Chuyện dạy học của một chính khách, cô giáo Đặng Thị Phương Thảo

20/11/2018 07:05
Đỗ Thơm (thực hiện)
(GDVN) - Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo chia sẻ, khi biết cô giáo của mình trở thành đại biểu Quốc hội, học sinh ngoài bất ngờ thì vui mừng và tự hào rất nhiều.

Lời tòa soạn: Đại biểu Quốc hội, cô giáo Đặng Thị Phương Thảo – đoàn Nam Định là một trong số 20 người trẻ nhất trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Hiện đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đang là giáo viên tại trường Trung học phổ thông Giao Thủy (tỉnh Nam Định). 

Nhân dịp ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam 20/11, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu, cô giáo Đặng Thị Phương Thảo về trăn trở của một chính khách là giáo viên.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Quochoi.vn

Phóng viên: Nhiều năm qua, ngày 20/11 đều vào dịp diễn ra kỳ họp của Quốc hội. Trong khi các giáo viên khác được chung vui với đồng nghiệp, học trò thì chị vẫn đang dự họp. Đây có phải là sự “thiệt thòi” của một giáo viên là đại biểu?

Cô Đặng Thị Phương Thảo: (Cười) “Thiệt thòi” chứ bạn.

Thiệt thòi vì không được tham dự ngày lễ kỷ niệm long trọng của ngành nghề cao quý mà bản thân đã lựa chọn để cả đời cống hiến, không được luyện tập các hoạt động văn nghệ chào mừng ngày lễ lớn.

“Thiệt thòi” vì không được trở về đúng ngày trọng đại đó gặp mặt đồng nghiệp, học trò bao thế hệ.

Tuy nhiên, tôi ý thức được rằng, mình cần và buộc phải vượt qua nỗi buồn mang tính cá nhân đó.

Việc quan trọng là hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chính khách trong thời gian diễn ra kỳ họp.

Bởi hoạt động của đại biểu Quốc hội thể hiện ý chí nguyện vọng của cử tri, tham gia tích cực, đầy đủ các kỳ họp, phiên họp mà Luật định nên tôi không thể vì một mong muốn cá nhân đó mà vắng mặt trong kỳ họp.

Đóng góp một ý kiến, một nút bấm là đại diện cho đông đảo của tri ở đơn vị bầu cử tín nhiệm muốn tôi đại diện cho họ thể hiện tại nghị trường.

Là một giáo viên, đặc biệt giáo viên phổ thông là đại biểu Quốc hội, có khó khăn, thuận lợi thế nào giữa việc dạy học và làm một chính khách?

Cô Đặng Thị Phương Thảo: Là một giáo viên đồng thời là một đại biểu Quốc hội khó khăn và thuận lợi song hành.

Việc tham gia các kỳ họp của Quốc hội diễn ra hay các hoạt động giám sát, họp các cơ quan chuyên môn của Quốc hội chiếm thời gian khoảng 1/3 năm của bản thân.

Đôi khi cũng làm tôi lúng túng khó cân đối việc dạy học với công việc của một chính khách.

Để làm tốt nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, cần có sự đầu tư, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề xuất phát từ thực tiễn cuộc sống hay tình hình chính trị xã hội của Việt Nam cũng như quốc tế.

Trong khi công việc giảng dạy (dù nhiều năm) cũng không tạo được nhiều kinh nghiệm cho công việc này.

Chuyện dạy học của một chính khách, cô giáo Đặng Thị Phương Thảo ảnh 2Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chúc mừng Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam

Và chính điều đó đã khiến tôi gặp nhiều khó khăn để làm tốt nhiệm vụ của một chính khách.

Tuy nhiên, do thường xuyên tiếp xúc với học sinh – thanh niên, nhờ tính tích cực của bản thân trong các hoạt động của Đoàn, của Ban chấp hành đoàn nên tôi có được một số thuận lợi khi tham gia các nội dung liên quan tới lĩnh vực xã hội, tới bình đẳng giới và quyền lợi của thanh niên, trẻ em trong hoạt động nghị trường.

Đồng thời, làm việc trong ngành giáo dục cũng là một điều kiện tốt giúp tôi tham gia đóng góp được ý kiến với Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ ngành liên quan để sửa đổi bổ sung các nội dung các luật liên quan tới giáo dục.

Kiến nghị được các vấn đề liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong ngành giáo dục.

Ngược lại, kinh nghiệm tích lũy được khi tham gia các hoạt động của đại biểu Quốc hội cũng góp phần để các nội dung giảng dạy của bản thân tôi có thể gắn với thực tiễn, giúp tích lũy kiến thức chính trị đời sống, hình thành một phần năng lực xã hội cho học sinh.

Vậy học sinh của chị nói gì với cô giáo là đại biểu quốc hội?

Cô Đặng Thị Phương Thảo: Khi biết cô giáo của mình trở thành đại biểu Quốc hội, học sinh ngoài bất ngờ thì vui mừng và tự hào rất nhiều. 

Các em mong mỏi tôi có thể đóng góp được tiếng nói từ thực tiễn vào nghị trường Quốc hội.

Chính điều đó, khiến tôi cảm thấy mình ngoài vinh dự, tự hào còn có chút gánh nặng.

Bản thân phải nỗ lực không ngừng để làm tròn nhiệm vụ đó; xứng đáng với kỳ vọng, tin tưởng của học sinh mình.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Quochoi.vn

Cá nhân đại biểu là người trong ngành giáo dục nhưng trong nhiều kỳ họp vừa qua, lĩnh vực giáo dục luôn là một vấn đề nóng, gây bức xúc. Chị có cảm thấy chạnh lòng?

Cô Đặng Thị Phương Thảo: Có cá nhân nào không chạnh lòng khi ngành nghề mình tâm huyết, cả đời mong muốn theo đuổi lại bị dư luận ý kiến trái chiều.

Tôi nghĩ, đó là tâm tư của nhiều người trong ngành giáo dục chứ không chỉ riêng mình tôi.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói không thể phủ nhận bên cạnh một số vấn đề còn tồn tại thì ngành giáo dục nhiều năm qua cũng có những cố gắng nhất định, đạt được thành tích cao trên trường quốc tế và được đánh giá không hề thấp so với thế giới cũng như khu vực.

Những ý kiến của dư luận cũng là để mỗi người giáo viên, người làm quản lý phải nỗ lực cố gắng hơn nữa.

Như chúng ta đề cập ở trên, giáo dục là vấn đề đang rất nóng. Vậy với cá nhân đại biểu, vấn đề gì trong lĩnh vực giáo dục khiến đại biểu trăn trở nhất?

Cô Đặng Thị Phương Thảo: Tôi trăn trở nhất không phải là các dự thảo luật liên quan giáo dục có được thông qua không, các vấn đề bị dư luận công kích có ngay lập tức được Bộ Giáo dục giải quyết thấu đáo hay không mà cơ bản là các quyết sách của ngành.

Tôi rất hy vọng các quyết sách này được lâu dài, mang tính ổn định, làm tốt vai trò kim chỉ nam cho giáo dục hành động.

Trân trọng cảm ơn cô!

Đỗ Thơm (thực hiện)