Chương trình mới, sao những tiết dạy vẫn diễn như cũ?

02/05/2021 06:34
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các tiết dạy vẫn là một kịch bản được chuẩn bị trước đến từng chân tơ kẽ tóc giống như vài chục năm về trước chứ hoàn toàn chưa thấy bất kỳ sự thay đổi nào.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình từng cho biết: “Việt Nam đã tiến hành tới 3 cuộc cải cách và 1 lần đổi mới giáo dục, nhưng cả 3 lần cải cách đó đều chưa thay đổi chương trình giáo dục mà chỉ đổi mới sách giáo khoa. Đến lần này là lần thay đổi, xây dựng chương trình một cách bài bản nhất”.

Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: baoquangngai.vnẢnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: baoquangngai.vn

Lời khẳng định đầy tự tin của Tổng Chủ biên cho thấy lần thay đổi chương trình lần này sẽ là sự khác biệt và mang lại hiệu quả cao so với những lần thay đổi trước.

Chưa bàn đến sự thay đổi về nội dung chương trình, thay đổi về sách giáo khoa, về phương pháp giảng dạy, về hình thức tổ chức lớp học, tổ chức các hoạt động dạy học.

Dưới góc nhìn của một nhà giáo có thâm niên nghề lâu năm, chúng tôi thấy các tiết dạy vẫn là một kịch bản được chuẩn bị trước đến từng chân tơ kẽ tóc giống như vài chục năm về trước chứ hoàn toàn chưa thấy bất kỳ sự thay đổi nào.

Hơn 40 năm trước đã dạy diễn

Hơn 40 năm về trước, khi còn là học sinh đang ngồi dưới mái trường. Chúng tôi vẫn thường được thầy cô gà bài, mớm bài cho những tiết dạy thao giảng dự giờ.

10 năm sau đó, khi đã trở thành giáo viên những tiết dạy dự giờ, dạy thao giảng, dạy minh họa cho những lần cải cách đổi mới giáo dục cũng đều là những tiết dạy được chuẩn bị kỹ càng trước từ tất cả các khâu mà chúng tôi quen gọi là tiết dạy diễn.

Cứ mỗi khi trường nào có tiết dạy minh họa cho nhiều trường về dự thì cứ y như rằng trường nào cũng huy động tổng lực để xây dựng tiết dạy ấy từ hình thức đến cả nội dung.

Học sinh được lựa chọn vào tiết học là những em tiêu biểu từ các lớp. Những câu hỏi giáo viên sẽ hỏi trong tiết dạy, câu trả lời của các em, câu hỏi nêu vấn đề, tạo tình huống cả những lời nhận xét về bạn, nhận xét về nhóm học tập…

Đến cả việc ai cũng phải giơ tay phát biểu nhưng ai sẽ được gọi trả lời cũng được sắp xếp trước.

Tiết dạy mẫu được dạy đi dạy lại ít nhất vài ba lần trước khi vào tiết dạy chính thức. Và, ngày dạy thật thầy trò chỉ cùng nhau diễn lại.

Thế nên, những tiết dạy mẫu kiểu này đều diễn ra mỹ mãn, đều làm hài lòng các chuyên gia, các đại biểu khách mời từ các cấp. Và như thế, chương trình mới luôn được kết luận là hiệu quả, thành công.

Những tiết dạy chuyên đề, tiết dạy minh họa của chương trình mới lần này vẫn chủ yếu là diễn

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai ở khối lớp 1 trong năm học 2020-2021. Để đánh giá hiệu quả của chương trình, đánh giá về sách giáo khoa cũng như giới thiệu về các phương pháp, các kỹ thuật dạy học, các công cụ đánh giá…chương trình mới đã minh họa bằng những tiết dạy mẫu.

Cứ xem những tiết dạy ấy, người ngoài ngành thì xuýt xoa, tiết dạy hoàn hảo, giáo viên dạy hay quá, học sinh học giỏi quá…chương trình mới đã thành công.

Ngược lại người trong ngành, cứ nhìn vào cách dạy và các học của học sinh đều khẳng định rằng đó là những tiết dạy diễn. Bởi ngoài thực tế một tiết dạy thông thường không bao giờ suôn sẻ như thế được.

Bên cạnh những tiết dạy minh họa trong giáo trình, các trường học cũng tổ chức dạy học thực nghiệm chương trình bằng những tiết thao giảng dự giờ.

Những tiết dạy dự giờ này, cũng được các trường học chuẩn bị từ A đến Z như 40 năm về trước.

Từ khâu chọn lớp, chọn giáo viên thể hiện đến việc tập dợt cho học sinh thể hiện một cách thuần thục.

Những tiết dạy, tiết học ấy có thể nói không chê vào đâu được vì học sinh quá giỏi và giáo viên giảng dạy cũng thực hiện đúng mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất cho các em.

Sao không dạy tự nhiên? Sao cứ phải dạy diễn?

Thứ nhất, thường thì giáo viên phải dạy diễn vì trong thực tế, cả giáo viên và học sinh không thể dạy và học được như những tiết dạy mẫu.

Thứ hai, dự giờ là góp ý, với tâm lý sợ góp ý, sợ bị đánh giá là dạy dở, là chuẩn bị tiết dạy không chu đáo nên các trường luôn tập dợt trước những tiết dạy dự giờ.

Thứ ba, thói quen trong nếp nghĩ, thất bại của tiết dạy là do giáo viên vận dụng phương pháp giảng dạy chưa tốt chứ không phải do chương trình hay sách giáo khoa. Vì thế, ít giáo viên, ít nhà trường dám dạy thật.

Thứ tư, thích được khen, thích thành tích, muốn được đánh giá dạy hay, học sinh học giỏi, chỉ đạo chuyên môn tốt nên trường nhiều trường, nhiều giáo viên đều phải nỗ lực chuẩn bị.

Tác hại của việc dạy diễn

Do tiết dạy diễn quá hoàn hảo nên không thể đánh giá được hiệu quả của chương trình, đánh giá được việc sử dụng phương pháp dạy học, hình thức tổ chức lớp học có phù hợp, có hiệu quả không.

Do dạy diễn nên người ta ngộ nhận chương trình đã thành công, ngộ nhận học sinh học giỏi để khi trở về thực tế những tiết dạy diễn với những tiết dạy thật ở lớp có sự vênh nhau một trời một vực.

Vì ngộ nhận về chương trình, về học sinh nên không có sự điều chỉnh phù hợp dẫn đến chất lượng học thực tế khó đạt theo mong muốn. Và như thế, những tiết dạy sau bắt buộc phải tiếp tục diễn nếu không lỗi sẽ dồn hết vào giáo viên.

Làm gì để không còn những tiết dạy diễn?

Bỏ bớt việc dự giờ, bỏ bớt kiểu dựa vào 1 tiết dạy để đánh giá sự thành công của chương trình, đánh giá hiệu quả của việc sử dụng phương pháp và hình thức giảng dạy, đánh giá trình độ học sinh, đánh giá chuyên môn giáo viên cũng như chuyên môn nhà trường.

Một chương trình tốt, một cách dạy hay hiệu quả chính là chất lượng học sinh sau một năm học thể hiện ở việc khảo sát chất lượng đầu ra một cách nghiêm túc, khách quan (bằng những công cụ đánh giá khác nhau).

Tài liệu tham khảo:

http://kinhtedothi.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-phat-trien-pham-chat-va-nang-luc-cua-nguoi-hoc-325286.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên