Chúng ta vẫn đang quay cuồng với thi cử, bằng cấp, thành tích

06/12/2020 06:08
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đổi mới giáo dục đang hướng tới việc giảm áp lực thi cử nhưng hiện nay chúng ta vẫn đang quay cuồng với áp lực về bằng cấp, điểm số, thành tích,…

Theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, người học sẽ làm chủ kiến thức, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Với mục tiêu đã nêu, chúng ta đang bước đầu triển khai chương trình mới, sách giáo khoa mới, đồng thời có những thay đổi về môn học, phương pháp dạy học, đổi mới nhận xét, đánh giá học sinh,…

Cùng với đó, việc thay đổi thi cử, đổi mới thi cử là một vấn đề cần thiết, quan trọng được nhiều người đặt ra hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên - Tổng giám đốc Innedu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Đổi mới về thi cử chính là đòn bẩy mạnh mẽ để làm thay đổi kết quả đầu ra cho ngành giáo dục, để thực hiện thành công mục tiêu của đổi mới giáo dục.

Không thể có kết quả mới theo cách làm cũ

Theo cô Tô Thụy Diễm Quyên, giáo dục Việt Nam đang trên con đường đổi mới, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Quá trình đổi mới cần được triển khai từng bước, từng giai đoạn nhưng vẫn phải đảm bảo sự đồng bộ trên tất cả các phương diện, trong đó có thi cử.

“Hiện nay, nội dung đề kiểm tra, đề thi vẫn còn nặng về kiểm tra kiến thức. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc học sinh học thuộc lòng, học vẹt”, cô Quyên cho biết.

Ngoài ra, cách ra đề kiểm tra ghi nhớ cùng với quan niệm coi trọng thành tích, điểm số, sự đỗ đạt sẽ xảy ra hiện tượng quay cóp trong thi cử, vấn nạn học thêm, dạy thêm càng gia tăng.

Để đạt điểm số cao, đỗ vào trường học, ngành học theo kỳ vọng của người lớn, nhiều học sinh sẽ phải học thêm, tham gia vào các lò luyện thi. Các em trải qua những kỳ thi với áp lực quá lớn, thậm chí là những ảnh hưởng về sức khỏe, đời sống tình cảm, tinh thần,…

Hiện nay, thành tích, điểm số, bằng cấp vẫn được coi trọng trong ngành giáo dục. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Hiện nay, thành tích, điểm số, bằng cấp vẫn được coi trọng trong ngành giáo dục. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

“Một sinh viên ra trường với nhiều bằng cấp, điểm số cao chưa hẳn đã là một người thành công. Ai cũng hiểu rõ điều đó nhưng chúng ta vẫn đang quay cuồng với thi cử, bằng cấp, thành tích.

Hiện nay, vẫn có những trường học lấy số lượng học sinh đậu đại học mỗi năm làm cơ sở để đánh giá thành tích, chất lượng của nhà trường.

Trường học báo cáo 100% học sinh đậu đại học nhưng không tìm hiểu trong con số đó, bao nhiêu phần trăm học sinh học đúng ngành, đúng trường, đúng năng lực, nhu cầu. Vấn đề việc làm sau đào tạo có đảm bảo không?

Nếu mục tiêu của trường học chỉ là quy hoạch hết số học sinh vào đại học thì sẽ gây ra sự lãng phí rất lớn cho nhà trường và xã hội”, cô Quyên khẳng định.

Một trong những mục tiêu của đổi mới giáo dục là phát triển năng lực, phẩm chất; tăng khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Nếu trong thi cử, học sinh vẫn học thuộc lòng, vẫn quay cóp thì chứng tỏ mục tiêu đó không đạt được.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh: “Không thể có kết quả mới theo cách làm cũ. Nếu vẫn giữ cách thi cũ như trước đây thì không thể có những kết quả đột phá trong cuộc cải cách, đổi mới giáo dục.

Việc thay đổi khung chương trình, phương pháp dạy học, thay đổi tiêu chí đánh giá học sinh thì phải đồng bộ với việc thay đổi về thi cử, cách ra đề kiểm tra cũng như thay đổi quan niệm về thành tích trong giáo dục”.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên (ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC

Cô Tô Thụy Diễm Quyên (ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC

Đổi mới từ việc thay đổi cách ra đề thi

Theo quan điểm của cô Tô Thụy Diễm Quyên, muốn có những đổi mới tích cực trong thi cử thì cần phải thay đổi quan điểm, tư duy, cần nhận thức đúng mục tiêu của kiểm tra, thi cử.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 5 phẩm chất, 10 năng lực gắn với mục tiêu cụ thể của chương trình giáo dục phổ thông, quá trình đổi mới trong học tập, đánh giá, kiểm tra, thi cử đều phải hướng tới đạt được mục tiêu đó.

Thay đổi thi cử không chỉ giúp giảm áp lực học hành, thi cử mà còn góp phần định hướng để thay đổi sản phẩm của giáo dục – yếu tố con người.

Theo tinh thần của chương trình giáo dục mới, dạy học không phụ thuộc vào sách giáo khoa, hướng đến phát triển năng lực, rèn luyện phẩm chất. Do đó, không được đặt nặng kiến thức trong thi cử như trước đây.

Theo cô Quyên, việc quan trọng đầu tiên cần thực hiện là thay đổi cách ra đề thi.

Thứ nhất, nội dung đề thi cần phải hướng học sinh việc vận dụng kiến thức, hoặc tìm ra những giải pháp để giải quyết vấn đề.

“Cần ra đề thi phát triển năng lực chứ không phải kiểm tra kiến thức, một đề thi tốt là đề thi có tính phân hóa cao, kiểm tra kiến thức, kỹ năng, tư duy, quan điểm, sự sáng tạo, tư duy phản biện,… của học sinh; là đề thi phát triển mặt tư duy của học sinh.

Điều quan trọng là cách học sinh tư duy trước một vấn đề chứ không phải kiểm tra các em đang nhớ những gì”, cô Quyên phân tích.

Thứ hai, đề thi phải gắn liền với thực tế cuộc sống, hướng đến việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Thứ ba, câu hỏi trong đề thi phải đảm bảo thể hiện ở cả 6 bậc tư duy, bao gồm: Câu hỏi ở bậc nhận biết, câu hỏi bậc hiểu, câu hỏi vận dụng, câu hỏi phân tích, câu hỏi tổng hợp và câu hỏi đánh giá.

Việc thay đổi cách ra đề, thay đổi cách đánh giá học sinh được quyết định bởi quan điểm, tư duy và năng lực của người ra đề thi. Đó cũng chính là nhiệm vụ của các Sở, Phòng Giáo dục ở mỗi địa phương.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ: “Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những đổi mới tích cực, sáng tạo trong cách ra đề thi, đặc biệt thể hiện rõ nhất ở môn Ngữ văn.

Nội dung đề thi môn ngữ văn sử dụng những bài văn hoàn toàn không có trong sách giáo khoa, ngữ liệu làm đề thi rất thực tế, có thể lấy từ đời sống hằng ngày, trên báo chí, trên truyền hình,...

Ngữ liệu dùng trong đề thi không còn đóng khung trong sách giáo khoa mà được mở rộng từ nhiều nguồn, phát huy năng lực tư duy và sự sáng tạo của học sinh”.

Bên cạnh đó, theo cô Quyên, việc ra đề thi còn tùy thuộc vào đặc điểm từng tỉnh/thành, vùng miền. Theo đó, dựa vào điều kiện học tập, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu định hướng nghề nghiệp,… ở mỗi địa phương mà nội dung đề thi cũng khác nhau.

Ngoài ra, một vấn đề cực kỳ quan trọng quyết định đến đổi mới thi cử hiện nay chính là việc thay đổi quan niệm về thành tích.

Cô Quyên chia sẻ: “Thành tích không phải được tính bằng điểm số, bằng cấp hay số lượng học sinh giỏi, số lượng học sinh đậu đại học,… mà thành tích được đo theo chỉ số hạnh phúc của học sinh trong học tập, là kết quả về việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp, về công việc của các em sau khi ra trường.

Học sinh có được đào tạo trong môi trường phù hợp, có được học đúng ngành nghề, đúng năng lực, sở trường, sở thích của các em hay không? Điều đó mới thực sự quan trọng”.

Việc thay đổi quan niệm về thành tích sẽ góp phần xây dựng hạnh phúc trong trường học, giúp học sinh có cơ hội phát triển toàn diện, tích cực, giảm áp lực học tập, cuộc sống.

Về lâu dài, sự thay đổi nhận thức này còn thúc đẩy sự phát triển ở những lĩnh vực quan trọng khác như kinh tế, văn hóa, xã hội.

Phạm Minh