Chuyển biến tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học chương trình 2018

27/12/2020 06:31
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2020-2021, giáo dục Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.

Chương trình được xây dựng theo hướng mở, lấy học sinh làm trung tâm; chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển phẩm chất cho học sinh. Nội dung giáo dục được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; giảm kiến thức hàn lâm, tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Chương trình, sách giáo khoa hướng tới việc phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học trò; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, giữa học trò với học trò và giữa các thầy cô giáo. Phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo đó cũng được đổi mới mạnh mẽ.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình mới, trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai, bảo đảm chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất...

5 bộ sách giáo khoa lớp 1 với 46 đầu sách của đầy đủ 8 môn học/hoạt động giáo dục bắt nuộc và sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh, được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt. 45.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông được bồi dưỡng cấp Bộ về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trước tình hình dịch Covid-19 đã gây không ít khó khăn tuy nhiên với sự nỗ lực của toàn ngành nên trước khai giảng năm học mới, toàn bộ giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 cũng hoàn thành bồi dưỡng về chương trình và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.

Qua gần 1 học kỳ triển khai, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bước đầu “thổi làn gió” tích cực vào công tác dạy - học của các nhà trường.

Những tiết học của học sinh lớp 1 giờ trở nên sôi động hơn với nhiều hoạt động giáo dục được tổ chức nhằm tạo sự hứng thú học tập cho học sinh, quan trọng hơn là để các em được tự tìm tòi, khám phá và chiếm lĩnh tri thức; từ đó hình thành phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết.

Đối với các giáo viên khi dạy theo chương trình mới, dù ban đầu khá vất vả do học sinh chưa có thời gian làm quen nề nếp học tập, nhưng sau một thời gian, các thầy cô cảm thấy thoải mái, vui vẻ, thích thú với chương trình này.

Giáo viên được chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giảng dạy; không bị ràng buộc bởi sách giáo khoa hay lo “cháy giáo án”.

Thầy cô được tự chủ, linh hoạt, sáng tạo triển khai các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với năng lực của bản thân và nhận thức của học sinh hay, để từ đó phát huy tính chủ động, tích cực của học trò; làm cho mỗi tiết học trở thành một giờ vui của các học sinh và chính giáo viên.

Hầu hết các địa phương có đề án cụ thể về chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới và cơ bản đáp ứng yêu cầu đối với lớp 1 năm học 2020-2021. Tính đến nay, bình quân cả nước đạt 0,98 phòng học/lớp, đa số các trường đủ điều kiện thực hiện được phương án tổ chức dạy học từ 30 tiết trở lên. Đây là mức tối ưu của chương trình. Các tỉnh chưa đủ tỉ lệ 1 phòng học/lớp đều có giải pháp, lộ trình tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng trường lớp, thực hiện quy hoạch, dồn ghép điểm trường theo hướng ưu tiên cho lớp 1.

Thời gian đầu triển khai chương trình mới, có một số phản ánh về sách giáo khoa môn Tiếng Việt nặng; một số ngữ liệu chưa phù hợp với học sinh lớp 1.

Những vấn đề này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, đơn vị xuất bản khắc phục, tiếp thu, điều chỉnh. Những quy định về biên soạn, thẩm định sách giáo khoa cũng được Bộ chỉnh sửa để đảm bảo sách giáo khoa các lớp học sau có chất lượng tốt hơn.

Ngoài ra, năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên sử dụng biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức thì cần có các giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường, từng vùng miền để đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.

Lần đầu tiên Bộ giáo dục và Đào tạo xây dựng được cơ sở dữ liệu về đội ngũ toàn ngành, qua đó xác định đúng thực trạng thừa, thiếu giáo viên theo môn học, cấp học của từng địa phương; đồng thời đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu giáo viên theo từng môn học, cấp học theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trên cơ sở đó đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên cho địa phương để khắc phục triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ như trước đây.

Thùy Linh