Chưa thi đã biết đỗ, thế thi để làm gì?

05/06/2019 06:56
Mai Hoa
(GDVN) - Với những địa phương mà học sinh chưa thi đã biết mình đậu hay cả một kỳ thi được tổ chức bài bản công phu mà chỉ loại được vài chục em, liệu có nên không?

Khác với một số thành phố tỷ lệ chọi lớp 10 vào các trường công lập khá cao thì một số địa phương trong cả nước, học sinh chưa thi đã biết mình đỗ.

Để tổ chức một kỳ thi cho hàng chục nghìn học sinh thì số tiền chi phí bỏ ra không hề nhỏ chút nào.

Học sinh thi vào lớp 10, ảnh minh họa, nguồn: Báo Tây Ninh.
Học sinh thi vào lớp 10, ảnh minh họa, nguồn: Báo Tây Ninh.

Từ việc ra đề, in sao, bảo mật đến việc điều giám thị, giám sát coi thi, chỉ đạo hội đồng thi.  Rồi thành lập hội đồng chấm thi, giám sát, phúc khảo…

Thế nhưng, kỳ thi tổ chức hoàng tráng thế nhưng tỷ lệ loại gần như bằng không nghĩa là ai thi cũng đỗ, chưa thi đã biết mình đỗ nên chẳng cần nỗ lực làm gì.

Chưa thi đã biết mình đỗ

Năm nay toàn tỉnh Bình Phước, có 11.639 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập. Nhưng chỉ tiêu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước giao cho các trường trên địa bàn là tuyển sinh 11.619 học sinh.

Như vậy, số học sinh bị loại trong đợt thi này theo chỉ tiêu được giao là 20 thí sinh.

Thế nên, hầu hết các thí sinh trên địa bàn tỉnh đứng trước cơ hội để vào học ở các trường công lập là rất lớn, xác suất bị loại gần như không có.[1]

Thí sinh tỉnh Bình Phước tự tin đậu hết vào lớp 10 trường công lập

Năm học vừa qua, tại tỉnh này cũng xảy ra tình trạng một số hội đồng thi học sinh chưa thi đã biết mình đỗ khi số lượng học sinh dự thi bằng chỉ tiêu cần tuyển.

Ngay sau khi thông tin các trường học tuyển sinh và dựa vào số lượng thí sinh đăng kí tham gia được công bố, không ít học sinh đã lơ là việc học.

Một số em cho biết, nghỉ ngơi để lấy năng lượng vào năm học mới tiếp tục tăng tốc. Vì giờ chẳng cần học nhiều thi cũng chắc chắn đậu.

Những kỳ thi mà học sinh không có sự cạnh tranh “một mất một còn”, không bị áp lực nếu không đỗ sẽ chẳng biết học nơi đâu…thì học sinh đi thi vô cùng thoải mái.

Và giám thị coi thi cũng rất thong dong, nhẹ nhàng.

Tôi đã làm giám thị khá nhiều những kỳ thi “thi cho có” theo cách nói của nhiều thầy cô.

Coi thi mà chẳng cần phải để ý, giám sát chặt chẽ để ngăn chặn việc quay bài, copi bài.

Có em miệt mài say mê làm bài từ đầu chí cuối. Không ít em làm được ít câu rồi gục xuống bàn ngủ một giấc khá ngon lành cho tới hết giờ.

Thi lớp 10 quá áp lực và mệt mỏi, có cần thiết?

Em không làm bài thì ngồi vẽ nhăng vẽ cuội…Không thấy sự hối hả, khẩn trương vốn có trong các kỳ thi vì em nào chẳng nắm chắc mình đã đỗ.

Bởi vậy, có nhất định phải tổ chức những kỳ thi kiểu thế này không?

Với những địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác trường công lập không thể đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh.

Số lượng thí sinh đăng ký dự thi bao giờ cũng cao hơn chỉ tiêu được giao.

Vì thế, việc tổ chức kỳ thi vào 10 là cần thiết, tổ chức thi tuyển là phương thức bảo đảm tính khách quan, công bằng hơn so với xét tuyển.

Tổ chức thi tuyển một cách thật nghiêm túc chính là thước đo về chất lượng dạy và học của nhà trường, của học sinh.

Ngược lại, với những địa phương mà học sinh chưa thi đã biết mình đậu hay cả một kỳ thi được tổ chức bài bản công phu mà chỉ loại được vài chục em, liệu có nên không?

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thi-sinh-tinh-binh-phuoc-tu-tin-dau-het-vao-lop-10-truong-cong-lap-post199027.gd

Mai Hoa