Chương trình mới lớp 1 tiến độ quá nhanh, học sinh khó theo kịp

04/10/2020 06:15
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- So với chương trình cũ, chương trình mới lớp 1 năm nay được các giáo viên đánh giá nặng hơn, nhịp độ học nhanh nên học sinh khó tiếp thu.

Sau gần 1 tháng áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, các giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh lớp 1 đều khẳng định chương trình nặng hơn, quá trình học tập của học sinh vất vả hơn.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô L.T.H (giáo viên công tác tại Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết: “Chưa năm nào dạy học lớp 1 lại áp lực, gian nan như năm học này”.

Âm, vần chưa nhớ đã phải tập đọc, khối lượng kiến thức quá nhiều

Năm nay, trường cô H chọn bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đánh giá của cô H, chương trình mới không chỉ quá nặng, quá nhanh mà còn tồn tại nhiều bất cập.

Cô H phân tích: “Dạy học theo chương trình mới, phần học âm, học vần học sinh chưa nhớ, chưa nắm chắc đã vội vàng chuyển sang phân môn tập đọc.

Chương trình cũ đi theo trình tự giúp học sinh vận dụng dễ dàng, phần học âm, học vần dàn trải đều, học âm, học vần đến tiết 25 mới tập đọc, học sinh nắm chắc âm vần rồi, chuyển sang tập đọc rất dễ. Phần tập đọc cũng là câu ngắn, dễ hiểu.

Trong khi chương trình mới, học âm, học vần quá nhanh, tiết 19 đã chuyển sang tập đọc, lại còn học vần song song với tập đọc. Tập đọc với câu văn dài gây khó khăn cho các em.”

Bên cạnh đó, cô H còn khẳng định bộ sách quá cồng kềnh từ số lượng đến nội dung. Chương trình mới quá nhiều sách bài tập mà hầu như không có tác dụng.

“Như môn đạo đức, một tiết học hơn 30 phút, học lý thuyết chưa xong đã chuyển sang bài tập.

Với môn Toán, sách bài tập có nội dung không sát, không khớp với sách giáo khoa. Giáo viên rất khó để dạy. Thêm vào đó còn có quá nhiều dụng cụ học tập trong khi trẻ chỉ sử dụng để chơi và đùa nghịch là chính”, cô H chia sẻ.

Hình ảnh không thay được mặt chữ

Theo cô H, sự cồng kềnh của bộ sách còn thể hiện ở nội dung sách. Sách giáo khoa mới năm nay in quá nhiều hình ảnh khiến nội dung bị loãng và học sinh mất sự tập trung chú ý. Cô H phân tích sự bất cập:

“Vì quá nhiều hình ảnh trong sách nên các con cứ lật từ trang này sang trang khác xem chứ không chú tâm học bài.

Đối với chương trình cũ, các con tập đọc trên bảng, đọc kỹ rồi mới mở sách ra đọc. Khi sách chỉ có kênh chữ thì con tập đọc một cách chú tâm nhất.

Theo chương trình mới, học sinh học trong sách từ đầu đến cuối, sách in hình ảnh nhiều làm phân tán sự tập trung, các con tập đọc qua hình ảnh mà không nhớ mặt chữ”.

Cô H phản ánh nội dung chương trình sách Tiếng Việt 1 bộ sách Chân trời sáng tạo khiến sinh đọc qua hình ảnh và không nắm được mặt chữ (Ảnh: Giáo viên cung cấp)

Cô H phản ánh nội dung chương trình sách Tiếng Việt 1 bộ sách Chân trời sáng tạo khiến sinh đọc qua hình ảnh và không nắm được mặt chữ (Ảnh: Giáo viên cung cấp)

Cô H nêu ví dụ: Hình ảnh con ghẹ, các con vừa nhìn vừa đọc “ghẹ”, thế nhưng sau đó cô viết từ “ghẹ” lên bảng, không còn hình ảnh, các con không biết đọc.

“Thời đại công nghệ thông tin hiện nay, các con được tiếp xúc với hình ảnh đa dạng nhiều rồi, không nhất thiết phải mang hình ảnh nhiều vào sách, nó không phù hợp và làm các con không tập trung”, cô H nhấn mạnh.

Một điểm bất cập của chương trình mới mà cô H đưa ra là phần khởi động qua bức tranh. Theo cô, nhiều bức tranh đến giáo viên nhìn mãi mới ra nội dung nhưng lại áp dụng cho học sinh lớp 1. Các con chưa biết khai thác tranh, tư duy còn kém, chưa hiểu nội dung tranh thì dành ra 7 phút cho tranh khởi động là không phù hợp.

“Chúng ta nói chương trình mới giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng theo tôi thấy, chỉ có tăng chứ không giảm, giáo viên, học sinh, phụ huynh đều rất áp lực, học tập vô cùng vất vả”, cô H nhận định.

Là giáo viên trực tiếp giảng dạy chương trình mới, cô H thừa nhận áp lực và khó khăn:

“Rất khó dạy, các đồng nghiệp của tôi cũng đều lo lắng, tối soạn bài đến khuya, ngày lại “đánh vật” với học sinh đánh vần. Nhưng dạy học các con khó tiếp thu, không nắm bắt được sẽ rất áp lực và mệt mỏi.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng chia sẻ rằng họ phải học cùng con đến khuya, nhưng cứ gấp sách lại con không biết gì”.

Cũng theo cô H, chương trình mới còn khiến phụ huynh khó phối hợp với giáo viên trong việc dạy học cho con trẻ. Vì nhiều phụ huynh không biết phải dạy làm sao trong khi trước đây, anh chị lớp 5 đã có thể chỉ em lớp 1 học.

“Tôi thấy thương các con, không trách các con được vì chương trình quá nặng mà ở mẫu giáo, các con không được học gì, không được biết mặt chữ, không biết viết.

Khó khăn lắm nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để giúp các con đạt mục đích tối thiểu là đọc thông viết thạo. Có phần chương trình không phù hợp tôi buộc phải lược bỏ đi để tập trung dạy các con tập đọc, tập viết. Ví dụ những phần nối câu trong khi trẻ chưa biết đọc, chưa biết hết mặt chữ là rất vô lý.”, cô H tâm sự.

Theo cô H, với chương trình nặng như thế, khi trẻ học mẫu giáo phải cho các con làm quen và nhận biết mặt chữ, tập viết thì lên lớp 1 các con mới có thể học kịp tiến độ được.

Phạm Minh