Chương trình mới Tiếng Việt lớp 1 nặng, tranh cãi có nên dạy chữ trước cho trẻ?

17/11/2020 06:20
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khối lượng kiến thức rất nặng, trong khi thời gian học lại quá ít thì làm sao trẻ có thể đọc thông viết thạo thần tốc theo chương trình được?

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông - Giai đoạn 2015-2020 gửi Quốc hội.

Đáng chú ý, báo cáo đề cập: "Qua theo dõi việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 đầu năm học 2020-2021 (tháng 9-10/2020), do thay đổi về phương thức giảng dạy, nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận phản ánh chương trình còn nặng, đặc biệt môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ;

Yêu cầu phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn, gây áp lực cho giáo viên và học sinh".

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Cùng với đó, nhiều ý kiến giáo viên, phụ huynh đang có con học lớp 1 năm nay dễ dàng nhận ra tiến độ học tiếng Việt và các môn khác khá nhanh. Nhiều phụ huynh chia sẻ, nếu trẻ không được học chữ trước thì quả là khá vất vả để theo kịp tiến độ môn tiếng Việt.

Câu chuyện về việc có nên dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 lạ tiếp tục có những ý kiến trái chiều nhau.

Chị Thu Xuân - phụ huynh một bé sinh năm 2015 (năm tới sẽ vào lớp 1) thắc mắc, như đa số phụ huynh đang có con học lớp 1 năm nay mà chị quen đều nói, nếu không học chữ trước khi vào lớp một thì trẻ khá vất vả đề theo kịp. Bởi khối lượng kiến thức trong một bài của học sinh lớp 1. Một ngày học bốn vần, cùng với đó là 4 đến 5 câu dài như bài tập đọc. Trong khi chỉ hai tháng thì làm sao học sinh đọc thông viết thạo được thần tốc như vậy?

Tuy nhiên, theo chị Thu Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) không ủng hộ việc dạy chữ cho học sinh trước khi bước vào lớp 1. Bởi chị cũng có thời gian được sống ở một số nước phát triển, ở lứa tuổi mầm non, trẻ ở các nước này đều không dạy chữ, cũng chả có luyện chữ đẹp gì hết.

“Đã dạy học sinh biết mặt chữ rồi, khi vào học các em sẽ không còn thấy hay nữa. Hơn nữa trong lớp học có em đã được học chữ trước, có em thì chưa được học thì sẽ có sự chênh lệch. Hãy để cho trẻ mầm non được sống đúng tuổi các em", chị Thu chia sẻ. Vì thế, dù sang năm con chị sẽ vào lớp 1 nhưng chị nhất quyết không có ý định cho con đi học chữ trước.

Bằng kinh nghiệm bản thân, chị Lương Yến có 2 con từng theo học ở một trường tư thục ở khu vực Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ:

“Hai bé nhà mình không bé nào học chữ hay số trước khi vào lớp 1. Bé thứ nhất có được học một chút ở mầm non, sau hè quên sạch nên vào lớp 1 coi như học lại từ đầu. Cô giáo chủ nhiệm chê con viết xấu nhưng mình bỏ ngoài tai, cô bảo các con là đi học thêm mình cũng kệ. Ở nhà bày trò dạy con ghép vần, tà tà học số. Hết học kỳ 1 con theo kịp các bạn, có phần còn trội hơn.

Bé thứ hai cũng thế, bắt đầu bằng nhận biết chữ cái, cách phát âm mấy chữ cái đó, nhận biết mặt số và ghép với số lượng đồ vật quanh nhà. Lúc này bạn ấy còn phải học tiếng Anh từ đầu cơ vì cả nhà đã ra nước ngoài. Sau 6 tháng bạn ấy nói sõi tiếng Anh, biết đọc, viết đơn giản (chữ như gà bới tới tận giờ), toán học đủ 4 phép tính trong phạm vi 20. Tóm lại chả kém con nhà bác nào.

Từ quan sát của tôi thì vấn đề không nằm ở chỗ dạy đọc viết trước mà ở chỗ có dạy theo tốc độ của trẻ hay không. Cùng là nội dung đó, ban giám hiệu đừng ép giáo viên là đến tuần này tuần kia là phải xong, giáo viên cũng đừng ép các con phải đạt trình độ như nhau. Miễn sao tới cuối lớp 1, các con đạt yêu cầu tối thiểu, bạn nào khá hơn bật xa hơn thì càng tốt”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Huế, giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Hà Nội đồng tình với quan điểm không cần thiết phải cho trẻ mầm non học chữ trước khi vào lớp 1: “Theo tôi cứ bám sát vào mục tiêu xuyên suốt của cả năm lớp 1 là giúp trẻ đọc thông viết thạo, không cần phải cho trẻ học chữ trước làm gì cả.

Có thể lúc đầu sẽ vất vả cho cả cô và trò nhưng cứ bám sát vào mục tiêu của cả năm lớp 1 rồi dần dần sẽ ổn. Trước đây tôi dạy những học sinh chưa biết mặt chữ khi mới vào lớp 1, bố mẹ cũng không cho học chữ trước, đến cuối năm lớp 1 tất cả các em đều hoàn thành mục tiêu là đọc thông viết thạo. Thế nên tôi thấy việc cho trẻ học chữ trước là không cần thiết”.

Đình Hùng