Chúng tôi đã mạnh dạn triển khai 1 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên

03/01/2022 06:52
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kế hoạch giáo dục mang tính tổng thể, có mối quan hệ giữa các bộ môn, tích hợp các chủ đề liên môn, hoặc những chủ đề giúp học sinh có thể trải nghiệm sáng tạo.

“Kế hoạch giáo dục nhà trường có thể coi như “xương sống” để chỉ đạo mọi hoạt động của nhà trường trong năm học, nó vô cùng quan trọng. Nhà trường muốn triển khai tốt các hoạt động thì sẽ thể hiện ở việc lên kế hoạch này ra sao, chính vì vậy khi xây dựng kế hoạch, tôi dựa trên thực tế của cơ sở mình, tìm những điểm mạnh, yếu để xây dựng một kế hoạch tổng thể phù hợp.

Qua kế hoạch này sẽ thấy được cả một quá trình của học sinh từ đầu vào cho đến đầu ra, rồi chuẩn đầu ra mà nhà trường đã định. Có trường chú trọng đến việc xây dựng văn hóa nhà trường, trường học hạnh phúc, rồi nâng cao kĩ năng và giá trị sống cho học sinh. Nhưng có trường lại muốn đẩy mạnh, cung cấp cho học sinh các “công cụ” cho tương lai, ví dụ như ngoại ngữ, tin học, Kĩ năng sống,…

Một kế hoạch giáo dục mang tính chất tổng thể, phải có mối quan hệ giữa các bộ môn này với bộ môn khác, để tích hợp các chủ đề liên môn, hoặc những chủ đề mà học sinh có thể trải nghiệm sáng tạo, và nếu kế hoạch thành công, có hiệu quả thì học sinh sẽ là người hưởng lợi”, Thạc sỹ quản lý giáo dục Vũ Thị Lan Anh- Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thạc sỹ quản lý giáo dục Vũ Thị Lan Anh- Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cao Bá Quát (người đứng giữa ảnh) và các em học sinh trong nhà trường. Ảnh: NVCC.

Thạc sỹ quản lý giáo dục Vũ Thị Lan Anh- Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cao Bá Quát (người đứng giữa ảnh) và các em học sinh trong nhà trường. Ảnh: NVCC.

Cô Lan Anh cho biết: “Trường chúng tôi nằm ở khu đô thị mới, dân cư từ khắp các tỉnh thành về đây sinh sống, nhận thức và điều kiện kinh tế rất khác nhau, nên để phụ huynh hiểu nhà trường thì điều quan trọng là phải mời được mọi người chung tay phối kết hợp giáo dục các con. Quan điểm của tôi học không phải là “nhồi nhét” kiến thức, mà phải làm sao phát triển học sinh một cách toàn diện cả về kiến thức, đạo đức, kĩ năng sống và rất mừng là phụ huynh học sinh cũng rất đồng tình.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, ban giám hiệu đã rất đổi mới, các thầy cô giáo cũng đã nhiệt tình vào cuộc, và có thể nói đến thời điểm này nhà trường đã khẳng định được chất lượng qua hai nội dung, thứ nhất: Đầu vào, chúng tôi phải tiếp nhận 100% học sinh chứ không được tuyển chọn nhưng đầu ra 3 năm liền chúng tôi đã luôn đứng đầu tỷ lệ thi đỗ vào lớp 10 Trung học phổ thông của huyện.

Về giáo dục kĩ năng sống, nhà trường phối hợp với nhiều tổ chức như huyện Đoàn, hội Phụ nữ, Công an huyện, một số doanh nghiệp,…đến trường nói chuyện với học sinh những vấn đề các em quan tâm như giáo dục tâm lí lứa tuổi, kĩ năng thoát hiểm, định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra các em học sinh khối 6 -7 còn có 1 tiết học kĩ năng sống trong tuần được giảng dạy bởi những thầy cô có kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống, dựa trên cơ sở đặc thù của địa phương, giáo viên sẽ bàn bạc với ban giám hiệu để đưa vào những bài giảng kĩ năng thích hợp.

Rất đáng mừng là các bậc phụ huynh của nhà trường cũng đã tham gia phối hợp, cùng với giáo viên chủ nhiệm tổ chức giáo dục kĩ năng cho học sinh cũng như phụ huynh các em. Ngoài ra, chúng tôi còn lồng ghép vào các tiết học để học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức vào hoàn cảnh thực tế”.

Mạnh dạn triển khai 1 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên

Theo cô Lan Anh: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đối với những tiết học thực hành, các em sẽ được tham gia các hoạt động ngoài trời, chúng tôi cũng đã phối hợp với một số viện bảo tàng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, xưởng sản xuất, hợp tác xã trồng rau, trang trại chăn nuôi, trường dạy nghề…để các con có dịp đến tận nơi, tận mắt tìm hiểu thực tế, so sánh với những kiến thức đã học trên lớp, từ những trải nghiệm đó các con sẽ có những định hướng cho nghề nghiệp sau này.

Ngoài ra trong chương trình mới còn có một số bộ môn tích hợp khác như Khoa học tự nhiên, Lịch sử Địa lý, môn nghệ thuật. Khi triển khai dạy những môn này, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như các thầy cô trong trường chưa được đào tạo bài bản để dạy những môn tích hợp. Nhưng tôi cùng ban giám hiệu đã bàn và đưa ra giải pháp, thứ nhất môn Lịch sử và Địa lý là một phân môn nhưng có 2 cuốn sách giáo khoa riêng dạy song song, chính vì vậy nhà trường vẫn triển khai 2 thầy cô cùng dạy song song và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh.

Mấu chốt thành công của Kế hoạch giáo dục nhà trường. Cô Lan Anh chia sẻ: “Người đầu tiên phải thay đổi chính là người hiệu trưởng, dám thay đổi, dám nghĩ, dám làm, dám đưa vào những cái mới và cùng ban giám hiệu đưa ra kế hoạch, đồng thời phải đồng hành giúp đỡ, động viên các thầy cô thực hiện. Ảnh: NVCC.
Mấu chốt thành công của Kế hoạch giáo dục nhà trường. Cô Lan Anh chia sẻ: “Người đầu tiên phải thay đổi chính là người hiệu trưởng, dám thay đổi, dám nghĩ, dám làm, dám đưa vào những cái mới và cùng ban giám hiệu đưa ra kế hoạch, đồng thời phải đồng hành giúp đỡ, động viên các thầy cô thực hiện. Ảnh: NVCC.

Nhưng với môn Khoa học tự nhiên, chúng tôi khá khó khăn khi triển khai bởi theo yêu cầu phải dạy nối tiếp, nếu phân công 3 giáo viên Lý, Hóa, Sinh dạy nối tiếp thì việc sắp xếp thời khóa biểu rất khó và cũng không đủ giáo viên, chính vì vậy tôi đã phân công 1 giáo viên dạy cả 3 phân môn. Nhưng để làm được như vậy, trong dịp hè vừa qua tôi đã tổ chức rất nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ Khoa học tự nhiên, và từng giáo viên sẽ trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ của môn mình đang dạy với các thầy cô khác không cùng chuyên môn trong tổ, và ngược lại sẽ lĩnh hội những kiến thức và kinh nghiệm của đồng nghiệp khác phân môn chia sẻ.

Tất cả các thầy cô có chuyên môn Lý, Hóa, Sinh chia sẻ và học hỏi lẫn nhau về nghiệp vụ, cách triển khai bài giảng trên lớp, nhờ đó các thầy cô trong trường hiện nay đã có thể tự tin đứng lớp dạy cả 3 phân môn, qua kiểm tra đánh giá, ban giám hiệu nhận thấy chất lượng của môn này cũng đã đạt yêu cầu. Ngoài việc học hỏi đồng nghiệp, tôi cũng động viên các thầy cô trong tổ Khoa học tự nhiên đăng kí tham gia các khóa học bồi dưỡng để có chứng chỉ theo yêu cầu, hiện tại các thầy cô cũng đã theo học.

Thực sự thời gian đầu triển khai chúng tôi nghĩ sẽ rất khó khăn, nhưng nhờ cách sắp xếp bố trí giáo viên tự học trước vào dịp hè, thứ hai là động viên tạo điều kiện để giáo viên đi học nên các thầy cô rất tự tin, hiện tại từ đầu năm nay chúng tôi đã phân công 1 giáo viên đảm nhiệm dạy 3 phân môn của Khoa học tự nhiên và qua kiểm tra đánh giá thấy kết quả học tập của học sinh rất tốt”.

Mấu chốt thành công của Kế hoạch giáo dục nhà trường. Cô Lan Anh chia sẻ: “Người đầu tiên phải thay đổi chính là người hiệu trưởng, dám thay đổi, dám nghĩ, dám làm, dám đưa vào những cái mới và cùng ban giám hiệu đưa ra kế hoạch, đồng thời phải đồng hành giúp đỡ, động viên các thầy cô thực hiện.

Chỉ đạo là của ban giám hiệu nhưng người thực hiện là các thầy cô trong nhà trường, vậy nên rất cần sự đồng lòng phối hợp thông suốt. Ngoài ra cũng cần sự đồng lòng của phụ huynh học sinh trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Có như vậy kế hoạch mới thành công.

Tuy nhiên, đội ngũ các thầy cô trong nhà trường cũng có một vài trường hợp “ngại” thay đổi, tôi đã gặp riêng trao đổi, nghe các thầy cô chia sẻ tâm tư, nguyên nhân là họ thay đổi nhưng không được nhanh nhạy như những thầy cô khác nên có phần mặc cảm. Tôi cũng đã “đồng hành” với các thầy cô một thời gian, giúp họ thay đổi từng chút một và giờ đây các thầy cô này đã hoàn toàn tự tin trong việc đổi mới”.

Cô Lan Anh chia sẻ thêm: “Trường chúng tôi có thể nói là đi đầu trong huyện về vấn đề tư vấn học đường, cân bằng cảm xúc cho học sinh cũng như các thầy cô giáo. Ảnh: NVCC.
Cô Lan Anh chia sẻ thêm: “Trường chúng tôi có thể nói là đi đầu trong huyện về vấn đề tư vấn học đường, cân bằng cảm xúc cho học sinh cũng như các thầy cô giáo. Ảnh: NVCC.

Phòng “cân bằng cảm xúc" cho học sinh

Cô Lan Anh chia sẻ thêm: “Trường chúng tôi có thể nói là đi đầu trong huyện về vấn đề tư vấn học đường, cân bằng cảm xúc cho học sinh cũng như các thầy cô giáo. Trước đây, tôi thấy rất ít học sinh có tính cách “đặc biệt”, hoặc rất ít những trường hợp học sinh phải chịu áp lực từ gia đình. Nhưng hiện nay có nhiều học sinh vừa khóc vừa tâm sự chia sẻ với tôi rằng: Con rất bực tức vì bố mẹ áp đặt thế này, thế kia với mong muốn các con phải đạt điểm 10 tuyệt đối, như vậy cha mẹ mới hài lòng, trong khi bài đó con đã đạt 8 điểm.

Nhiều cha mẹ cáu lên là đánh con mà không hỏi nguyên nhân lí do tại sao con lại có hành động như vậy. Chính từ việc nhiều học sinh bức xúc không kìm nén được nên khi đến trường lại gây gổ với các bạn trong lớp, việc này cũng gây căng thẳng giữa các học sinh trong lớp với nhau, gây mất đoàn kết.

Vì thế căn phòng "cân bằng cảm xúc" này ra đời đã được hơn 2 năm với những cây đàn, dụng cụ vẽ, nghe nhạc, những cuốn sách,…ở đó các thầy cô và học sinh có thể “xả bớt” những căng thẳng, buồn phiền, mệt mỏi, lo lắng mà mọi người gặp phải trong cuộc sống, trong công việc cũng như học tập, qua đó mọi người sẽ biết kìm chế cảm xúc bằng cách tham gia một số hoạt động trong phòng.

Trong giờ học, nếu giáo viên nhận thấy học sinh nào có biểu hiện hơi “khác” là em đó sẽ được hỏi thăm, động viên và nếu cần thiết có thể cho học sinh đó đến phòng “cân bằng cảm xúc”, ở đó các em sẽ được thầy cô tư vấn tâm lí, giải tỏa những bức xúc và sau khoảng 30 phút đồng hồ khi tâm trạng đã ổn định, học sinh đó lại tiếp tục vào lớp học tập.

Nếu như trước đây với những học sinh có biểu hiện mất tập trung trong lớp như vậy thì nhiều thầy cô cũng khó chịu, nhưng giờ đây nhờ đổi mới, mọi chuyện sẽ được suy nghĩ theo hướng tích cực hơn, thầy cô cũng đã thông cảm, đồng hành cùng học sinh và nhờ đó mọi chuyện học tập, sinh hoạt trong nhà trường cũng trở nên tốt đẹp hơn”.

Tùng Dương