Chúng tôi đã từng chấm những sáng kiến… lạ đời!

02/02/2020 06:33
Ánh Dương
(GDVN) - Có những giáo viên copy sáng kiến 100% từ mạng Internet và quên luôn việc sửa tên… cơ quan chủ quản.

Vì sao phải có sáng kiến?

Từ ngày 15/9/2017, “Sáng kiến kinh nghiệm” được rút ngắn thành “Sáng kiến” theo Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức.

Có thể hiểu, “Sáng kiến” có nội hàm rộng hơn “Sáng kiến kinh nghiệm” bởi “nó” có thể được giáo viên viết ra từ kinh nghiệm hoặc đưa ra một giải pháp nào đó mang lại lợi ích thiết thực trong công việc.

Nghị định 88 đã bỏ tiêu chí “Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận” khi phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ và phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành nhiệm vụ.

Chiếu theo Nghị định trên, viên chức muốn được xếp loại mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẫn phải có sáng kiến. 

Nếu thiếu sáng kiến thì sẽ không đạt viên chức xuất sắc, kéo theo không được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Vì quy định như thế cho nên hàng năm ở đơn vị trường học có nhiều giáo viên đăng kí viết sáng kiến để được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”.

Khi giáo viên được công nhận danh hiệu thi đua thì sẽ được nâng lương trước thời hạn (6 tháng hoặc 1 năm). Đó cũng chính là “động lực” khiến nhiều giáo viên tham gia viết sáng kiến. 

Cho nên mới có chuyện giáo viên chẳng có kinh nghiệm, thậm chí không có giải pháp gì cũng đăng kí viết sáng kiến.

Có những sáng kiến lạ đời. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Có những sáng kiến lạ đời. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)

Những sáng kiến lạ đời!

Hàng năm, trường chúng tôi (trường trung học phổ thông) có nhiều giáo viên, nhân viên đăng kí viết sáng kiến. 

Sau đó Hiệu trưởng quyết định thành lập Hội đồng khoa học chấm sáng kiến để chấm thẩm định những đề tài này.

Chúng tôi đã nhiều năm tham gia chấm sáng kiến, được đọc nhiều sản phẩm của đồng nghiệp và có những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Chúng tôi chỉ cần nhìn những sáng kiến mà hình thức trình bày “chưa sạch nước cản” là thẳng tay trừ hết điểm phần này (0 điểm). 

Đó là những sáng kiến không có mục lục, thiếu lời mở đầu, vắng bóng tài liệu tham khảo và trình bày các tiểu mục không đúng quy chuẩn.

Tiếp đến, chúng tôi copy một số đoạn của sáng kiến nhờ Google tìm kiếm từ Internet để kiểm tra có đạo văn hay không.

Những sáng kiến kinh nghiệm rồi sẽ đi về đâu?
Những sáng kiến kinh nghiệm rồi sẽ đi về đâu?

Và chúng chúng tôi đã từng bắt gặp một “sáng kiến” của đồng nghiệp ghi tên cơ quan chủ quản là “Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau”, trong khi giáo viên đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

“Sáng kiến” này được sao chép từ Internet không sai một dấu chấm, dấu phẩy, kể cả lỗi chính tả.

Cũng có “sáng kiến” copy tinh vi hơn là cóp nhặt nhiều đoạn trên mạng mạng, biến thành sản phẩm của riêng mình mà tác giả không thèm trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo.

Loại sáng kiến này, chúng tôi không khó để nhận ra, cũng không cần kiểm tra từ Internet, bởi khi đọc mỗi đoạn có một… giọng văn khác nhau.

Gặp những “sáng kiến” như thế, chúng tôi thất vọng vô cùng vì tác giả đã trắng trợn lừa dối giám khảo và hơn hết là thiếu liêm chính học thuật.

Những “sáng kiến” đó, chúng tôi phê ngắn gọn là “đạo văn” và đánh trượt ngay vòng đầu (dưới 5 điểm).

Tuy nhiên, cũng có sáng kiến chúng tôi biết chắc mười mươi không phải của tác giả viết ra (vì yếu kém chuyên môn) nhưng vẫn không có cơ sở để trừ điểm.

Bởi, sáng kiến đó được xin từ những tỉnh/thành khác nhưng chưa được… đưa lên mạng, buộc lòng chúng tôi phải chấm loại khá để tránh… kiện cáo về sau.

Và giám khảo cũng lạ kì!

Đơn vị chúng tôi có một Hiệu phó làm việc đã qua 2 nhiệm kì (10 năm), chưa bao giờ viết một Sáng kiến nào cả nhưng năm nào cũng làm giám khảo chấm cho đồng nghiệp.

Trong khi, có những sáng kiến mang tính học thuật rất cao, khác với chuyên ngành của Hiệu phó nhưng giám khảo này không hề từ chối mà vẫn… chấm tất.

Giám khảo này chấm điểm không mất lòng ai, bởi Sáng kiến lúc nào cũng trên… 9 điểm.

Tuy vậy, năm học 2018-2019, giám khảo này chấm sáng kiến của chúng tôi chỉ 8,0 điểm. Chúng tôi thắc mắc hỏi giám khảo có chỗ nào không ổn, nhờ góp ý thì được trả lời “Sáng kiến sai… 4 lỗi chính tả và viết còn… ít trang”.

Sáng kiến kinh nghiệm đang được đề cao quá mức trong việc xét thi đua hàng năm
Sáng kiến kinh nghiệm đang được đề cao quá mức trong việc xét thi đua hàng năm

Bên cạnh đó, đa số giám khảo chấm sáng kiến là thành viên Ban Giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn nên việc thẩm định cũng thiếu khách quan.

Gặp những sáng kiến mà tác giả là giáo viên ruột, giáo viên thân cận của Ban Giám hiệu thì được cho qua dễ dàng, có khi điểm số cao ngất.

Hoặc tổ trưởng chuyên môn nào gặp sáng kiến của tổ viên mình thì cũng thường có tâm lí chấm nhẹ tay hơn và cho điểm cũng cao hơn.

Đơn vị chúng tôi công tác năm nào cũng có nhiều giáo viên tham gia viết sáng kiến nên Hội đồng chỉ lấy số lượng theo đúng quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Và thế là mới có chuyện… bỏ phiếu để chọn ra 15% sáng kiến trình lên Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định để cơ quan này ra quyết định công nhận danh hiệu thi đua.

Những sáng kiến được bỏ phiếu đầu tiên là thành viên Ban Giám hiệu, sau đó đến tổ trưởng chuyên môn và cuối cùng mới đến giáo viên/nhân viên.

Cho nên có những sáng kiến rớt… oan nhưng tác giả không làm gì được vì “án” tại… lá phiếu.

Chúng tôi không phủ nhận việc viết sáng kiến theo quy định hiện hành. Nhưng như những gì đã phân tích, rõ ràng việc viết sáng kiến còn quá bất cập.

Hi vọng ngành Giáo dục lắng nghe tiếng nói của giáo viên chúng tôi để có những giải pháp khả thi hơn trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

//thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-88-2017-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-56-2015-ND-CP-danh-gia-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-357228.aspx

Ánh Dương