Chương trình Trung học phổ thông mới môn Ngữ Văn: sự đổi trục trong giáo dục

01/03/2021 06:20
Cô giáo Trần Thị Thảo
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình phổ thông mới môn Ngữ văn chuyển trục hình thành, nuôi dưỡng và phát triển các phẩm chất và năng lực cho người học.

Hiện tại đã là tháng 2/2021, chỉ còn khoảng thời gian ngắn nữa thôi, bộ sách giáo khoa Ngữ văn 6 sẽ được đưa vào giảng dạy đồng loạt ở các nhà trường trong cả nước. Dù chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai, tập huấn đến giáo viên khoảng 2 năm nay, nhưng đến thời điểm này, càng gần ngày thay sách, mọi thứ càng trở nên gấp rút và giáo viên cần tâm thế và sự chuẩn bị tốt nhất thay đổi lớn lao này.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết viết của cô giáo Trần Thị Thảo - Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ban Mai (quận Hà Đông - Hà Nội).

Tổng quan về Chương trình phổ thông mới môn Ngữ văn

Cô giáo Trần Thị Thảo trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Cô giáo Trần Thị Thảo trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Chúng tôi gọi Chương trình phổ thông mới môn Ngữ văn là sự đổi trục trong giáo dục. Nói như vậy có nghĩa rằng, đây là sự thay đổi căn cốt từ trong mục tiêu, quan điểm giáo dục và giá trị cốt lõi của bộ môn.

Nếu chương trình phổ thông hiện hành (2006) chủ yếu hướng tới phát triển kiến thức, kĩ năng cho học sinh thì chương trình phổ thông mới chuyển trục hình thành, nuôi dưỡng và phát triển các phẩm chất và năng lực cho người học.

Chương trình môn Ngữ văn được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình hiện hành, đồng thời tiếp thu thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; đặt nền tảng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh.

Mục tiêu giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, hình thành và phát triển cho người học những phẩm chất cao đẹp: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và phát triển cá tính thông qua những hoạt động khám phá, tiếp nhận các văn bản ngôn từ, đặc biệt là văn bản văn học cùng với các hoạt động rèn luyện nghe, nói và thực hành tạo lập các kiểu văn bản thông dụng. Góp phần giúp học sinh phát triển các năng lực chung như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Đặc biệt, chương trình môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học thông qua hệ thống kiến thức phổ thông cơ bản về văn học, tiếng Việt và các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Ở mỗi cấp học, chương trình Ngữ văn được thiết kế để hiện thực hóa những mục tiêu cụ thể:

- Cấp Tiểu học: Bước đầu hình thành năng lực chung, năng lực ngôn ngữ qua kĩ năng nghe – nói – đọc – viết, phát triển năng lực văn học, năng lực thẩm mĩ…

- Cấp Trung học cơ sở: Tiếp tục phát triển phẩm chất, năng lực tốt đẹp đã được hình thành từ cấp Tiểu học và nâng cao, mở rộng về các phẩm chất, năng lực: tự hào dân tộc, ước mơ, khát vọng…

- Cấp Trung học phổ thông: Mở rộng và nâng cao yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực đã được bồi đắp ở cấp Trung học cơ sở, phát triển các phẩm chất, năng lực: bản lĩnh, cá tính, có lí tưởng và hoài bão…

Về nội dung cốt lõi: Cấp Tiểu học và cấp Trung học cơ sở được coi là giai đoạn 1 (Giáo dục cơ bản): chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức văn học và tiếng Việt được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe. Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh ở mỗi cấp học.

Mục tiêu của giai đoạn này là giúp học sinh sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống và học tập tốt các môn học khác (năng lực ngôn ngữ); hình thành và phát triển năng lực văn học; đồng thời, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm để học sinh phát triển về tâm hồn, nhân cách.

Cấp Trung học phổ thông là giai đoạn 2 (Giáo dục hướng nghiệp): chương trình môn học củng cố và phát triển các kết quả của giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh nâng cao năng lực ngôn ngữ, yêu cầu cao hơn về năng lực văn học, nhất là tiếp nhận văn bản văn học; tăng cường kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận, văn bản thông tin có độ phức tạp hơn về chủ đề và kĩ thuật viết, trang bị một số kiến thức lịch sử văn học, lí luận văn học có tác dụng thiết thực đối với việc đọc và viết về văn học.

Chương trình Phổ thông mới môn Ngữ văn còn thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng chuyển từ chỉ đánh kết quả qua các bài kiểm tra định kì để xếp hạng sang đánh giá quá trình nhằm cân bằng và điều chỉnh quá trình dạy học.

Chuyển từ đánh giá việc ghi nhớ kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết vấn đề, khả năng tư duy và sáng tạo. Chuyển từ một kênh giáo viên đánh giá sang đánh giá đa chiều, học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau.

Ảnh: NVCC

Ảnh: NVCC

Chương trình Ngữ văn 6 và sự chuẩn bị của nhà trường

Năm học 2021 – 2022 chờ đón sự thay đổi đầu tiên với chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 6. Vì trục giáo dục đã thay đổi từ kiến thức sang năng lực nên chương trình Ngữ văn 6 được thiết kế theo các năng lực sẽ hình thành ở người học: Nghe – nói – đọc – viết.

Chính từ việc mục tiêu và nội dung cốt lõi này nên ngay từ năm học 2020 – 2021, giáo viên Ngữ văn trường Trung học cơ sở Ban Mai đã tập trung nghiên cứu thông tư, chương trình và tiến hành trao đổi, báo cáo tìm hiểu và bước đầu vận dụng vào một số tiết học tăng cường môn Ngữ văn tại các lớp học.

- Kĩ năng nghe: Giáo viên rèn cho học sinh cách nghe chủ động theo quy trình bốn bước cũng là bốn yêu cầu cơ bản của kĩ năng lắng nghe: Nghe – hiểu, nghe – phản hồi, nghe – chắt lọc, nghe – ghi nhớ. Giáo viên áp dụng các phương pháp phát triển kĩ năng nghe chủ động qua các hoạt động cụ thể trong giờ học như: Nghe đọc truyện, nghe và điền từ, nghe để trả lời câu hỏi, nghe để tóm tắt lại…và kết hợp nghe – nói tương tác qua hoạt động thảo luận, tranh biện, bày tỏ quan điểm.

- Kĩ năng nói: Đối với chương trình Ngữ văn 6, kĩ năng nói được cụ thể hóa qua các nội dung học tập như: kể về một trải nghiệm đáng nhớ với bản thân, kể được một truyền thuyết và cổ tích một cách sinh động, trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống. Đặc biệt, kĩ năng nói được phát triển kết hợp với nghe qua hoạt động “nói – nghe tương tác” với việc thảo luận nhóm nhỏ để trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống. Với kĩ năng này, học sinh trong trường ngay từ lớp 6 đã được rèn luyện trong các giờ thực hành luyện nói và các bài tập dự án ở môn Ngữ văn. Giáo viên tiếp tục tăng cường hoạt động nói và nghe – nói tương tác để rèn năng lực cho học sinh đồng thời chuẩn bị tốt nhất về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học của chương trình mới.

- Kĩ năng đọc: Đây là một trong những kĩ năng quan trọng nhất của chương trình Ngữ văn nói chung và Ngữ văn 6 nói riêng. Vì vậy, có rất nhiều yêu cầu về nội dung và hình thức. Học sinh cần đọc hiểu Văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin với các yêu cầu cụ thể như: Đọc – hiểu nội dung và hình thức, đọc để so sánh và kết nối văn bản, đọc mở rộng; Yêu cầu về tư thế đọc, kĩ năng đọc thầm và đọc thành tiếng, kĩ năng đọc lướt, kĩ năng ghi chép trong khi đọc… Điều mới mẻ và thú vị nhất của chương trình Ngữ văn mới đó là học sinh được định hướng đọc mở rộng với những gợi ý và yêu cầu cụ thể.

Hoạt động này giúp người học mở rộng kiến văn và thực hành kĩ năng đọc – hiểu văn bản đã được giáo viên hướng dẫn. Với giáo viên của trường đây là một lợi thế, chính nhờ hoạt động dạy – học hàng ngày, kết hợp với hoạt động “Phát triển văn hóa đọc” của nhà trường giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách và tình yêu với sách từ sớm. Chúng tôi tiếp tục phát triển hoạt động này nhằm giúp học sinh không bị bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình mới.

- Kĩ năng viết: Viết là hoạt động cũng là kĩ năng vô cùng quan trọng đối với người học Văn. Tuy nhiên, từ thực tế giảng dạy chúng tôi thấy rằng, học sinh vô cùng vất vả và chật vật với việc tạo lập văn bản. Thông qua tìm hiểu chương trình Ngữ văn lớp 6 mới, chúng tôi thấy những khó khăn học sinh gặp phải được hỗ trợ và định hướng rõ ràng hơn.

Kĩ năng viết được hướng dẫn cụ thể từ quy trình viết đến hình thức thực hành viết. Về mặt quy trình, học sinh được hướng dẫn bốn bước từ chuẩn bị trước khi viết đến tìm ý, lập dàn ý, viết bài và sửa chữa. Chương trình Ngữ văn 6 học sinh được thực hành viết bài văn miêu tả, tự sự (như chương trình hiện hành) và luyện viết kiểu bài mới như thuyết minh, nghị luận ở mức độ đơn giản. Với kĩ năng này, chúng tôi cố gắng lồng ghép trong hệ thống bài tập tuần, hướng dẫn các bước làm bài đối với kiểu bài mới ở mức độ trình bày đoạn văn.

Đứng trước những đổi mới rất lớn từ chương trình Ngữ văn, chúng tôi thấy rằng đây là cơ hội đồng thời cũng là thách thức cho mỗi nhà trường từ cấp quản lí tới giáo viên giảng dạy. Cấp quản lí cần nắm vững cách thức vận hành nhà trường theo chương trình mở đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên được tự chủ và linh hoạt trong quá trình dạy – học. Nhà trường cần chuẩn bị cơ sở vật chất tối thiểu để triển khai chương trình mới.

Đối với giáo viên Ngữ văn, chúng tôi cần nắm vững định hướng chương trình, hiểu mục tiêu và cách thức đạt mục tiêu một cách sáng tạo và linh hoạt. Cần hơn hết trong giai đoạn tiền đề này, giáo viên tích cực tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để sẵn sàng cho cuộc cách mạng trong giáo dục và không ai bị bỏ lại phía sau.

Cô giáo Trần Thị Thảo