Chưa thông qua chương trình môn học sao đã thực nghiệm xong rồi?

28/05/2018 06:34
Thanh An
(GDVN) - Với những gì đang diễn ra chúng tôi tin rằng mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở việc một bộ sách giáo khoa như chương trình trình hiện hành mà thôi.

LTS: Đưa ra những phân tích và quan điểm của mình về việc chương trình thực nghiệm đã thực hiện xong trong khi chương trình môn học chính thức chưa được thông qua, thầy giáo Thanh An đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những ngày qua, các thầy Tổng chủ biên, chủ biên chương trình học đã chia sẻ khá nhiều sau một tháng thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều chúng tôi băn khoăn nhất là đến thời điểm này chương trình môn học chính thức chưa được thông qua thì việc đã thực nghiệm xong chương trình liệu có mâu thuẫn hay không?

Và, phía sau việc đã thực hiện xong chương trình thực nghiệm còn có điều gì uẩn khuất nữa?

Một giờ dạy học khi thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Một giờ dạy học khi thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Thời gian qua, chúng ta đã thấy có nhiều những băn khoăn, lo lắng của dư luận và giáo viên về môn tích hợp thì được thầy Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên môn Khoa học tự nhiên cho giải thích:

Các giáo viên lo lắng vì không hiểu hoặc hiểu sai [1]. Khi được tập huấn thì họ đều cho biết có thể làm được”.

Điều này cũng đồng nghĩa mọi việc đang diễn ra khá suôn sẻ, những lo lắng của giáo viên không phải là vấn đề mấu chốt.

Bởi, theo những chia sẻ của các thầy chủ biên như: thầy Thuyết, thầy Tuấn, thầy Thái, thầy Thống… thì chúng ta thấy về cơ bản việc thực nghiệm đã thành công tốt đẹp. Nhiều môn đã thành công hơn cả mức mong đợi.

Tuy nhiên, cũng có thể vì những thành công như vậy mà khiến chúng tôi không khỏi giật mình về những phát biểu trước đây của thầy Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Tại sao lại thực nghiệm trước khi thông qua chương trình môn học?

Còn nhớ vào tháng 10/2017,  khi thầy Nguyễn Minh Thuyết trả lời với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nói:

Chưa thông qua chương trình môn học sao đã thực nghiệm xong rồi? ảnh 2Tổng Chủ biên tiết lộ yêu cầu đối với cá nhân, tổ chức viết sách giáo khoa

Sắp tới, chúng tôi phải tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, giáo viên, hoàn thiện các chương trình môn học.

Sau đó xin phép Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng 60 ngày để lấy ý kiến nhân dân, rồi hoàn thiện, thẩm định, trình Bộ trưởng ký.

Công việc này có thể kéo dài đến hết năm 2017. Sau đó là biên soạn sách giáo khoa

Theo tôi, sắp tới Bộ trưởng nên ra thông báo mời các tổ chức, cá nhân viết sách và bắt tay vào việc tập huấn cho tác giả sách giáo khoa.

Người viết sách phải có đủ thời gian nghiên cứu mô hình sách giáo khoa Việt Nam, mô hình sách giáo khoa thế giới, đi thực tế ở trường phổ thông để có đủ những hiểu biết cần thiết cho công việc viết sách giáo khoa.

Viết xong, sách còn phải được thực nghiệm. Lần này thực nghiệm có khác trước, đó là thực nghiệm cả chương trình, cả sách nhưng chỉ thực nghiệm cái mới và thực nghiệm trong cả quá trình xây dựng chương trình chứ không phải chỉ thực nghiệm trong lúc làm sách giáo khoa”. [2]

Đọc những chia sẻ của thầy chủ biên, chúng tôi nhận thấy có nhiều mâu thuẫn bởi những câu nói ở trên thì thầy Tổng chủ biên đã đề ra một lộ trình cơ bản là phù hợp, khoa học và qua rất nhiều khâu mới đến khâu thực nghiệm.

Đó là, phải lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện chương trình môn học; sau đó mới mời các cá nhân tổ chức viết sách giáo khoa; tập huấn cho đội ngũ tác giả viết sách giáo khoa; đội ngũ này phải đi thực tế ở các trường phổ thông rồi mới biên soạn, viết sách giáo khoa.

Sau đó, mới tiến hành thực nghiệm những bài mới.

Thế nhưng, đoạn cuối lại được thầy Thuyết chia sẻ là: “Lần này thực nghiệm có khác trước, đó là thực nghiệm cả chương trình, cả sách nhưng chỉ thực nghiệm cái mới và thực nghiệm trong cả quá trình xây dựng chương trình chứ không phải chỉ thực nghiệm trong lúc làm sách giáo khoa.

Chưa thông qua chương trình môn học sao đã thực nghiệm xong rồi? ảnh 3Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thừa nhận chương trình mới có chỗ khó và nặng

Rõ ràng khi đọc lại những chia sẻ của thầy Tổng chủ biên ta đã thấy ngay những mâu thuẫn.

Đoạn trên là “viết xong, sách còn phải thực nghiệm” nhưng đoạn dưới lại là “thực nghiệm trong cả quá trình xây dựng chương trình chứ không phải chỉ thực nghiệm trong lúc làm sách giáo khoa”?

Phải chăng, những tổ chức, cá nhân ngoài Bộ Giáo dục khi tham gia viết sách giáo khoa thì phải thực hiện theo tuần tự các bước còn những người đang thực hiện soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ thì vừa làm chương trình vừa thực nghiệm?

Rốt cuộc một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa có thành hiện thực?

Theo lộ trình thì năm học 2019-2020 sẽ tiến hành áp dụng đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới (ở lớp 1) nhưng các môn đã thực nghiệm xong.

Điều này cũng đồng nghĩa bộ sách giáo khoa mới đã được thực nghiệm đúng theo kế hoạch và mọi chuyện đã an bài.

Tất cả những ý kiến lâu nay của dư luận về 2 môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở chỉ là việc giáo viên và dư luận “không hiểu hoặc hiểu sai” mà thôi.

Từ những thực tế đang diễn ra thì có lẽ không còn cơ hội cho các tổ chức, cá nhân ngoài Bộ giáo dục tham gia viết sách giáo khoa nữa bởi mọi người đã đoán được chủ ý của Bộ.

Theo chúng tôi bộ sách giáo khoa mới tới đây về cơ bản vẫn là bộ sách giáo khoa “độc quyền” như hiện hành.

Nếu có khác chăng nữa cũng chỉ là thêm bộ sách VNEN và bộ sách của Thành phố Hồ Chí Minh và bộ sách Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Nếu vậy, cái khác cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông mới cũng chỉ là việc thêm bộ sách giáo khoa của Thành phố Hồ Chí Minh mà thôi.

Chưa thông qua chương trình môn học sao đã thực nghiệm xong rồi? ảnh 4Thực nghiệm chương trình mới liệu có lặp lại vết xe đổ VNEN?

Chúng tôi chợt nhớ, ngay sau khi thông qua dự thảo chương trình môn học thì giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời với báo chí đã nói:

“Ban soạn thảo chương trình hoàn toàn có quyền viết sách giáo khoa. Bởi lẽ, người soạn thảo chương trình sẽ là người nắm rất chắc chương trình nên việc viết sách giáo khoa sẽ có lợi” [3].

Và, việc “có lợi” đó đang được ban soạn thảo chương trình môn học áp dụng và phát huy.

Nếu như Bộ giáo dục chủ trương cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài Bộ giáo dục viết sách giáo khoa thì chắc chắn việc thực nghiệm chương trình môn học sẽ chưa được thực hiện.

Bởi, theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thì còn phải trải qua nhiều khâu nữa mới đến đến việc viết sách giáo khoa bởi thực tế Bộ mới thông qua dự thảo chương trình môn học. Tuy nhiên, chủ ý thực nghiệm của Bộ đã rõ ràng.

Hy vọng một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là mong mỏi của đa số các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và đây cũng là ý kiến chỉ đạo của Đảng, Quốc hội.

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trong tiến trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới thì chúng tôi tin rằng mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở việc một bộ sách giáo khoa như chương trình trình hiện hành mà thôi.

Bởi thực tế những bộ sách như: VNEN hay của Thành phố Hồ Chí Minh… đã đủ để Bộ trả lời trước dư luận về “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” rồi!

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/thuc-nghiem-chuong-trinh-pho-thong-moi-khong-that-bai-20180423073824517.htm

[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tong-Chu-bien-tiet-lo-yeu-cau-doi-voi-ca-nhan-to-chuc-viet-sach-giao-khoa-post180216.gd

[3]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Nguyen-Minh-Thuyet-Soan-thao-chuong-trinh-co-quyen-viet-sach-giao-khoa-post183207.gd

Thanh An