bên cạnh việc báo cáo các số liệu thì cần cho biết phương pháp thu thập số liệu và căn cứ sử dụng phương pháp ấy là gì?

Bởi theo cô Hoàng Ánh, chúng ta cần cho xã hội biết, bằng con đường nào mà trường biết được tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm? Nếu là gửi câu hỏi thì gửi bằng cách nào? Tỷ lệ trả lời các câu hỏi đạt bao nhiêu phần trăm?...

Tất cả những thông tin, số liệu này cần được công khai lên trang website của trường, của Bộ để xã hội giám sát.

Đặc biệt, cách tốt nhất là Bộ nên thống nhất đưa ra phương pháp thu thập số liệu chuẩn để các trường cùng thực hiện, tránh tình trạng trường này thiếu tiêu chí này, trường kia thiếu tiêu chí khác.

Tuy nhiên, Bộ nên có những thông tin chung mà các trường buộc phải có nhưng cũng cần có các thông tin riêng, đặc thù phù hợp với các khối trường. 
Bởi với các ngành đào tạo mang tính ứng dụng sẽ có nhiều điểm khác so với các ngành đào tạo mang tính nghiên cứu. 

Và các trường đại học chủ động trong việc báo cáo nhưng tốt nhất các trường nên thuê một cơ quan ngoài thực hiện rồi báo cáo. Các trường phải chịu trách nhiệm trước xã hội về tính trung thực của các số liệu này.

Thùy Linh