Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, bỏ thì thương vương thì tội?

14/06/2021 06:58
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục cần xem xét, nghiên cứu cắt hết 3 loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giúp giáo viên giảm đi những áp lực, phiền hà không cần thiết.

Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức; trong đó có chứng chỉ liên quan đến chức danh nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên.

Ngày 2/6/2021, trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:

“Với đề xuất hiện nay của Bộ Nội vụ trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì không phải là sẽ bỏ hết quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên mà là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên”. [1]

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, giáo viên ở mỗi cấp học chỉ còn 1 loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thay vì 3 như trước. Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục không có ý kiến gì thêm thì giáo viên vẫn phải học, vẫn phải thi để được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

(Ảnh minh hoạ: chungchinganhan.edu.vn)

(Ảnh minh hoạ: chungchinganhan.edu.vn)

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là gì?

Điều 8 Luật Viên chức (2010) định nghĩa: “Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh nghề nghiệp.” [2]

Hay nói cách khác, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được coi là “giấy tờ” để chứng minh viên chức có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực nghề nghiệp.

Do đó, với giáo viên, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là chứng chỉ được cấp cho giáo viên đã tham gia khóa bồi dưỡng theo đúng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có thực sự cần thiết với giáo viên không?

Cá nhân người viết cho rằng, giáo viên không nhất thiết phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bởi những lí do sau đây.

Thứ nhất, chức danh nghề nghiệp của giáo viên thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong lĩnh vực giáo dục.

Cụ thể, trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo được quy định tại Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) như sau: “có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.” [3]

Như thế, xét về trình độ, giáo viên trước khi ra giảng dạy đã được đào tạo và công nhận nghề nghiệp sư phạm (Cử nhân cao đẳng sư phạm; Cử nhân đại học sư phạm).

Thứ hai, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên đã được cơ quan tuyển dụng (Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục, hội đồng tuyển dụng viên chức nhà trường) đánh giá qua việc tổ chức thi tuyển/xét tuyển.

Bên cạnh đó, hàng năm giáo viên đều được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Ví như, đổi mới phương pháp giảng dạy; dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; thao giảng dạy tốt học tốt; bồi dưỡng thường xuyên qua các modul; tập huấn công tác giáo viên chủ nhiệm.

Cùng với đó, hội thi giáo viên dạy giỏi/chủ nhiệm giỏi được tổ chức ở 03 cấp là cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện được tổ chức theo chu kỳ 02 năm một lần. Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh được tổ chức theo chu kỳ 04 năm một lần.

Qua các cuộc thi này, giáo viên đã khẳng định được tay nghề của mình. Ngoài ra, nhiều giáo viên còn tự nâng cao chuyên môn nghiệp vụ bằng cách tự học, tự nghiên cứu hay học lên cao học để lấy học vị Thạc sĩ.

Thứ ba, bàn về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, bà Phạm Thị Minh Hiền - đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nêu chia sẻ:

“Tôi nghĩ cá nhân từng giáo viên phải học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết của nhà giáo đứng trên bục giảng để đem lại hiệu quả giảng dạy cao nhất.

Tuy nhiên, các tiêu chuẩn đặt ra cho giáo viên cũng phải xuất phát từ thực tiễn. Có những tiêu chuẩn không cần thiết thì không nên gây áp lực cho giáo viên, nhất là đối với những quy định nặng về bằng cấp, chú trọng bằng cấp mà lại bỏ qua năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của giáo viên.” [2]

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết:

“Bản chất, giáo viên trước khi ra giảng dạy là đã được đào tạo và công nhận nghề nghiệp sư phạm. Do đó, quy định có thể bỏ yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên. Điều này sẽ đáp ứng sự phù hợp của xu hướng chung hiện nay là giảm bớt các chứng chỉ không cần thiết; đồng thời, giảm bớt được những phiền hà”. [3]

Và gần đây, Báo Tuổi Trẻ ngày 10/6/2021 dẫn lời Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các bộ trong quá trình thực hiện việc rà soát, cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu.

“Cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm”, theo Tuổi Trẻ. [4]

Như thế để thấy rằng, việc bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên là một yêu cầu cấp thiết nhằm giúp người thầy tự học để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời giảm đi những áp lực, phiền hà mang tính hình thức không cần thiết.

Vậy nên, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét, nghiên cứu cắt hết 3 loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, chứ không nhất thiết phải phân vân, khó xử kiểu “bỏ thì thương vương thì tội”, thì giáo giới cả nước biết ơn hai Bộ rất nhiều.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhu-de-xuat-cua-bo-noi-vu-thi-giam-so-luong-chung-chi-chu-khong-phai-bo-het-post218281.gd

[2] //luatvietnam.vn/can-bo-cong-chuc/giao-vien-nang-chuan-trinh-do-566-25435-article.html

[3] //tuoitre.vn/do-xo-hoc-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-se-kien-nghi-bo-gd-dt-xem-xet-lai-20210303225321955.htm

[4] //laodong.vn/xa-hoi/giao-vien-khong-can-thiet-phai-co-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-886629.ldo

[5] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/danh-sach-13-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-voi-giao-vien-duoc-de-xuat-bo-743719.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài